Huy động tất cả cán bộ xã để đi “cưỡng chế” dân xóa bỏ trồng giống lúa IR 1820, chuyện chỉ có ở Hà Tĩnh.
Phá ruộng vì nóng ruột lo cho dân!
Ông Đặng Tuấn Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc, người phát ngôn của UBND huyện, được chúng tôi hỏi về vấn đề trên thì tỏ ra khá bất ngờ, vội mở máy tính bảng ra để đọc báo. Sau đó, ông Phong nói: “Những chuyện đó (phá ruộng của dân - NV) không đáng xảy ra. Nhưng cũng chẳng qua do chính quyền cấp xã nóng ruột lo cho dân thôi”.
Ông Phong cho biết huyện đã có chủ trương không cơ cấu sản xuất giống lúa IR 1820 từ 3 năm nay. Năm nay, tỉnh kiên quyết không sản xuất, do giống lúa IR 1820 phát triển dài ngày. Bây giờ có nhiều giống lúa lai tốt thay thế rút ngắn thời vụ, cho năng suất cao.
Trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc đã ra Nghị quyết 07 quanh việc chuyển đổi sản xuất trên địa bàn, về cơ cấu giống mới và xóa bỏ giống dài ngày IR 1820. “Nghị quyết này cũng như việc chỉ đạo của chính quyền huyện xuyên suốt là tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ sản xuất giống lúa IR 1820, không có chuyện chỉ đạo cưỡng chế, phá hoại”, ông Phong nhấn mạnh.
Đối với vụ việc phá ruộng mạ của người dân tại xã Tùng Lộc, ông Phong cho biết sẽ xem xét trách nhiệm của chính quyền xã trong việc tuyên truyền sâu rộng đến người dân hay chưa. Huyện sẽ chỉ đạo cho các xã phải tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ việc sản xuất giống lúa IR 1820, tuyệt đối tránh xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.
Nhưng cuối cùng ông Phong lại nói: “Việc cơ cấu sản xuất chỉ trồng giống cây nào cho đúng thời vụ là phải làm triệt để. Nếu chính quyền cấp xã đã vận động nhưng người dân vẫn tiếp tục sản xuất giống lúa này thì phải chịu thôi. Nhưng rồi sẽ ghi vào lý lịch những hộ dân đó là không chấp hành chủ trương, vi phạm chính sách”.
Chỉ mỗi huyện Can Lộc "có vấn đề"
Việc không cơ cấu sản xuất giống lúa IR 1820 trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh ra chỉ thị từ cuối năm 2012. Mặc dù giống lúa này được người dân sản xuất, lưu giống khoảng 30 năm nay, nhưng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì nó có hạn chế là phát triển dài ngày nên không còn phù hợp.
Song song với việc tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ngừng sản xuất và cấm buôn bán giống lúa IR 1820 thì chưa thấy có văn bản chỉ đạo nào nói rằng sẽ dùng lực lượng cưỡng chế, phá bỏ lúa của dân như vừa mới xảy ra ở xã Tùng Lộc.
Sự việc càng lạ lùng hơn khi cả tỉnh Hà Tĩnh lại chỉ có mỗi huyện Can Lộc là có nhiều vụ người dân phản đối chính quyền ép trồng giống lúa mới, phá bỏ giống lúa cũ.
Trái lại, theo lời những người nông dân bị phá hoại tài sản cho hay giống lúa mới áp dụng không cho năng suất cao nên họ vẫn muốn trồng giống cũ để đảm bảo năng suất. “Là nông dân, ai chẳng muốn trồng một loại cây cho năng suất cao hơn giống cũ”, một người dân thở dài chia sẻ.
Sự việc càng lạ lùng hơn khi cả tỉnh Hà Tĩnh lại chỉ có mỗi huyện Can Lộc là có nhiều vụ người dân phản đối chính quyền ép trồng giống lúa mới, phá bỏ giống lúa cũ. Tại huyện này, đã từng có trường hợp cán bộ bị trọng thương khi ngăn cản người dân trồng giống lúa IR 1820.
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Khắc Toàn, Trưởng công an xã Yên Lộc, bị người dân đánh gục tại chỗ và phải vào viện điều trị dài ngày vào cuối tháng 2, đầu tháng 3.2012 khi ra phá lúa của người dân xóm 5. Nhiều xã của huyện này cũng xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười giữa người dân và chính quyền quanh hạt lúa từ đó tới nay.
Ông Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định: “Việc chính quyền xã xuống đồng để phá ruộng dân như vậy là không đúng quy định của pháp luật”. Ông Nhân cho hay việc không trồng giống lúa IR 1820 đã được ngành tham mưu với tỉnh. Năm nay, toàn tỉnh sẽ xuống giống trà bắc đầu tiên từ ngày 10.12 đến ngày 15.12, ai làm trước là vi phạm.
Ông Nhân cho rằng cần phải có đánh giá, tính toán về mặt khoa học về giống lúa IR 1820 trên địa bàn huyện Can Lộc nếu nó có hiệu quả như người dân nói. Ông sẽ trao đổi với lãnh đạo sở để điều tra xem người dân có trồng giống lúa IR 1820 nhiều không, việc chỉ đạo của chính quyền cơ sở như thế nào.
Theo Thạch Châu một thế giới