Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng nói chuyện tại buổi tọa đàm với doanh nghiệp, doanh nhân Hà Tĩnh |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành công bố công khai, rộng rãi các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã. Cập nhật tất cả các đề xuất, kiến nghị cũng như nội dung trả lời của cơ quan quản lý nhà nước lên diễn đàn “Doanh nghiệp hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời”, để các doanh nghiệp có thể trực tiếp, khai thác và phản hồi; gửi các nội dung mà sở, ngành đã trả lời, giải quyết đến trực tiếp các doanh nghiệp, hợp tác xã có đề xuất, kiến nghị.
Xử lý bất cập trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Công bố rộng rãi, công khai thông tin về các quy hoạch, chính sách có liên quan để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận khai thác. Không để tình trạng hồ sơ phê duyệt quy hoạch chi tiết phải thực hiện 2 lần thủ tục hành chính như hiện nay nhằm tiết kiệm kinh phí, thời gian cho nhà đầu tư.
Theo ông Hưng, UBDN tỉnh và các cơ quan cần đa dạng hóa và mở thêm phương thức để tiếp xúc với doanh nghiệp, có sự phản hồi qua lại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giao tiếp giữa chính quyền với doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đối với kế hoạch thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu: “Từ nay trở đi, tất cả các kế hoạch thanh, kiểm tra của các đơn vị đều phải gửi xin ý kiến của Thanh tra tỉnh trước khi ban hành, kể cả đột xuất lẫn thường xuyên. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm xây dựng hệ thống theo dõi, tuyệt đối không để tiếp tục xảy ra tình trạng nhiều đoàn thanh, kiểm tra đến các doanh nghiệp trong năm, trừ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các đoàn thanh, kiểm tra của Trung ương có kế hoạch sau kế hoạch Thanh tra tỉnh”.
“Trường hợp vẫn còn xảy ra tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, nhiều lần trong năm, đề nghị các doanh nghiệp có kiến nghị, phản ánh trực tiếp đến Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét và xử lý theo quy định”, ông Hưng thẳng thắn.
Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Gấp rút kiện toàn nhân sự để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra các Văn phòng trực thuộc tỉnh phải tổng hợp những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, theo dõi việc thực hiện ý kiến chỉ đạo giải quyết vướng mắc, kiến nghị đối với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh.
Hà Tĩnh hiện có 7.388 doanh nghiệp, trong đó có 6.620 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đang hoạt động. Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh thành lập mới 812 doanh nghiệp (tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái) và 187 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Ngoài ra, có trên 1.385 hợp tác xã và hơn 3.686 tổ hợp tác, trên 60.000 hộ kinh doanh. |