Tàu mắc cạn trong cảng
Năm 2010, cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đầu tư 114 tỷ đồng xây dựng cảng và cầu cảng có chiều dài hơn 120m với 5 nhịp tàu lên xuống, đáp ứng đủ cho tàu có công suất 600 CV ra vào hoạt động.
Sau khi đi vào hoạt động, cầu cảng đã thu hút lượng lớn tàu thuyền trong địa phương và các tỉnh lân cận neo đậu, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay luồng lạch dẫn vào cảng, bến neo đậu xuất hiện tình trạng bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng, ảnh hưởng lớn đến việc đánh bắt và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân.
Cảng cá bồi lắng, nhiều tàu thuyền mắc cạn không thể ra khơi
Theo các ngư dân ở đây, để có thể cho tàu thuyền vào được cửa lạch, ngư dân phải nắm bắt được chu kỳ lên, xuống của thủy triều.
Anh Lê Văn Nhâm (50 tuổi, ngư dân tại xã Xuân Hội) đã có 35 năm làm nghề tại khu vực cầu cảng này. Theo anh Nhâm, việc bồi lắng xuất hiện tại đây khoảng 5 năm, khiến thuyền anh và nhiều ngư dân khác rất vất vả trong việc canh thủy triều để đưa thuyền ra khơi đánh cá.
“Tùy theo con nước thường thì từ 6h sáng đến 16h chiều là khu vực cầu cảng đã cạn trơ đáy. Hôm nào chuẩn bị đi đánh bắt, chúng tôi phải cho thuyền ra giữa dòng từ 8h tối ngày hôm trước. Đến khoảng 22h tiếp tục cho thuyền ra khỏi cửa lạch”, anh Nhâm cho biết.
Luồng lạch bị bồi lắng
Dù đang là thời điểm chính vụ đánh bắt mực nhưng hàng chục tàu thuyền đang neo đậu trong cảng cá Xuân Hội vẫn không thể ra khơi, do cửa vào cảng đã bị bồi lắng trên diện rộng.
Theo quan sát của PV, hiện tại, khu vực cầu cảng này chỉ có duy nhất 1 nhịp ở phía Tây là tàu có thể neo đậu được dưới nước. Những nhịp còn lại bị cát biển bồi lấp nghiêm trọng, cát lồi hoàn toàn lên khỏi mặt nước trải dài hàng chục mét. Các luồng lạch ra vào khu vực cầu cảng cũng cạn trơ cát, tàu thuyền neo đậu ngay trên các cồn cát.
Máy móc hư hỏng, chi phí đội giá
Do tàu không vào được, sau mỗi chuyến đi biển, cập cảng lúc nước rút, thuyền của các ngư dân phải thuê thuyền nhỏ tăng bo từ 100m -200m để đưa hải sản vào bờ. Việc này khiến chi phí đánh bắt của người dân đội lên cao.
Mỗi chuyến trung chuyển chi phí từ 300.000 - 500.000 đồng/tàu. Nếu tàu nhỏ chỉ mất khoảng 1 chuyến, nhưng tàu lớn có khi mất từ 5-7 chuyến. Điều này không chỉ khiến cho chất lượng thủy hải sản kém đi, bán không được giá, lại phải bù chi phí thuê thuyền nhỏ vận chuyển cá vào bến nên ngư dân càng thua lỗ.
Để đưa hải sản vào bờ, các tàu thuyền phải thuê thuyền nhỏ tăng - bo với chi phí cao
Không những thế, hàng năm tại cầu cảng cá này nhiều phương tiện của ngư dân bị mắc cạn, nhiều tàu bị vỡ thân gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng của ngư dân. Đơn cử như trường hợp tàu của ngư dân Lê Xuân Tý, trong quá trình di chuyển vào cảng bị mắc cạn, gãy chân vịt, bật tung cả dây cu-roa tàu, gia đình phải thuê trục vớt lên bờ để khắc phục, sửa chữa, thiệt hại lên tới hàng chục triệu đồng.
Hay mới nhất là trường hợp tàu của anh Lê Văn Thông bị hư hỏng nặng chưa thể vươn khơi do bị chìm toàn bộ tàu xuống nước.
"Do mặt đáy cát bị bồi lắng, không bằng phẳng. Sau khi neo đậu, thuyền bị mất cân bằng, lật nghiêng chìm toàn bộ xuống nước. Chúng tôi đã huy động lực lượng cùng bà con ngư dân đến kéo vớt tàu lên. Hầu như nhiều máy móc quan trọng của tàu đã bị hư hỏng", Thiếu tá Hà Quang Sáng, nhân viên Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội (đồn Biên phòng Lạch Kèn) cho biết.
Do cảng cá bị bồi lắng, nhiều tàu thuyền bị hư hỏng chưa thể vươn khơi.
Cũng theo Thiếu tá Sáng, những năm gần đây lượng tàu lớn ra vào cảng đã giảm đi gần một nửa. Một phần do ngư trường nhưng nguyên nhân chính là do sự bồi lắng tại khu vực cầu cảng Xuân Hội.
Tình hình bồi lấp tại cảng cá đang khiến cho hoạt động tàu thuyền, kế sinh nhai của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến nay, vấn đề này vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức của chính quyền các cấp, đây thật sự là điều đáng lo ngại cho hoạt động khai thác của ngư dân, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Link gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/cau-cang-bi-boi-lap-nghiem-trong-tau-thuyen-khong-the-ra-vao-20200711091811650.htm#utm_source=Cate_XaHoi&utm_campaign=MainList&utm_medium=3