(Ảnh: VNR)
Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác phù hợp tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức đánh giá, tổng kết giai đoạn thí điểm để đề xuất nội dung điều chỉnh, bổ sung điều kiện tiêu chuẩn của hành khách đi tàu và các nội dung khác để Bộ xem xét, quyết định cho giai đoạn tiếp theo.
Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí đầu mối để tiếp nhận thông tin hành khách đến ga của địa phương; chỉ đạo cơ quan y tế địa phương tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 tại ga đường sắt cho hành khách đi tàu; tổ chức quản lý, theo dõi, giám sát hành khách và xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch.
Đối với hành khách, lái tàu, nhân viên công tác trên tàu, Bộ Giao thông vận tải cũng quy định cụ thể các điều kiện đi tàu.
Hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).
Khách có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu; tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…)
Trong quá trình di chuyển từ ga về nơi cư trú, lưu trú, khách tuân thủ “Thông điệp 5K”, sử dụng ứng dụng PC-Covid, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người; chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú; tự theo dõi sức khỏe hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 kể từ ngày về địa phương...
Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: Ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
Đặc biệt, hành khách đi tàu từ vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao được bán vé theo chỗ tại toa xe riêng trên đoàn tàu.
Với lái tàu, nhân viên công tác trên tàu đã tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19); có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 7 ngày đối với lái tàu và 72 giờ đối với nhân viên công tác trên tàu trước khi lên tàu.
Sau chuyến tàu, trường hợp tổ tàu thực hiện chuyến tàu khứ hồi trong ngày hoặc trong vòng 24 tiếng thì không cần xét nghiệm khi quay lại điểm đi, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến tàu tiếp theo.
Nếu cư trú tại địa phương, tổ tàu được về nhà, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến tàu tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định. Nếu lưu trú tạm thời, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải bố trí nơi lưu trú riêng biệt bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú phải quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định cụ thể của địa phương, bảo đảm an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng; tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế). Trường hợp có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở... hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính thì triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
Các nhà ga xây dựng phương án, kế hoạch đón, trả hành khách ra vào ga bảo đảm quy định về phòng, chống dịch Covid-19; bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; bố trí điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 kháng nguyên nhanh; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời bảo đảm thông thoáng; khu vực bán vé, phòng chờ, nơi hành khách lên, xuống phương tiện bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.
Trên cơ sở này, từ ngày 13/10, ngành đường sắt tổ chức chạy 1 đôi tàu khách trên tuyến bắc - nam và 1 đôi tàu trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Cụ thể, trên tuyến bắc - nam tổ chức chạy hằng ngày đôi tàu khách Thống Nhất SE7/8, xuất phát tại Ga Sài Gòn lúc 6 giờ sáng 13/10; tàu SE7 xuất phát tại Ga Hà Nội lúc 6 giờ sáng ngày 15/10. Đồng thời, chính thức mở bán vé tàu SE7/8 và LP5/6 từ 8 giờ sáng 12/10.
Tàu SE7/8 đón, trả khách tại 23 ga trên dọc tuyến gồm Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Vinh, Yên Trung, Hương Phố, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Diêu Trì, Tuy Hòa, Nha Trang, Tháp Chàm, Bình Thuận, Biên Hòa, Dĩ An và TP Hồ Chí Minh.
Trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, từ ngày 13/10, chạy hằng ngày đôi tàu khách LP5/6. Tàu LP5 xuất phát tại ga Long Biên lúc 15 giờ 30 phút các ngày trong tuần, xuất phát tại Ga Hà Nội lúc 15 giờ 20 phút ngày thứ bảy, chủ nhật. Tàu LP6 xuất phát tại ga Hải Phòng lúc 9 giờ 5 phút hằng ngày, tàu LP5/6 đón, trả hành khách tại 7 ga trên tuyến gồm: Hà Nội, Long Biên, Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái và Hải Phòng.
Toàn bộ việc đón, tiễn hành khách tại các ga, vận chuyển trên tàu được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ UBND, Sở Giao thông vận tải và chính quyền các địa phương các tỉnh, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương.
Trong giai đoạn tổ chức chạy thí điểm, ngoài việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn phòng chống dịch, phun khử trùng tại các nhà ga thực hiện đón, trả khách và các toa xe trước khi đưa ra vận dụng... ngành Đường sắt còn tổ chức bố trí giãn cách hành khách trên tàu theo quy định. Đặc biệt, các nhân viên phục vụ trên tàu, dưới ga đều đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách của Bộ Giao thông vận tải về xét nghiệm SARS-CoV-2 và tiêm phòng vaccine.
Tại các ga thực hiện việc đón khách, ngành Đường sắt tổ chức đo thân nhiệt và kiểm tra thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine; giấy xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính còn hiệu lực theo quy định của Bộ Y tế đối với hành khách...
Sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm (từ ngày 13 đến 20/10/2021), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiến hành đánh giá theo yêu cầu của các bộ, ngành liên quan; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, phương án phòng, chống dịch... sẵn sàng tổ chức chạy lại tàu khách trên các tuyến, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân.
Cùng với việc tổ chức chạy thí điểm tàu khách, ngành Đường sắt vẫn tiếp tục duy trì tổ chức chạy các đoàn tàu chuyên biệt vận chuyển người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam về quê. Tính đến ngày 11/10, ngành đường sắt đã tổ chức thành công 11 chuyến tàu chuyên biệt, đưa gần 6.000 hành khách là công dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình về quê an toàn.
Link gốc: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/chinh-thuc-van-tai-khach-bang-duong-sat-tu-ngay-13-10-668981/