Trở về sau chuyến ra khơi, ngư dân xã Thạch Hải phát hiện bãi biển bị lấy cho doanh nghiệp thuê. Người dân đã phản ánh sự việc tới lãnh đạo địa phương nhưng lại được hẹn hết lần này đến lượt khác, bất đắc dĩ ngư dân đã phải gửi đơn lên lãnh đạo huyện Thạch Hà nhưng đến nay xã vẫn chưa giải quyết sự việc một cách thấu đáo.
Theo phản ánh, nơi neo đậu của bà con ngư dân xưa nay đã được bà Trương Thị Khánh Ly (quê Thạch Khê, Thạch Hà) thuê để làm điểm vui chơi, chụp ảnh cho giới trẻ. Ngư dân bỗng dưng mất chỗ neo đậu thuyền bao năm nay, phải gửi nhờ thuyền ở xã khác cách chừng 3km.
Bãi neo đậu của ngư dân bị biến thành nơi check – in”
Được biết, người dân thôn Đại Hải chủ yếu sống bằng nghề nông và đi biển. Toàn thôn có 17 thuyền to, do mùa này phải lắp thêm sào để đẩy ruốc và cá mờm nên chiều ngang mỗi thuyền là 15m. Khoảng cách an toàn để kéo thuyền ra - vào mà không bị va chạm tối thiểu là 20m.
Theo ghi nhận, bãi neo đậu của ngư dân nay đã là một khu vườn được bao quanh bằng cọc tre, rào lưới, kéo dài từ trên bờ xuống gần mặt nước. Bên trong được trồng một số cây xanh giả, cùng một số mô hình cảnh quan để du khách chụp ảnh.
Anh Trần Đăng H.. (SN 1993, thôn Đại Hải) cho biết: “Khi còn nhỏ tôi đã theo cha đi biển, mỗi lần thuyền về được neo đậu ngay tại trung tâm bãi biển Thạch Hải này. Từ khi quy hoạch bãi tắm, chúng tôi đã di chuyển lên phía trên. Bây giờ xã lại lấy bãi cho thuê kinh doanh, không có chỗ neo đậu thuyền nữa, chúng tôi buộc phải đi gửi nhờ sang xã khác”.
“Bãi thuyền ở đây bị quây lại cho thuê làm điểm du lịch, ngư dân chúng tôi phải xuống Thạch Lạc, ở đó người dân đi biển cũng nhiều, mỗi lần ra khơi, do bãi quá hẹp, sào va vào cột cờ thuyền họ, thường xuyên bị bắt đền. Họ cũng nhiều lần đuổi chúng tôi đi nhưng thực sự không biết đi đâu”. Anh H.. cho biết thêm
Khi được hỏi tại sao không để thuyền ngay sát điểm vui chơi kéo dài dọc bãi biển thì ông T..cho hay: “Không thể để thuyền gần khu vui chơi của du khách vì con thuyền là phương tiện mưu sinh nhưng cũng giống như căn nhà. Do ở xa, không thể trông coi, bảo vệ, để du khách leo lên thuyền chụp ảnh và làm những việc khác là điều ngư dân rất kiêng kỵ”.
Liên hệ với ông Bùi Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải để tìm hiểu về vấn đề này, PV được biết: “Hiện đang cho họ (đơn vị thuê bãi biển - PV) làm thử xem có ổn định hay không. Nếu ổn định thì sẽ xin ý kiến của huyện cho họ làm hợp đồng cụ thể với xã hoặc Ban quản lý, theo phương án kinh doanh thì họ thuê 3 tháng mùa hè. Sau này làm hợp đồng cũng chỉ cho thuê ngắn hạn. Nếu không đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh an toàn thì sẽ chấm dứt”.
Ngư dân xã Thạch Hải phải gửi thuyền sang xã khác
Ông Lâm cũng chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng không cho (doanh nghiệp thuê làm điểm du lịch) nhưng anh Vỹ và sở Văn hoá nói cái đó nên tạo điều kiện cho người ta, gọi là tăng thêm điểm check – in, văn hoá du lịch…anh Vỹ và các anh trên cũng có gọi nói không sao đâu, cứ cho họ làm..”.
Được biết ông Vỹ hiện là Trưởng phòng Văn hoá thông tin, kiêm Quyền trưởng ban Quản lý bãi tắm. Việc cho thuê bãi biển không có văn bản chỉ đạo của ông này nhưng theo vị chủ tịch xã thì trong phương án kinh doanh của bà Trương thị Khánh Ly có “bút phê” của ông Vỹ!!?
“Một số hộ dân có gửi đơn cho lãnh đạo huyện nên Bí thư Huyện ủy giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Văn hóa Thông tin phối hợp với địa phương giải quyết. Sau khi làm việc, các chủ thuyền và hộ kinh doanh đã thống nhất di dời lên phía trên 20m”.
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Nguyệt, Bí thư Huyện uỷ Thạch Hà, bà Nguyệt cho biết đã nắm được sự việc và đã giao phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Văn hoá Thông tin phối hợp với địa phương giải quyết thật nhanh và thấu đáo cho ngư dân.
Tuy rằng ngay sau đó đã có văn bản báo cáo của xã về việc thống nhất giữa các chủ thuyền và hộ kinh doanh, về việc di dời hộ kinh doanh để trả lại nơi neo đậu cho ngư dân. Nhưng thực tế nhiều ngư dân nhận thấy khoảng cách và thời gian di dời chưa phù hợp. Về vấn đề này, hy vọng chính quyền huyện Thạch Hà sớm có hướng giải quyết.
Quang Anh
Theo baove.congly.vn
Link gốc: http://baove.congly.vn/ha-tinh-lay-bai-thuyen-cua-ngu-dan-cho-thue-lam-diem-check-in-13844.html