Sau hơn 20 ngày ra quân triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ, số vụ tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, ý thức chấp hành pháp luật giao thông nâng cao rõ rệt.
Xử lý rốt ráo là thế, nhưng có nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm, dùng chức vị để xin xỏ, thậm chí chống đối lại lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Có những trường hợp khi bị lực lượng chức xử lý đã òa khóc bởi số tiền xử phạt là quá lớn.
Ngày 3/1, tại nút giao Xuân Thủy - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), lực lượng cảnh sát giao thông đã dừng xe gắn máy do 1 người đàn ông điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn.
Tuy nhiên, người đàn ông này tỏ ra không hợp tác, rồi còn tự xưng là hiểu biết về luật, làm việc ở Bộ GD-ĐT, là Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên…Thậm chí, có lúc người đàn ông này còn giơ điện thoại lên dọa "gọi luôn bộ trưởng đây này".
Một lúc sau, người này nhận sai vì đã nổi nóng, đã nói hơi to và phân trần đó là "bệnh nghề nghiệp, quan chức hay nói thế". Cuối cùng, qua tìm hiểu người đàn ông này không phải là cán bộ thuộc Bộ GD-ĐT.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với các tài xế.
Tại Quảng Bình, ngày 10/1, khi lực lượng đang làm nhiệm vụ tại Km3, QL12A (thuộc phường Quảng Phong) thì phát hiện ô tô con BKS 73A - 117.91 di chuyển theo hướng QL1 đi Đồng Lê có dấu hiệu nghi vấn.
Khi tổ công tác áp sát thì phát hiện trên xe có 2 người đàn ông. Tài xế có dấu hiệu đã sử dụng rượu bia nên tổ công tác yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Tài xế không chấp hành mà còn tìm cách bỏ đi nơi khác. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của lực lượng chức năng, tài xế đã xuất trình giấy tờ mang tên Hoàng Đình Th. (SN 1976, trú ở xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn).
Mặc dù đã xuất trình giấy tờ nhưng ông Th. vẫn không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn và ra sức xin lực lượng công an. Ông Th. cho biết mình hiện là Phó Phòng GD&ĐT TX Ba Đồn.
Gần 1 tiếng đồng hồ sau, tài xế Th. mới chịu thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn.Kết quả kiểm tra, trong hơi thở của tài xế có nồng độ cồn ở mức 0,774mg/l khí thở.
Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính với mức phạt 35 triệu đồng, treo bằng lái 32 tháng và tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, tài xế Th. tiếp tục đi vào gara sửa chữa ô tô bên đường, không chấp hành việc ký vào biên bản.
Đến 21h28, có một người đàn ông đến nhận là sếp của tài xế Th. yêu cầu tài xế này ký vào biên bản thì ông Th. mới chấp hành. Người đàn ông mới đến cũng xác nhận tài xế Hoàng Đình Th. hiện là Phó Phòng GD&ĐT thị xã Ba Đồn. Kiểm tra trên cổng thông tin của Phòng GD&ĐT thị xã cũng có 1 phó phòng tên Hoàng Đình Th.
Tại Hà Tĩnh, ngày 14/1, khi đội CSGT Công an huyện Nghi Xuân ra hiệu dừng ôtô biển xanh 38A-0729 để kiểm tra nồng độ cồn. Lúc này, tài xế liên tục nháy đèn rồi phóng xe qua chốt.
Lúc vượt chốt kiểm tra nồng độ cồn, xe biển xanh 38A-0729 do tài xế Nguyễn Hiếu điều khiển chở ông Phan Tấn Linh - Bí thư huyện ủy Nghi Xuân.
Giải thích về việc này, ông Linh cho biết, tài xế Hiếu chở ông về sau khi dự một chương trình văn nghệ. "Chắc do tài xế nghĩ xe biển xanh nên không phải dừng kiểm tra", ông Linh chia sẻ với báo chí.
Công an huyện Nghi Xuân đã lập biên bản vi phạm hành chính tài xế Hiếu về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng.
Tại Quảng Nam, ngày 15/1, đội CSGT Công an TP Tam Kỳ ra hiệu dừng xe máy do ông V.Q.T. (trú TP Tam Kỳ) điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn. Khi thấy lực lượng CSGT cầm máy đo nồng độ cồn, ông T. đã bật khóc nức nở vì biết mình đã có hơi men trong người.
Lực lượng CSGT kiểm tra và phát hiện ông Th. vi phạm nồng độ cồn mức 0,501 mg/l khí thở. Với kết quả trên, ông Th. bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Theo lời kể, chiều cùng ngày ông T. đi tất niên ở nhà một người bạn và có uống 4 lon bia, khi bị lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn và biết mình sẽ bị phạt, tước GPLX nên ông T. thấy tiếc tiền, hối hận nên đã bật khóc.
Trong thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lực lượng CSGT tiếp tục duy trì có hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính, triển khai lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông; cùng với việc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo Nghị định 100, người điều khiển phương tiện giao thông (kể cả điều khiển xe đạp) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm. Mức phạt đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất lên đến 40 triệu đồng; đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Ngọc Phương
Theo Báo Đất Việt