Ảnh minh họa. Ảnh: INT.
1. Văn bản Mẹ tôi của nhà văn Ét-môn-đô đờ A-mi-xi trích trong cuốn sách Những tấm lòng cao cả được đưa vào chương trình Ngữ văn 7, viết dưới hình thức một bức thư lồng trong những dòng nhật kí là một bài học sâu sắc và cảm động về đạo làm con của một cậu bé đã một lần lỡ làm nhức nhối trái tim mẹ.
Bức thư không trực tiếp tả hay kể về mẹ mà qua suy nghĩ của người bố đã gợi lên hình ảnh dịu dàng, hiền hậu của mẹ, một hình ảnh bình dị mà vô cùng lớn lao.
Trước hết, mẹ của En-ri-cô có tình yêu thương con sâu sắc, cao cả. Bà tận tụy, lo lắng cho En-ri-cô suốt ngày đêm trong những ngày cậu ốm: “Thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con”.
Bà cũng giống như bao bà mẹ khác, luôn quan tâm, săn sóc và hết mình vì con. Thậm chí, bà có thể hi sinh vì con:“Bỏ hết một năm hạnh phúc” để “tránh cho con một giờ đau đớn”. Hình ảnh tương phản kết hợp với “mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con” càng làm nổi bật sự hi sinh, tình yêu thương của người mẹ dành cho đứa con yêu quý.
Không chỉ yêu thương, mẹ còn có vị trí vô cùng quan trọng với con. Mẹ là điểm tựa, cưu mang, che chở trong suốt cuộc đời con: “Mong ước thiết tha được nghe lại tiếng nói của mẹ, được mẹ dang tay đón vào lòng”, dù có khôn lớn trưởng thành thì cũng sẽ cảm thấy yếu đuối nếu không có mẹ ở bên che chở. Nỗi bất hạnh, đau đớn nhất đối với con là không còn mẹ: “Ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày mà con mất mẹ”.
Bằng những lời lẽ vừa tha thiết, xúc động vừa nghiêm khắc, cảnh tỉnh, người bố đã cho thấy vai trò to lớn của mẹ trong cuộc đời mỗi con người và “thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó” .
2. Người bố không nói rõ lỗi lầm của cậu con trai trong bức thư ấy. Nhưng hẳn là cậu bé đã xúc phạm đến người mẹ rất nhiều. Bởi bố cậu rất tức giận mà phải dùng đến hình ảnh những nhát dao để nói về những lời nói của cậu: “Sự hỗn láo của của con như nhát dao đâm vào tim bố vậy”.
Đó là sự bực tức vì đứa con trong cơn nóng giận đã quên đi công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ thân yêu. Ông muốn nhấn mạnh cho cậu biết rằng, đây là lỗi lầm rất lớn. Hỗn láo với mẹ là điều không thể chấp nhận đối với người làm con. Chắc hẳn người mẹ trong phút giây ấy đã khóc. Giọt nước mắt mẹ đã chảy sâu trong trái tim kì vĩ của mình... Chỉ có sự tinh tế của người bố ấy mới nhìn thấy được...
Và để En-ri-cô nhận ra lỗi lầm của mình trước hết người bố thể hiện thái độ đau buồn, giận dữ và có phần thất vọng. Thái độ đó được thể hiện rõ qua những lời văn gay gắt, từ ngữ mạnh mẽ: “Con đã thiếu lễ độ với mẹ”, “bố không thể nén cơn tức giận”.
Trong đoạn đầu bức thư ông tỏ ra nghiêm khắc trước những lỗi lầm của con, thậm chí còn cảnh cáo: “Việc như thế con không bao giờ được tái phạm nữa”. Lời lẽ nghiêm khắc, thái độ dứt khoát dù có đôi chút nặng nề nhưng đã tác động sâu sắc đến nhận thức của En-ri-cô.
Chính vì thế, cậu bé En-ri-cô đã hối hận vô cùng, những dòng thư của bố xoáy sâu vào thế giới nội tâm và dày vò cậu. Những lời lẽ trong bức thư hơn tất thảy roi vọt hay hình phạt tàn nhẫn nào.
Cậu bé yêu mẹ, yêu bố, mặc dù cậu không nhìn thấy giọt nước mắt trên bờ mi của bố hay mẹ, nhưng cậu đủ nhạy cảm để hiểu được những bão dông trong lòng bố hay giọt đắng cay chôn giấu tận đáy lòng mẹ - giọt nước mắt chảy vào trong...
3. Qua những dòng thư và thái độ tôn trọng của bố đối với mẹ, sự hối hận của En-ri-cô cho thấy chân dung của một người mẹ có tình yêu thương con tha thiết, sâu nặng.
Hình ảnh người mẹ của En-ri-cô cũng chính là hình ảnh của bao người mẹ với tình yêu thương bao la, cao cả có vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Người bố viết cho con trai mình nhưng cũng chính là viết cho bao người con khác trong cuộc đời. Đến lúc trưởng thành, các con dần dần xa mẹ, nhưng trong cách nghĩ của mẹ:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”.
(Chế Lan Viên)
Trên từng bước đường sống và tạo dựng sự nghiệp của con bao giờ cũng có bóng dáng mẹ vẫn âm thầm dõi theo. Lúc con gặp sóng gió, lòng mẹ là bến đậu an lành nhất. Một lời chia sẻ, động viên, khuyên nhủ chí tình của mẹ sẽ làm cho tâm hồn con thanh thản. Hiểu rõ điều đó nên người bố khẳng định sự thiệt thòi và đau khổ nhất trong cuộc đời của một con người là không còn mẹ.
Hạnh phúc thay cho những đứa con được ấp ủ, khôn lớn trong vòng tay nâng niu của mẹ. Mẹ là người che chở, đùm bọc, là chỗ dựa đáng tin cậy nhất của các con trong mọi thành công hay thất bại trên đường đời. Nếu đứa con nào đó vô tình hay cố ý chà đạp lên tình mẫu tử thì không xứng đáng làm người và chắc chắn sẽ phải ân hận suốt đời.
Vậy nên, khi học xong văn bản Mẹ tôi của nhà văn Ét-môn-đô đờ A-mi-xi xin hãy nhớ một điều giản dị nhà văn muốn nhắc nhở mọi người con trên thế giới này: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc!...”