Chiều 9/11, trên cầu cảng Nha Trang có rất đông anh em thuyền viên đi lại hỏi thăm phóng viên tình hình tàu bị nạn. Đến lúc tàu của Trung tâm cứu nạn hàng hải Việt Nam cập cảng đưa 3 thuyền viên tàu Phúc Xuân 68 lên bờ thì cả đoàn thủy thủ ùa lại, khóc mừng tủi. Thì ra họ là đồng hương với nhiều thủy thủ trên tàu bị nạn cùng xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Tàu tiếp tế thêm lương thực cho thủy thủ tàu SAR 27-01 tiếp tục tìm kiếm 8 thuyền viên mất tích.
Anh Hoàng Văn Phát, thủy thủ tàu Hải Minh 26 ngậm ngùi nói: "Từ sáng nghe có tin tàu bị nạn nhưng không biết tàu nào, khi anh em ở ngoài quê gọi vào thì mới biết nên trong khi chờ dỡ hàng ở cảng Nha Trang anh em chúng tôi cứ đi vào đi ra chờ tin tức. Cả xã có hơn 70% dân đi biển nên nghe tin này gia đình ở nhà ai cũng lo lắng. Tôi học cùng với anh Phạm Văn Hội (đại phó trên tàu Phúc Xuân 68- đang mất tích), toàn anh em đồng hương giờ vào đây nghe tin có 6 người cùng quê thì 4 người đang mất tích anh em chúng tôi khoảng 10 người cũng nóng ruột không kém gì người thân ở ngoài quê”.
Vùa thấy anh Hà Hồng Thái- máy trưởng tàu Phúc Xuân 68 lên bờ, anh Nguyễn Duy Hùng, ôm vai mừng khóc, gọi điện ngay về thông báo cho gia đình. Cùng xã Thụy Xuân lại là 2 gia đình thông gia nên khi biết anh Thái đang đi trên tàu bị nạn, từ tối qua đến nay anh Hùng túc trực ngay cầu cảng hỏi thăm tất cả những người có thể. Anh trai Thái cũng là máy trưởng tàu vận tải đang ở ngoài khơi chờ cập cảng Nha Trang nên ngay khi lên bờ anh Thái liền nhờ anh Hùng gọi ngay thông báo cho anh biết.
Tàu Cảng vụ Nha Trang đã triệu tập tàu Nam Vỹ 69 vào Vịnh Nha Trang để phục vụ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Ông Lê Xuân Rự (50 tuổi, quê Thái Bình) cho biết: “Tôi đang ngủ tại phòng thì nghe tiếng va chạm mạnh, tàu rung lắc mạnh. Biết tàu gặp sự cố tôi cầm theo chiếc áo phao lao nhanh ra ngoài. Lúc này tôi thấy tàu bắt đầu chìm nhanh từ phần mũi tàu. Tôi chỉ biết lao ra khỏi tàu trong đêm tối. Chỉ trong khoảng 1-2 phút sau đó thì tàu chìm ngay xuống biển. Tôi rơi xuống biển, thì thấy có người đang vận lộn với sóng, trên người không mặc áo phao nên lao lại tóm chặt anh ấy. Hai anh em chới với trong sóng to, gió lớn. Khoảng 30 phút sau thì được anh em trên tàu Nam Vỹ 69 cứu, trên người chỉ còn mảnh áo che thân. Lúc này tôi mới biết, trong số 11 anh em chỉ có 3 người được cứu”.
Nỗ lực tìm kiếm
Tối ngày 9/11, 3 thuyền viên của tàu Phúc Xuân 68 gồm máy trưởng Hà Hồng Thái ( 37 tuổi, quê Thái Bình), thủy thủ Lê Xuân Rự (50 tuổi, quê Thái Bình) sĩ quan radio Nguyễn Văn Hậu (31 tuổi, quê Thanh Hóa) được lực lượng cứu hộ cứu nạn khu vực 4 đưa vào bờ.
Có mặt tại cầu cảng Nha Trang lúc 18 giờ ngày 9/11, Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam- Nguyễn Nhật đã thăm hỏi động viên và nắm tình hình từ 3 thuyền viên tàu Phúc Xuân thoát khỏi tàu và được cứu ngay sau vụ tai nạn.
Ngay sau đó ông Nhật cùng các đơn vị chức năng đã tổ chức họp bàn phương án tiếp theo để tìm kiếm cứu nạn 8 thuyền viên đang mất tích.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, khoảng 1 giờ ngày 9/11, (tải trọng 2.458 tấn, chở theo 1.790 tấn thức ăn gia súc) đang trên hải hành từ cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đi Quy Nhơn (Bình Định) đâm va với tàu Phúc Xuân 68 (tải trọng 1.970 tấn, chở theo 1.890 tấn thép) hành trình từ Hải Phòng đi Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau cú đâm va, tàu Phúc Xuân 68 đã bị chìm. Hiện trường vụ va chạm cho thấy tàu Phúc Xuân 68 đã bị đâm ngay vào khoang hàng, trên tàu chở khối lượng thép lớn nên đã chìm rất nhanh. Ngay sau khi nhận được thông tin cứu nạn, 3 tàu của trung tâm đã được điều động ngay ra hiện trường. Đến 18 giờ cùng ngày đã có 8 tàu của các đơn vị gồm: Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, 2 tàu hàng, 1 tàu cá, tàu của Bộ chỉ huy Bội Đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa… phối hợp tìm kiếm trên vùng biển tàu Phúc Xuân 68 bị nạn.
“Lực lượng chuyên trách cày nát hiện trường, các đơn vị cứu hộ cũng đã triển khai phương án cứu hộ hiện đại nhất nhưng vẫn chưa phát hiện thêm được thuyền viên nào. Các tàu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm.”
“Về phương án lặn để tìm kiếm các thuyền viên có khả năng mắc kẹt trong tàu cũng đã được đề xuất tuy nhiên khu vực tàu Phúc Xuân 68 bị nạn sâu trên 60m, xung quanh 80-90m, hi vọng những người bị nạn thoát được ra khỏi tàu không lớn vì vậy khả năng tìm kiếm là rất thấp”- Ông Vũ nói.
Đại tá Nguyễn Đức Phúc, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Ngay sau khi nhận được tin, chúng tôi đã điều động 2 tàu của Hải đội 2 lên đường cứu nạn. Đồng thời tổ chức thông tin đến lực lượng biên phòng 21 trạm biên phòng trong toàn khu vực yêu cầu tìm kiếm các thủy thủ, bảo vệ hiện trường, thông báo đề nghị phối hợp với lực lượng biên phòng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên và đài canh để tìm kiếm. Đặc biệt, là phát thông tin trên các phương tiện đến các ngư dân, tàu thuyền nhỏ… để biết và ứng cứu kịp thời khi phát hiện ra các thủy thủ.
Tại cuộc họp đại diện Vùng 4 Hải quân và lực lượng cảnh sát biển vùng 3 cho biết, các đơn vị đã sẵn sàng tham gia tìm kiếm khi có lệnh.
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhận định: Đây là vụ tai nạn giao thông vận tải biển đáng tiếc nhất của ngành giao thông đường thủy trong 10 tháng qua. Trước mắt, các đơn vị cứu nạn, cứu hộ, hoa tiêu, bảo đảm hàng hải, biên phòng, cảnh sát biển… tập trung lực lượng ngày 10/11 điều động tất cả phương tiện hiện có ra biển để tham gia cứu nạn vì thời gian giờ rất gấp.
STT | Họ tên | Chức danh | Năm sinh, nơi sinh | Ghi chú |
1 | Nguyễn Đức Khoa | Thuyền trưởng | 1970, Thanh Hóa | |
2 | Phạm Văn Hội | Đại phó | 1965, Thái Bình | |
3 | Nguyễn Văn Hậu | Sĩ quan radio | 1983, Thanh Hóa | Đã được cứu |
4 | Hà Hồng Thái | Máy trưởng | 1977, Thái Bình | Đã được cứu |
5 | Phạm Văn Nhân | Sỹ quan máy | 1980, Thái Bình | |
6 | Nguyễn Hồng Bàn | Thủy thủ | 1964, Thái Bình | |
7 | Nguyễn Bá Kha | Thủy thủ | 1988, Nghệ An | |
8 | Lê Xuân Rự | Thủy thủ | 1964, Thái Bình | Đã được cứu |
9 | Quế | Bếp trưởng | Hải Phòng | |
10 | Mai Công Hiếu | Thủy thủ | 1993, Thái Bình | |
11 | Chức | Thủy thủ | Hải Phòng |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn