Phải khẳng định, không phải tất cả các trường hợp được bổ nhiệm từ lãnh đạo sắp hết nhiệm kỳ là sai, nhưng cũng thẳng thắn thấy rằng không ít trường hợp lợi dụng thời điểm này để “kiếm ghế” . Những câu chuyện bổ nhiệm của các vị lãnh đạo đứng trước “hoàng hôn nhiệm kỳ” đã trở thành bài học nhãn tiền cho người ở vị trí lãnh đạo để họ phải cần cân nhắc, thận trọng. Vì việc thận trọng này còn là giữ danh dự cho cả người sẽ nghỉ hưu và người ở lại được bổ nhiệm.
Và dù có trăm ngàn lý do khiến người sắp hết nhiệm kỳ đưa ra nhằm “bào chữa” việc bổ nhiệm “đúng quy trình”, không vì tư lợi cá nhân, thiên vị nhưng đây là “thời điểm nhạy cảm” nên rất dễ trở thành tâm điểm chú ý, nhất là khi bổ nhiệm hàng loạt, cấp tập.
Quay trở lại với vụ việc bổ nhiệm 76 cán bộ một ngày tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được Tổng Giám đốc ký trước khi nghỉ hưu mới đây khiến dư luận ngạc nhiên và buộc lòng phải đặt ra những dấu hỏi. Mặc dù ACV đã đưa ra lời giải thích và Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện thanh tra để làm rõ quá trình bổ nhiệm “kỷ lục” này để có câu trả lời dư luận, nhưng điều này cũng chưa làm vơi bớt sự nghi ngờ.
Tạm gác lại những tranh cãi đúng sai của việc bổ nhiệm của ACV, nhưng rõ ràng trước đó nhiều vụ việc bổ nhiệm hàng loạt của người đứng trước “hoàng hôn nhiệm kỳ” đã từng xảy ra và trở thành “bia miệng” không mấy tốt đẹp. Nói không đâu xa, ngay trong lý giải việc bổ nhiệm từ ACV cho rằng, lẽ ra việc bổ nhiệm cán bộ phải thực hiện từ năm 2017 hoặc trước đấy, nhưng lúc đó lãnh đạo chuẩn bị về hưu nên “tránh tiếng” và không thực hiện việc bổ nhiệm. Đến khi có lãnh đạo mới thì chưa kịp thực hiện việc bổ nhiệm còn “nợ đọng” này đã lại có quyết định điều động, luân chuyển công tác. Vì thế, với lãnh đạo đương chức – tức Tổng Giám đốc ACV – người ký 76 quyết định bổ nhiệm trong một ngày, dù sắp về hưu nhưng công tác cán bộ không thể “chờ đợi” được nữa mà phải bổ nhiệm luôn. Như vậy có thể thấy, ngay lãnh đạo nhiệm kỳ trước của ACV họ cũng “lường” được những điều không mong muốn xảy ra xung quanh việc bổ nhiệm trước khi người ký quyết định về hưu. Vậy mà người kế nhiệm lại không như vậy.
Còn nhớ, ở Hội Nhà văn Hà Nội từng có những nhà văn khá nổi tiếng làm chủ tịch hai nhiệm kỳ, kéo dài đến 10 năm, trong khoảng thời gian đó họ có không ít tác phẩm được dư luận đánh giá cao, tái bản nhiều lần nhưng lại… không được giải thưởng. Có người tỏ ra nghi ngờ cho rằng tác phẩm kém chất lượng mới không được giải. Nhưng kỳ thực họ tự nguyện rút, không tham gia giải vì bản thân ngồi trong Hội đồng xét giải, rất dễ khiến các thành viên khác “khó xử” và không muốn mang tiếng “vừa đá bóng vừa thổi còi” ảnh hưởng đến uy tín, danh dự.
Vẫn biết, công tác lãnh đạo lúc nào cũng cần thiết, quan trọng và “danh có chính thì ngôn mới thuận” khiến công việc, sự điều hành được thuận lợi hơn, nhưng đây cũng lại là vấn đề rất nhạy cảm, cần thận trọng vì dễ bị soi xét. Bởi có những sự việc ngay cả “bình thường” nhưng diễn ra vào thời điểm nhạy cảm thì lại dễ bị hiểu sai và mất đi bản chất tốt đẹp vốn có.
Nếu một người xứng đáng là cán bộ bằng chính thực lực của mình thì dù có tân lãnh đạo nào, vào thời điểm nào họ cũng có cơ hội thể hiện, chứng minh xứng đáng với “cái ghế” mà không phải bằng sự “tranh thủ” hay những lý do khác.
Việc bổ nhiệm 76 cán bộ trong một ngày tại ACV của lãnh đạo sắp nghỉ hưu chưa biết đúng – sai ra sao và phải đợi kết quả từ thanh tra Bộ GTVT công bố. Nhưng rõ ràng đây là “câu chuyện” đáng suy ngẫm khi chọn “thời điểm” bổ nhiệm cán bộ mà những người trước khi cầm quyết định nghỉ hưu phải cẩn trọng, cân nhắc để không bị khó xử cho “người đi người ở” và mỉn cười, ngẩng cao đầu sau bao năm cống hiến được trở về an nhàn tuổi già.
Nguồn tin: Tổ quốc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn