Công chức bỏ việc

Thứ hai - 22/08/2022 09:25
Bộ Nội vụ vừa gửi văn bản đến các cơ quan liên quan đề nghị báo cáo tình hình cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc từ ngày 1-1-2020 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, bởi tình trạng cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều địa phương xin nghỉ việc “theo nguyện vọng cá nhân” hiện nay có xu hướng tăng nhanh.

Nhất là ở lĩnh vực y tế công lập, giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã có 9.397 người xin thôi việc, thậm chí bỏ việc. Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2015 có 1.283 người thôi việc, năm 2017 có 2.671 người, năm 2019 có 2.123 người, từ ngày 1-1-2020 đến 30-6-2022 là 6.177 người.

Đây là một hiện tượng bất thường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự vận hành và hiệu năng của hệ thống chính quyền, cơ quan nhà nước. Trong những người bỏ việc, thôi việc, người có năng lực và trình độ chuyên môn tốt chiếm tỷ lệ không nhỏ. Những kinh nghiệm, phẩm chất nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức và kết quả đào tạo, năng lực công tác tích lũy dần qua quá trình làm công chức, viên chức trong họ phải được xem là “tài sản” rất quý của từng cơ quan nhà nước, địa phương, cần được tiếp tục xây dựng và sử dụng hiệu quả. Nếu để họ rời đi, cơ quan nhà nước sẽ gặp khó khăn, lúng túng khi tìm người thay thế, gây lãng phí sự đầu tư vào nguồn nhân lực.
 
382022081744
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.
 
Mặt khác, tình trạng công chức, viên chức yếu kém năng lực, phẩm chất và tinh thần trách nhiệm, “sáng vác ô đi, tối vác về” vẫn tồn tại trong hệ thống chính quyền, cơ quan nhà nước. Những người này vẫn nhận lương, thưởng hằng tháng đầy đủ nhưng không tạo ra chất lượng, hiệu quả trong công việc, thậm chí còn gây cản trở sự phát triển chung, gây phiền nhiễu nhân dân v.v..

Hiện tượng người giỏi ra đi, người kém ở lại tuy chưa phổ biến nhưng nếu không được ngăn chặn sẽ đến lúc trở thành một nguy cơ gây suy yếu cơ quan công quyền. “Tài sản mềm” của Nhà nước sẽ ngày càng khô kiệt, dẫn đến năng lực hành chính công của Nhà nước suy giảm.

Trong những năm qua, công tác thu hút, sử dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm, chú trọng bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, trọng dụng người tài làm việc trong nền công vụ. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao do nhiều nguyên nhân, như chính sách tuyển dụng nhân tài quá chú trọng về bằng cấp, môi trường làm việc cho nhân tài chưa tốt và chính sách đãi ngộ nhân tài còn bất cập. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 cho thấy áp lực công việc và nguy cơ cao nhiễm bệnh đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nhất là của ngành y tế đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư, nguyện vọng, khiến họ lựa chọn cách rời đi tìm kiếm công việc khác ở khu vực ngoài nhà nước.

Các cơ quan nhà nước sẽ làm gì trước thực tế này? Để yên cho công chức, viên chức giỏi rời đi rồi tuyển người mới, hay tìm cách giữ lại? Muốn giữ người tốt, người giỏi, không còn cách nào khác là vừa phải khắc phục những nguyên nhân đã chỉ ra ở trên, đồng thời phải hiện thực hóa các chủ trương, chính sách đã có, đổi mới mạnh mẽ việc quản lý nhân lực nhà nước, bảo đảm cho việc quy hoạch, sử dụng công chức, viên chức được thực hiện đồng bộ, có hệ thống, phù hợp và thống nhất với các chính sách khác của Nhà nước.  
TRẦN HOÀI
Theo qdnd.vn
Link gốc: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cong-chuc-bo-viec-703360

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây