Hàng chục nghìn người tràn ra lòng đường Tây Sơn trong lễ dâng sao giải hạn của chùa Phúc Khánh Ảnh: A.T
“Dâng sao giải hạn chỉ là trò bịp”!
19h ngày 12/2 chùa Phúc Khánh (Hà Nội) tổ chức cúng giải hạn sao La Hầu đã thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Chỗ ngồi trong chùa không đủ, đoàn người phải tràn cả ra phố Tây Sơn khiến giao thông khu vực này bị ách tắc nghiêm trọng. Đây mới chỉ là lễ giải hạn đầu tiên, theo như dự kiến, vào các ngày 19, 22/2 lần lượt chùa sẽ “dâng sao giải hạn” cho các sao Thái Bạch, Kế Đô.
Việc người dân tràn ra lòng đường “vái vọng”, theo như chia sẻ của nhiều người tham gia “giải hạn” thì chính là gợi ý của trụ trì chùa Phúc Khánh, hòa thượng Thích Thanh Quyết.
GS Trần Lâm Biền, người có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa truyền thống khẳng định: “Dâng sao giải hạn thực ra chỉ là một trò bịp tâm linh, xuất xứ từ các thầy cúng người Tàu. Nó không hề có trong hệ thống giáo lý của Phật giáo. Đạo Phật đề cao luật nhân - quả, tất cả họa - phúc mà con người gặp phải đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên. Không có quả nào từ trên trời rơi xuống, mà đều do các hành động qua tâm, khẩu và ý của con người tạo ra. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến. Con người gieo nghiệp ác thì phải trả nghiệp, không có loại cúng bái, giải hạn nào hóa giải được”.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng: “Sao xấu, sao tốt từ tâm con người mà ra. Nếu làm việc xấu thì có mang lễ lạt đi giải cũng không được. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm”.
Nhà nghiên cứu Phật giáo Hoàng Liên Tâm lý giải: Đối với sự cúng sao giải hạn, nếu chỉ cần mua sắm lễ vật mang lên chùa để xin thầy cúng sao La Hầu, Kế Đô hay Thái Bạch gì đó để giải hạn xấu thì nghịch lại lý nhân quả.
Cầu xin quả tốt lành mà không chịu gieo nhân tốt lành, sợ hãi quả xấu, sợ hãi tai họa xảy đến, mà không dừng tay tạo nhân xấu, sự cầu xin ấy chỉ là việc hoang tưởng. Phật giáo dạy rằng bất luận việc gì xảy đến cho chúng ta, đều do một hay nhiều nguyên nhân, chứ không do ngẫu nhiên, thời vận hên xui hay số mạng an bài. Nếu tạo nhân ác mà hưởng được quả thiện, thì toàn bộ nền đạo lý xây dựng trên quan điểm về lý nhân quả mà nhà Phật rao giảng phải sụp đổ sao?
Chờ vía Thần tài từ 5h sáng, lỗ ngay vào hôm sau
Năm giờ sáng ngày 14/2, “phố vàng” Trần Nhân Tông đã nhộn nhịp người xếp hàng bất chấp trời mưa. Một nhân viên của cửa hàng vàng Bảo Tín Mạnh Hải cho biết: “Mấy năm nay người Hà Nội mới rộ chuyện mua vàng ngày Thần Tài, chứ vài ba năm trước không có lệ này. Năm nay chúng tôi đã chuẩn bị lượng hàng gần gấp đôi năm ngoái mà vẫn không đủ bán. Vàng chỉ (1 chỉ, 2 chỉ) bán chạy hơn vàng miếng. Đa số người mua có vẻ không phải là người có tiền hoặc nhà đầu tư”.
Theo quan niệm dân gian, nếu mua vàng vào đúng ngày Thần Tài thì cả năm tiền bạc sẽ “vào như nước”. Vì nhu cầu tăng đột biến nên chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra được một số đơn vị kinh doanh nới rộng trong ngày này. Sang đến ngày 15/2, giá vàng trở lại bình thường, ước tính nếu người mua bán vàng sẽ lập tức lỗ gần 1 triệu đồng/lượng.
Bảo vệ của các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết, lượng người đến mua vàng năm nay cao hơn hẳn năm ngoái. Do đó, mức chênh lệch giá mua và giá bán đã cao hơn 30-40% so với năm ngoái.
GS Trần Lâm Biền chia sẻ: “Việc người dân vài năm gần đây đổ xô đi mua vàng vào ngày Thần Tài chỉ đơn giản là hội chứng đám đông. Tục lệ này vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nó được cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn truyền bá, gần đây mới “lây” ra Hà Nội”.
Nói về “hội chứng đám đông”, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa cho rằng: Đây là một “bệnh” khá điển hình của người Việt. Những người hay bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thường thiếu hiểu biết, không có chính kiến và yếu đuối về mặt tâm lý. Họ sợ “bị khác biệt”, dễ bị lôi kéo, kích động.
Ngay trong ngày Thần Tài, đã có không ít “nạn nhân của vàng” đăng những chia sẻ “biết thế chẳng làm”.
Hương Ga (Hà Nội) viết: Năm ngoái, em xếp hàng từ 5 giờ sáng, về cảm, viêm họng, giã kháng sinh hai tuần mới hết. Chỉ vàng mua được cũng chỉ thọ đến tháng Tư là phải bán vì cần tiền, lỗ hơn trăm. Năm nay em chỉ đứng nhìn Thần Tài.
Bố Kubin (Hà Nội) kể: Mấy năm trước, năm nào vợ em cũng gom hết tiền của con đi mua vàng ngày Thần Tài. Phát đạt đâu chưa thấy, năm nay kiểm lại thấy mất mấy chỉ, vì mẹ cháu lú sau sinh, giấu ở xó xỉnh nào mãi chưa tìm ra.
Hường (Hải Phòng) hóm hỉnh: sang năm em đã dặn người nhà chuốc thuốc mê để ngủ qua ngày Thần tài. Năm nay rõ ràng đã dặn mình không mua nữa, thế mà thấy dòng người đổ về hàng vàng lại ngứa chân. Gom góp mua về cất tủ, đùng một cái hôm sau vàng hạ, thấy cứ như mình bị lừa!
Sau Valentine, số ca nạo phá thai tăng đột biến!
Một nữ bác sĩ sản cho biết: cứ khoảng hai ba tháng sau 14/2, số lượng các ca nạo phá thai đều tăng đột biến. Sự việc này lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi các bác sĩ sản sinh ra một thuật ngữ: hậu quả Va-linh-tinh. Nhiều nữ bệnh nhân còn hồn nhiên kể: chỉ “hết mình” mỗi đêm Valentine mà “dính chưởng” ngay!
Việc giới trẻ nhân danh ngày Tình yêu để quan hệ tình dục không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam, đây cũng là một vấn nạn xã hội ở các nước phương Tây. Nguyễn Phương Mai (tình nguyện viên quốc tế của tổ chức Maison Chance) chia sẻ: Tại Pháp, Bỉ và Canada – những quốc gia tôi từng tham gia tình nguyện cũng đều phải đẩy mạnh tuyên truyền an toàn tình dục trước và trong ngày 14/2. Ở mỗi thành phố lớn đều có hàng chục tụ điểm phát bao cao su miễn phí thế nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào hậu quả của việc quan hệ tình dục theo phong trào”.
“Khoảng 10 năm đổ lại đây, Valentine được giới trẻ Việt Nam chào đón và năm này nồng nhiệt hơn năm xưa. Thoạt kỳ thủy, người ta tặng nhau hoa hồng và chocolate, đến nay, hoa hồng mạ vàng mới là thời thượng. Những món quà ngày càng đắt giá về vật chất, chuyện tình cảm trở thành thứ yếu so với nhu cầu show tình cảm và lấy lòng khán giả” – blogger Phạm Thanh Tâm nhận xét.
Valentine năm nay, cư dân mạng chia hẳn làm hai phe trước clip một chàng trai bỏ 7 triệu mua 999 đóa hồng tặng người yêu. Clip này ngay sau đó được chia sẻ rộng rãi với số lượt xem lên tới hơn 130 ngàn với hàng ngàn comment trái chiều. Một bên cho rằng như thế là lãng phí, không thực chất, màu mè... Một bên “kệ người ta” miễn là không dùng tiền phi pháp. Việc “hâm nóng tình yêu” được đưa lên bàn cân với nhiều tranh cãi. Nhà văn Trần Nhã Thụy bình luận: Đạo đức nào phải trống chiêng, mà đánh mà khua? Tình yêu nào phải son phấn, mà bôi mà trét?
Nhà thiết kế Phạm Kiều Phúc (chủ thương hiệu nội thất Module 7) trong một cuộc nói chuyện có nhận xét: “giới trẻ hiện nay mải nhìn ra ngoài và đu theo những thứ hào nhoáng mà quên mất việc nhìn vào bên trong mình, chuyện trò với chính mình để tìm ra những giá trị lõi. Việc nhìn ra ngoài không xấu, nhưng nếu không biết nhìn vào bên trong, bạn sẽ hoang mang về bản thân, không biết mình là ai, mình muốn gì, và hạnh phúc thực sự với mình là gì”.
Cũng trong ngày Valentine, status được share nhiều nhất chính là thông điệp ngắn ngọn này: “Không cần nhẫn đẹp, không cần xe sang. Không cần vẻ ngoài hào nhoáng. Mà điều cần nhất, là sự quan tâm, thấu hiểu. Và thương!”.
Tác giả bài viết: Đạt Nhi
Nguồn tin: Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn