“Vướng ” hạ tầng cơ sở xử lý
Báo cáo công tác bảo vệ môi trường của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 218 đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải (gồm: 170 HTX môi trường, 40 tổ đội vệ sinh môi trường, 5 Công ty môi trường và 1 Trung tâm dịch vụ hạ tầng) với 1.858 lao động. Phương tiện, thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển có 1.744 xe đẩy tay, 121 xe tải các loại (chủ yếu là xe Julong), 28 xe chuyên dụng.
Ông Phan Lam Sơn- Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh thừa nhận thực trạng khó khăn trong việc xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt
Tuy vậy, một số địa phương vẫn còn bị động, lúng túng trong việc vận chuyển, xử lý. Theo đó, nguyên nhân chính được xác định do đang gặp khó khăn liên quan đến việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý, dẫn đến tỷ lệ thu gom rác thải đạt ở mức thấp như: huyện Đức Thọ (23%), Hương Khê (66%), Vũ Quang (50 %), Hương Sơn (60 %)...
Ông Thái Sơn Vinh- Trưởng Phòng TN&MT huyện Đức Thọ chia sẻ: “Năm 2018, thực hiện Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh, huyện đã triển khai dự án xây dựng lò đốt ở bãi rác Phượng Thành. Tuy nhiên, khi thực hiện xong thì người dân thôn Đông Xá, xã Đức Hòa phản đối, với lý do vị trí thực hiện không đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Lò đốt rác được đầu tư hàng tỷ đồng tại huyện Đức Thọ đã được hoàn thiện nhưng hiện vẫn chưa phát huy hiệu quả
“Xét theo quy chuẩn 01/2008 thì rõ ràng vị trí lắp đặt lò đốt rác tại huyện Đức Thọ không đảm bảo yêu cầu, nằm cách khu dân dưới 500m và trên đầu nguồn nước. Mặc dù công trình đã hoàn thiện nhưng đến nay không thể đưa vào sử dụng, do đó trên địa bàn vẫn chưa có nơi để xử lý. Thực trạng này chúng tôi cũng đã có đề nghị lãnh đạo tỉnh, Sở TN&MT sớm có phương án đưa lò đốt vào hoạt động nếu để lâu dài công trình sẽ xuống cấp”, ông Vinh nói.
Tại huyện Hương Khê, mặc dù đã hoàn thiện chủ trương đầu tư, quy hoạch địa điểm nhưng dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt vẫn chưa thể thực hiện. Ông Lê Ngọc Huấn- Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Môi trường trên địa bàn thời gian qua bị ô nhiễm nghiêm trọng, người dân bức xúc. Vì không còn phương án nào tốt hơn buộc địa phương phải trích ngân sách 100 triệu đồng/tháng để hợp đồng với nhà máy xử lý rác thải ở Quảng Bình”.
Thiếu cơ sở xử lý, rác thải sinh hoạt nằm tràn ra đường giao thông ở huyện Hương Khê gây ô nhiễm môi trường
Báo cáo của các địa phương cũng cho thấy, mỗi ngày lượng rác thải rắn ở Hương Khê (13-14 tấn), ở Đức Thọ (11-12) được thải ra trên địa bàn. Số lượng lớn như vậy nhưng vẫn chưa bố trí được vị trí tập kết đảm bảo, trong khi đó, đơn vị thu gom, vận chuyển vào Quảng Bình chờ đủ khối lượng mới thực hiện. Rác thải vì thế bị tồn đọng ở những bãi rác tạm trên hành lang đường giao thông, trong khu dân cư.
Giải pháp căn cơ?
Đến nay tất cả các huyện, thị và thành phố trên địa bàn Hà Tĩnh đã phê duyệt đề án thu gom, vận chuyển rác thải và ban hành, áp dụng mức giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Được biết, Sở TN&MT Hà Tĩnh tiếp tục giao Chi cục Bảo vệ môi trường xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Hoạt động phân loại rác thải tại nguồn được đánh giá là đã góp phần tích cực, giảm áp lực trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua
Những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường tại Hà Tĩnh thời gian qua rất đáng được ghi nhận. Có thể nhận thấy qua các dự án như: Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS); Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh – Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1; Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh... có lượng rác thải phát sinh lớn nhưng được kiểm soát chặt chẽ, trong đó có rác thải sinh hoạt xử lý hàng ngày, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nói về thực trạng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, ông Phan Lam Sơn- Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho rằng: “Nhìn chung kết quả thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong năm qua đạt được cơ bản tốt. Đáng chú ý, qua phong trào xây dựng NTM, thí điểm để triển khai phân loại rác tại nguồn bước đầu đem lại hiệu quả, giảm lượng rác thu gom, vận chuyển và nâng cao nhận thức của người dân...”.
“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, việc quy hoạch xử lý chất thải rắn khu vực đô thị và nông thôn chưa được soát xét đồng bộ; Chưa hình thành được các khu xử lý rác thải với công nghệ hiện đại. Việc triển khai thực hiện quy hoạch và phương án xử lý rác thải bằng lò đốt tại một số địa phương còn chậm và gặp nhiều khó khăn”, ông Phan Lam Sơn nói.
Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh cùng các chuyên gia hàng đâù về lĩnh vực môi trường khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt tại huyện Hương Khê
Mặc dù đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, sự vào cuộc của các sở, ngành và các cấp chính quyền tìm nhiều cách để giải quyết, những khó khăn trong xử lý rác thải vẫn chưa thoát ra được. Chúng ta đang đi tìm những giải pháp lâu dài...”, ông Sơn thừa nhận một thực tại khách quan.
Giải pháp để tháo gỡ thực trạng này, trước mắt, theo lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh, tiếp tục chỉ đạo các địa phương củng cố, mở rộng mạng lưới HTX, tổ đội, đơn vị vệ sinh môi trường thu gom rác thải trên địa bàn. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỷ thuật bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, đặc biệt là dự án tái chế...
Được biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo Sở TN&MT tham mưu đề xuất phương án xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện, đồng thời chủ trì xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo với mục tiêu hình thành các khu xử lý với công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường tiến tới loại bỏ dần các khu xử lý với công nghệ lạc hậu như hiện nay.
Link gốc: https://baotainguyenmoitruong.vn/ha-tinh-chua-thoat-kho-khan-trong-xu-ly-rac-thai-297873.html