Người ta vẫn nghĩ cuộc sống của những người lính chỉ là hành trang trên balo. Nhưng ngay cả khi điều kiện hạn chế, khi những nhiệm vụ cuốn đi, họ vẫn cố gắng để cuộc sống bớt đơn điệu như vậy.
1. Chốt chống dịch thôn Khai Hoang 1 (xã Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang) có thể gọi là chốt chống dịch vị trí đẹp nhất Việt Nam. Nằm sát bên sông Nho Quế, nhìn ra dãy núi hùng vĩ. Rất nhiều khách du lịch trong hành trình khám phá Hà Giang đã bỏ công sức đi thuyền tới đây để được ngắm cảnh thiên nhiên kỳ vĩ này. Thế nhưng, không nhiều người biết, ngay điểm gần cuối của hành trình dọc sông Nho Quế có chốt chống dịch này - nơi mà có thể xem vừa gần mọi người, nhưng cũng coi như biệt lập nhất nhì các chốt chống dịch.
Vườn rau mới trồng trên chốt chống dịch mốc 485. Ảnh: M.L
Tôi cứ nghĩ về những bông hoa sẽ nở ở chốt Khai Hoang, về những chú chim vui vẻ và con gấu bông ở mốc 450, hay về vườn rau trên nhà giàn đang bám trụ qua bão gió chờ tết. Đó là những thứ tạo nên cảm giác "nhà" của những người lính, khi phải chọn xa nhà theo nhiệm vụ, để giữ những ngôi nhà khác bình yên.
|
Đại úy Đoàn Thanh Thủy có gia đình ở Đồng Văn. Nếu tính theo vị trí địa lý thì chỉ cách chốt công tác hơn hai cây số. Thế nhưng đó là hai cây số phải đi qua bên kia sông Nho Quế, vượt một đoạn dốc hầu như chỉ có đường đá rồi mới tới đường nhựa. Quan trọng hơn cả, là nhiệm vụ ở chốt chống dịch này không cho phép anh rời vị trí. Hơn hai tháng nay anh chỉ liên lạc với gia đình qua điện thoại, dù ngước mắt là cảm giác như thấy khói bếp nhà mình đâu đó sau rặng núi xanh.
Từ trên chốt chống dịch Khai Hoang nhìn thấy sông Nho Quế mùa tam giác mạch nhộn nhịp người qua lại, nhưng anh Thủy bảo anh em đi lại không dễ dàng. Không có đường bê tông, việc đi lại hầu hết đều qua đường đất dân sinh hẹp, mùa mưa thì chẳng xe nào đi nổi. Mấy ngày hè, cả chốt gần như chịu đủ mọi sự oi ả. Thực phẩm đều phải nhờ người dân qua lại mua rồi kéo bè qua sông mang sang. "Đi thuyền như khách du lịch cũng được nhưng hạn chế về kinh tế"- anh Thủy cười.
Tôi nói đùa với mấy anh em trực trên chốt là các anh ở vị trí check-in sống ảo mà nhiều du khách thèm muốn lắm đấy, họ cười phá lên: "Làm gì có thời gian mà chăm góc sống ảo, đi tuần đã hết ngày". Cuối năm, vào mùa nước cạn, những đường mòn lối mở cũng thành điểm nóng của những người xuất nhập cảnh trái phép. Anh em gần như căng sức trên biên giới.
Tuần tra ở chốt chống dịch 450. Ảnh: M.L
Họ cười phá lên: "Làm gì có thời gian mà chăm góc sống ảo, đi tuần đã hết ngày". Cuối năm, vào mùa nước cạn, những đường mòn lối mở cũng thành điểm nóng của những người xuất nhập cảnh trái phép. Anh em gần như căng sức trên biên giới.
|
Thế nhưng, đại úy Thủy nói thêm, bảo cứ chờ đi, anh đã chuẩn bị sẵn hạt giống nhiều loại hoa, chỉ chờ cho con virus kia lắng xuống, mọi thứ trở về bình thường theo đúng nghĩa. Gắn bó với dải đất cao nguyên đá hơn chục năm, anh Thủy dường như vẫn giữ cho mình sự lãng mạn trước cảnh đẹp tưởng đã quá quen: "Chỗ này mà có một dải hoa từ cầu Nho Quế tới bến đỗ thuyền thì đẹp lắm.
2. Chốt chống dịch 450 ở sát cột mốc 450 (xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc), nơi mà gió và buốt giá vào hàng số 1 miền núi phía Bắc. Hôm chúng tôi đến, đại úy Nguyễn Xuân Cháng - cán bộ tăng cường Đồn Biên phòng Xín Cái, bảo chờ một lúc, vì anh em vừa cắm nồi cơm, không đủ điện để đun thêm ấm nước pha trà. Đường điện ở đây chỉ đủ cho các nhu cầu cơ bản. Nhưng trước cửa chốt, thấy anh treo mấy lồng chim. Anh bảo treo thế cho vui: "Anh em ở đây từ tháng 2 rồi, cứ tưởng ở một hai tháng, giờ ở lâu dài, nên xác định là tết này trực lại đây". Bởi vậy nên cuộc sống phải chuẩn bị tươm tất hơn. Như cậu chiến sĩ trẻ Nông Văn Tân, mang theo cả con gấu bông cô bạn gái tặng để đầu giường.
Ở chốt chống dịch mốc 485, đại úy Trần Văn Bằng, vốn là cán bộ tăng cường từ nơi khác, nhưng hơn chục năm từ Sơn Vĩ, anh quá hiểu thời tiết đỏng đảnh ở đây. Cái lạnh chỗ này anh bảo chưa là gì đâu. Mấy anh em đã kịp trồng một vườn rau trước cửa chốt. "Xác định lâu dài nên phải đảm bảo đời sống còn chống dịch chứ. Biết chắc là tết này bọn mình ở đây rồi"- đại uý Bằng cười.
Chốt chống dịch ở Đồn Biên phòng Đồng Văn, thấy cậu thiếu úy Lừ Mí Phứ vui vẻ khoe cái ống điếu làm từ một chai nhựa. Tiếng cười rổn rảng át cả cái lạnh. Mùa đông năm nay dự đoán sẽ khắc nghiệt hơn mọi năm, nhưng những chốt chống dịch này, anh em đã bám trụ từ đầu năm tới giờ, qua cả mùa mưa bão suốt tháng 7-8. Thiếu tá Sùng Mí Mua- Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Đồng Văn, bảo hồi tháng 7, chốt này bị gió tốc cả mái trong đêm. Bây giờ có kinh nghiệm, bộ đội chằng buộc chắc chắn rồi.
3. Những ngày qua cơn bão số 14 tiến vào Biển Đông. Khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 thềm lục địa phía Nam lại đang vất vả với sóng gió. Gọi điện hỏi thăm, thấy đại úy Vũ Duy Hoàng - Chỉ huy Phó nhà giàn DK1/16 Phúc Tần bảo: "Đang chống bão đây. Sóng lên như quả núi ấy". Sóng gió cuối năm thì chúng tôi đã có trải nghiệm ít ỏi. Cuối năm 2019, khi cơn bão Fanfone vừa tan, chúng tôi đã biết như thế nào là những cơn sóng 5-7m đập ầm ầm trên mạn tàu. Bây giờ đại úy Hoàng bảo lại có sóng cao như thế, mà những cơn sóng ấy vốn không lạ gì với DK1.
Phó Tư lệnh vùng 2 Hải quân, đại tá Đinh Văn Thắng cho biết năm nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thành phần đoàn chúc tết không thể mở rộng, không có khối dân sự như mọi năm. Dù là những chuyến tàu mang mùa xuân tới DK1 vẫn ra khơi, nhưng ngoài đó cũng vắng đi một chút hơi đất liền. Hoàng bảo ngoài này trông qua bão đã rồi mới trông đến tết. Việc đầu tiên là phải bảo vệ vườn rau. Rau xanh ngoài này hiếm hoi, chăm được là cả một công trình. Phải che chắn kỹ để gió mặn không táp lên. Năm trước nhà được tiếp tế mấy con gà mà sóng gió, thời tiết khắc nghiệt, chẳng còn con nào sống được đến tế. Hoàng bảo năm nay vườn rau tốt vì có người chăm khéo, lại có thêm cả đàn gia cầm, thế nên chắc là sẽ có một cái tết đầm ấm thôi: "Anh em xác định tư tưởng lâu dài, không có đoàn ra thăm thì cũng buồn. Nhưng cuộc sống ngoài này vẫn ổn định".
Xác định tư tưởng lâu dài, nghe thì nhẹ thế, nhưng là nhiệm vụ nặng nề trên vai. Đại úy Hoàng năm nay sẽ là cái tết thứ 2 xa nhà. Ở DK1/16, có những người 9-10 cái tết vắng nhà.
Còn những người lính trên các chốt chống dịch hầu hết đều đã ở đây nhiều tháng chưa về nhà, và xác định sẽ còn nhiều tháng nữa bám trụ nơi biên cương. Dẫu chọn cho mình nghiệp ôm cột mốc, nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ người thân mấy ai biết.
Link gốc: https://danviet.vn/ky-niem-76-nam-ngay-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-cang-minh-o-noi-dau-song-ngon-gio-20201221164029973.htm