Dân phơi lúa trên quốc lộ bị xe cán tử vong: Chính quyền ở đâu?

Thứ bảy - 19/05/2018 20:35
Trưa 19.5, tại Km 529+300 trên QL1A đoạn qua thôn 11 xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), một phụ nữ phơi lúa trên quốc lộ bị ôtô tông tử vong. Vụ tai nạn thương tâm khiến dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm một phụ nữ tử vong khi phơi lúa trên quốc lộ. Ảnh: Vietnamnet
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm một phụ nữ tử vong khi phơi lúa trên quốc lộ. Ảnh: Vietnamnet
Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra và chưa có kết luận. Tuy nhiên, nạn nhân cũng có lỗi, khi sử dụng lòng, lề đường quốc lộ để phơi lúa. Hành vi nói trên là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho người dân và những người tham gia giao thông.

Quốc lộ 1A là huyết mạch giao thông quan trọng của quốc gia, vừa qua đã được nâng cấp để nhiều làn xe lưu thông với tốc độ cao. Việc người dân sử dụng lòng đường để phơi lúa, rơm rạ, tập kết vật liệu, buôn bán… diễn ra từ nhiều năm qua, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn.

Chúng ta có bộ máy cơ quan chức năng nhiều tầng nấc như cơ quan quản lý đường bộ, CSGT, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương các cấp… có nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường để sử dụng diễn ra khá phổ biến, nhưng chưa được xử lý triệt để, thậm chí có hiện tượng bỏ mặc, buông lỏng. Có nơi người dân chiếm dụng gần hết ½ lòng đường quốc lộ để làm rạp cưới, nhưng không có ai nhắc nhở, xử lý.

Không thể lấy lý do người dân còn khó khăn về sân bãi trong vụ mùa để “thông cảm” cho hành vi chiếm dụng lòng, lề đường. Thực tế cho thấy, địa phương nào quyết liệt trong việc tuyên truyền, xử lý thì người dân không vi phạm. Tại xã Sơn Quang (Hương Sơn, Hà Tĩnh), chính quyền địa phương ra quân đồng bộ, quyết liệt nên không có tình trạng vi phạm.

Sự việc xảy ra tại xã Cẩm Hưng ngày 19.5, ngoài việc xử lý lái xe vi phạm (nếu có), cần quyết liệt truy trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, cơ quan quản lý đường bộ, xử lý nghiêm để bảo đảm tính răn đe. Có thể đề nghị cách chức Chủ tịch UBND xã hoặc cán bộ phụ trách Chi cục quản lý đường bộ… đã buông lỏng trách nhiệm quản lý, để xảy ra việc người dân vi phạm gây hậu quả chết người.

Nếu chúng ta xuê xoa, dễ dãi, giơ cao đánh khẽ, thì tất cả sẽ như “đá ném ao bèo”, người dân sẽ vi phạm tràn lan, làm cho người đi đường khốn khổ, và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nguy hiểm.

Tác giả bài viết: Quang Đại

Nguồn tin: Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây