Đoạn quốc lộ 19 (từ cảng Quy Nhơn đến đoạn giao quốc lộ 1) có quy mô là công trình giao thông đường bộ cấp 1, đã được Bộ Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ thiết kế và được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, dài gần 17,42 km, mặt cắt ngang 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp), với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 4.410 tỷ đồng.
Một đoạn quốc lộ 19 ở tỉnh Bình Định bị hư hỏng trước đó.
Theo UBND tỉnh Bình Định, đây là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa chiến lược trong việc mở ra cơ hội thông thương, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, các nước Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan theo trục hành lang Đông - Tây, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công trình được đưa vào sử dụng từ ngày 29/3/2020. Sau hơn một năm khai thác, vận hành thử nghiệm, hiện tại chưa nghiệm thu nhưng có một số vị trí mặt đường bê tông nhựa bị rạn nứt. Trong đó, nặng nhất là đoạn khu vực gần nút giao với quốc lộ 1 dài 200 m.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định phê bình, kiểm điểm tập thể, cá nhân của Ban quản lý dự án giao thông tỉnh phụ trách công trình này.
Hiện, Ban quản lý dự án giao thông tỉnh đã thuê đơn vị tư vấn kiểm định độc lập (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải) kiểm tra, đánh giá các vị trí ổ gà và hư hỏng cục bộ của mặt đường để yêu cầu nhà thầu tập trung xử lý.
Các vị trí hư hỏng cơ bản đã được cào bóc, thảm lại mặt đường bê tông nhựa và xử lý hoàn thiện mặt đường toàn tuyến.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng cho hay, dự kiến Đoàn công tác của Bộ GTVT sẽ kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng cho toàn tuyến trong tháng 5/2021.
Trước đó, Dân trí cũng đã thông tin, sau khi phát hiện các điểm hư hỏng trên tuyến Quốc lộ 19, các đơn vị nhà thầu đang huy động nhiều công nhân, phương tiện cơ giới để tập trung khắc phục.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đường xuất hiện ổ gà mà không thể xác định được hết. Trong đó, có nguyên nhân một phần do chất lượng đá kết dính kém. Hay khi sản xuất công nghiệp lớn có thể có một vài vỉa đá không đảm bảo về mặt cơ lý như a xít có thể ăn mòn nhựa trong quá trình khai thác.
Ngoài ra, yếu tố thời tiết như mưa, nắng cũng là một nguyên nhân; thậm chí, nguyên nhân có thể là xe trọng tải lớn lưu thông với lưu lượng nhiều.
Doãn Công
Theo dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/quoc-lo-hon-4000-ty-dong-hu-hong-kiem-diem-chu-dau-tu-nha-thau-20210527184208857.htm