1. “Chỉ còn một thời gian ngắn trước khi nghỉ hưu, tôi mới thoát khỏi nỗi sợ hãi khi qua sông, qua đò” - cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Điền nhớ lại chuỗi ngày nơm nớp lo âu ở ngôi trường cũ. Cô Phượng, ông Đặng Minh Sơn (Hương Điền) và chị Nguyễn Thị Hạnh (Hương Quang) là 3 trong số những hộ đầu tiên trong “công cuộc” di dời.
Trụ sở mới của xã Hương Quang tại khu tái định cư Hói Trung (Vũ Quang). |
“Từ bỏ nơi mình lớn lên với những tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức là việc không hề dễ dàng. Nhưng, chúng tôi nguyện hy sinh để xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia” – chị Hạnh trải lòng. Về phần mình, ông Đặng Minh Sơn quả quyết: “Tôi thừa tiêu chuẩn đi tự do nhưng không đi vì phải làm gương cho các con. Có chính quyền quan tâm, chúng tôi không sợ đói, không sợ khổ…”. Điều khiến người dân cảm thấy ấm lòng là những địa chỉ trước đây vẫn không “thay tên đổi họ”. Suốt cuộc “trường chinh” về nơi ở mới, họ không hề đơn độc. Luôn sát cánh bên người dân là sự quan tâm, lo lắng của các cấp chính quyền cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của những đội quân tình nguyện.
Trên cao, đám mây mù còn vấn vương nơi đỉnh núi, nửa muốn dùng dằng, nửa như đùa giỡn. Dưới chân núi, những mái ngói đỏ tươi thấp thoáng xuất hiện và kia nữa, nhiều ngôi nhà còn đang dựng dở. Con đường nhựa trải dài dẫn lối vào 2 khu TĐC như thân cây vững chãi đâm tỏa nhiều nhánh. Những gì thu vào tầm mắt đem tới một cảm giác tươi mới, nhưng cũng rất đỗi yên bình.
Bắt đầu từ ngày 19/7/2013, dân lần lượt di chuyển sang các khu TĐC. Xã Hương Điền có 108 hộ về nơi ở mới. Thời điểm hiện tại, 70 hộ cơ bản làm xong nhà. Số còn lại mới chỉ nhận 20 triệu đồng tiền ứng trước nên vẫn chưa đủ khả năng di dời. Năm học này, khu TĐC Khe Ná - Chi Lời có 33 học sinh tiểu học và 49 cháu trường mầm non đang theo học ở ngôi trường mới. Trong khi đó, khu TĐC Hói Trung là điểm đến của 200 hộ dân. Nhưng đến nay mới chỉ 41 hộ đang dựng nhà và 30 hộ làm móng. So với “người láng giềng”, khu TĐC Hói Trung chỉ có 15 cháu mầm non và 15 học sinh tiểu học.
Khu TĐC Khe Ná - Chi Lời có diện tích 1.500 ha, còn toàn bộ diện tích khu TĐC Hói Trùng là 838 ha. Cơ sở hạ tầng của 2 khu TĐC khá đồng bộ và hiện đại. Hệ thống đường giao thông được xây dựng theo tiêu chí NTM. Trú sở UBND, trạm y tế rộng rãi, khang trang. Trường tiểu học cũng được “bổ sung” phòng làm việc, phòng đa chức năng. Đặc biệt, mạng lưới điện được đánh giá “đỉnh” đối với người dân bản địa, bước đánh dấu sự khởi đầu đầy thuận lợi để người dân sinh hoạt. “Về đây, cô thực sự mãn nguyện rồi!” - cô Nguyễn Thị Phượng không giấu được nỗi vui mừng, bộc bạch.
2. Công tác GPMB, dự án hệ thống công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang có liên quan tới diện tích hơn 5.000 ha (bao gồm đập đầu mối và hệ thống kênh dẫn). Ở thời điểm hiện tại đã GPMB được 3.800 ha. Trong số 889 hộ khu vực lòng hồ đã có 553 hộ di dời (414 hộ tự TĐC). Có thể nhận thấy, sự nỗ lực của huyện Vũ Quang chỉ trong thời gian ngắn. Bắt đầu từ cuối năm 2011, việc xây dựng các khu TĐC mới được triển khai. Đến hết tháng 6/2013, toàn bộ các hạng mục hoàn thành, đủ điều kiện đón các hộ dân với tổng chi phí 234 tỷ đồng. Số tiền cho công tác bồi thường hỗ trợ GPMB hơn 600 tỷ đồng.
Trường Mầm non xã Hương Điền được đầu tư xây dựng khang trang tại khu tái định cư . |
Về khắc phục những tồn đọng tại các khu TĐC, Trưởng ban Chuyên trách bồi thường GPMB huyện Vũ Quang - Nguyễn Đình Đức khẳng định: “Cuối năm 2013, ban sẽ triển khai xây dựng hoàn trả đường bị hỏng tại khu TĐC Khe Ná - Chi Lời với tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 3 tháng. Khi tất cả các hộ có mặt đầy đủ nơi ở mới, những giếng nước có bùn và mùi tanh sẽ tập hợp xử lý 1 lần. Huyện đang tích cực triển khai quy hoạch lại đất rừng và đất nông nghiệp để người dân sớm có công ăn việc làm và ổn định cuộc sống. Nhanh nhất công việc này sau 1 năm mới hoàn thành.
Nơi ở mới thực tế đã chứng minh hơn hẳn nơi cũ. Đó cũng là mục tiêu đặt ra ban đầu của tỉnh. Thế nhưng, dù khu TĐC Khe Ná - Chi Lời và khu TĐC Hói Trung được xây dựng khá hiện đại thì việc ổn định cuộc sống cũng không thể là chuyện “ngày một ngày hai”. Dẫu còn “khó trăm bề” nhưng con người nơi đây vẫn luôn chất chứa niềm tin về một “ngày mai tươi sáng”. Giữa rừng xanh sâu thẳm, những ngọn cây vẫn đang vươn lên mạnh mẽ như minh chứng cho sức sống kỳ diệu trên mảnh đất này.
Theo Thùy Dương (Báo Hà Tĩnh)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn