"Cần thay ngay cán bộ né tránh, sợ sai như thay cầu thủ thi đấu kém"

Thứ năm - 01/06/2023 14:05
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, trong thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" này việc cần làm ngay là thay thế những cán bộ sợ sai bằng cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm.
Sáng 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho biết bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng tồn tồn tại một số hạn chế nhất định cần sớm khắc phục như trong báo cáo của Chính phủ. Đại biểu đặc biệt quan tâm đến nội dung hạn chế về một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển của đất nước.

Đại biểu đặt ra vấn đề từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, tình trạng này còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư.

"Do vậy, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả", đại biểu Tuấn nhấn mạnh.

Chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế. Có như vậy mới tìm ra được giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.
 
D2023060101 1
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh)

Từ thực tiễn phản ánh, đại biểu cho rằng có hai nhóm cán bộ: Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Đại biểu đã phân tích các nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Với nhóm cán bộ này có thể khắc phục được ngay. Vì từ trước đến nay, trong bất kỳ thời điểm nào hay bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được hay không, khi nhận diện được thì xử lý thế nào.

"Tôi cho rằng ngay trong thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" thì giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay là ưu tiên thay thế những cán bộ đó bằng những cán bộ tốt, những người có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Chúng ta không thiếu những cán bộ tốt", ông Tuấn nói và lấy ví dụ như trong bóng đá, huấn luyện viên trưởng vì sự phát triển của cả đội bóng, vì màu cờ sắc áo mà họ sẵn sàng thay người khi quan sát thấy cầu thủ của mình thi đấu kém hiệu quả", ông Tuấn nêu.

Về nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, đại biểu cho biết đây là phần chiếm số đông. Đây là trở lực gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Họ lo sợ vi phạm vì xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là một số văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản dưới luật còn thiếu đồng nhất, khó thực hiện. Điển hình như cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau; cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện không đồng nhất, không biết làm thế nào cho đúng.

Nguyên nhân thứ hai được đại biểu nhắc đến là công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất. Cùng với đó công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được triển khai quyết liệt, ngày càng hiệu quả. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước, đến nay được phát hiện, xử lý hình sự. Chính từ những vụ án này làm cho cán bộ lo sợ vì họ từng làm những công việc tương tự vào những thời điểm trước đây.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể triển khai thực hiện được ngay.

Thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ

Cùng quan điểm, đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn Nghệ An) cho biết, Kỳ họp thứ 5 đang diễn ra với sự trông đợi của cử tri và nhân dân cả nước về những việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị.
 
D2023060101 2
Đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn Nghệ An)

Theo đại biểu, đó không chỉ là đòi hỏi đến từ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; là yêu cầu phải khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực thi pháp luật; là tính cấp thiết phải vượt qua được căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ. Đây là việc cần được nhận diện và khắc phục.

Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực cho giải quyết nhu cầu ăn ở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu học tập cho tầng lớp công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của những người trẻ tuổi mới đi làm.
Theo VTV.VN
Link gốc: https://vtv.vn/chinh-tri/can-thay-ngay-can-bo-ne-tranh-so-sai-nhu-thay-cau-thu-thi-dau-kem-2023053111360003.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây