Cục CSGT vừa đề xuất quy định trừ điểm trực tiếp trên giấy phép lái xe đối với người vi phạm thay vì tước bằng lái có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính rồi trả lại. Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Bên cạnh việc ủng hộ, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi, lộ trình triển khai, cách thức áp dụng… của đề xuất này.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia Giao thông đô thị nhận định: Đây cũng chỉ là một hình thức kỷ luật, xử lý. Việc xử phạt này liên quan đến trình độ lái xe tức là phạm lỗi thì sẽ bị trừ điểm vì kỹ năng lái xe, ý thức chấp hành luật giao thông yếu kém.
TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTV (Bộ GTVT), Chuyên gia Giao thông đô thị. Ảnh: NVCC
"Nếu bị trừ nhiều thì phải thi bằng lại thì đó cũng là một cách tốt để giáo dục lái xe, nâng cao đạo đức, tư cách cũng như tư cách của lái xe. Đứng trên góc độ về lý thuyết thì việc này là tốt, trừ điểm để anh hiểu được cái sai khiến người vi phạm tuân thủ, học tập, rèn luyện về nghiệp vụ lái xe để tốt hơn thì rất tốt" - TS Thủy cho hay.
Theo nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT), trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng hình thức này; ở Việt Nam việc trừ điểm cần phải giải thích rõ ràng để người dân hiểu và đồng thuận.
Do đó, Bộ GTVT và Bộ Công an phải có Thông tư hướng dẫn rõ ràng, khoa học, phù hợp với thực tiễn, không gây phiền hà cho nhân dân. Trong những tình huống vi phạm nào, trừ bao nhiêu điểm; nếu trừ điểm thì có bị thu bằng hay không để nó không trùng lặp với các Nghị định, điều luật xử phạt trước đây. Do đó, phải có sự liên kết với các hình thức xử phạt cũ….
Bên cạnh đó, việc này cũng phải lấy kiến rộng rãi của nhân dân, điển hình là người lái xe. Cùng đó, phải có cơ quan chuyên môn nghiên cứu tính hiệu quả, tính khả thi của đề án này. Nếu đã thống nhất nếu thấy cần thiết thì phải dự thảo một văn bản Thông tư liên bộ bên nào thực hiện khâu nào, việc nào?
"Trong quá trình xử phạt nếu người xử phạt không có đạo đức, không làm nghiêm minh thì rất dễ để xảy ra chuyện ăn hối lộ. Bởi vậy, song song với việc này ngành Công an cần phải quán triệt, công khai, minh bạch việc xử lý người vi phạm, xử lý nghiêm trong việc hối lộ, bao che cho những trường hợp sai phạm. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn Bộ GTVT, Bộ Công an phải bàn với nhau, việc này có khả thi không, nếu làm mà để ra rắc rối, nhiêu khê, tăng tiêu cực, không hiệu quả thì không nên làm" -TS Nguyễn Xuân Thủy lưu ý.
Cục CSGT vừa đề xuất quy định trừ điểm trực tiếp trên giấy phép lái xe đối với người vi phạm thay vì tước bằng lái có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính rồi trả lại. Ảnh: THÀNH AN
Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho rằng, với tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trong đó có lỗi trực tiếp của người điều khiển phương tiện thì việc siết chặt công tác quản lý GPLX là điều cần thiết.
Theo Đại tá Trần Sơn, việc xử phạt hành chính trên tinh thần của Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông như hiện nay ngoài những kết quả tích cực mang lại thì một số trường hợp còn chưa đủ sức răn đe đối với các tài xế vi phạm, đặc biệt là với các lỗi trực tiếp dẫn tới TNGT nghiêm trọng. Do vậy, đề xuất trừ điểm trên GPLX đối với chủ phương tiện là rất hợp lý.
Các nhà chuyên môn phải nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi về số điểm quy định với mỗi GPLX là bao nhiêu, mỗi một lỗi vi phạm tương ứng với bao nhiêu điểm, mức độ vi phạm khác nhau thì số điểm bị trừ cũng phải tương ứng. Toàn bộ quá trình này phải được thực hiện công khai, minh bạch, có thể học tập kinh nghiệp của nước ngoài.
Trước đó, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục CSGT (C08, Bộ Công an), cho biết đơn vị này đang nghiên cứu đề xuất quy định trừ điểm trực tiếp trên giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm.
Việt Nam đang áp dụng hình thức tước GPLX có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính xong thì trả lại bằng lái, cách thức này dẫn tới tình trạng “phạt cho tồn tại” và đi ngược với xu thế của thế giới.
Với cơ sở dữ liệu về GPLX được cập nhật trên hệ thống điện tử, việc áp dụng công nghệ sẽ đảm bảo cho công tác xử lý vi phạm giao thông. Khi bị trừ 50% điểm trên GPLX, chủ sở hữu phương tiện sẽ cận kề nguy cơ bị tước GPLX nếu tái diễn vi phạm.
Phó Cục trưởng C08 cho rằng, trừ điểm GPLX sẽ hạn chế được tiêu cực, người vi phạm nâng cao được ý thức chấp hành tham gia giao thông, luôn cảnh giác với việc sẽ bị tước quyền điều khiển phương tiện. Đơn vị này cũng kiến nghị sửa Luật Giao thông theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến; sửa Luật xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo chứng cứ phải quan trọng hơn thủ tục.
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn