Từ chiếc khăn quàng đỏ

Thứ bảy - 10/06/2017 16:54
Tôi e rằng, những đứa trẻ được dạy dỗ coi thường pháp luật hôm nay, sẽ trở thành những kẻ hoặc chà đạp, hoặc luồn lách giữa các khe hở của pháp luật vào ngày mai.
Ninh Hiệp, một xã ven đô của Hà Nội, vốn nổi tiếng với nghề buôn bán vải vóc và quần áo may sẵn. Hàng ngày tiếp đón một lượng khách mua hàng rất lớn, chợ vải Ninh Hiệp có một khu đất rộng để làm bãi đỗ xe và nơi tập kết hàng. Thế nên mới đây, khi chính quyền địa phương muốn sử dụng quỹ đất này để xây Trung tâm thương mại, thì những nông dân – tiểu thương ở Ninh Hiệp kiên quyết phản đối. Sau nhiều lần thương thuyết bất thành, cuối cùng thì như thường lệ, chính quyền cưỡng chế dẹp bỏ bãi gửi xe.

Vậy là dân Ninh Hiệp biểu tình.

Vấn đề là không có bãi xe ngày nào, thì việc buôn bán kinh doanh bị đình đốn ngày ấy. Để “tốc chiến tốc thắng”, bà con nghĩ ra một chiêu “độc nhất vô nhị”: Bắt học sinh của cả trường THCS Ninh Hiệp nghỉ học, đi biểu tình đòi đất. Ngay trong ngày, những đoạn video clip được quay cảnh tượng ấy một cách rất có chủ ý, được đăng tải tràn lan trên mạng, thu hút sự chú ý lớn của dư luận.

Học sinh nghỉ học, mang cờ, trống đi "biểu tình" ở Ninh Hiệp

Trong những đoạn hình ấy, bọn trẻ con, khăn đỏ quàng vai, vác cờ đỏ, vác trống đỏ (toàn hình ảnh trường lớp kinh điển) đến trụ sở công quyền, hô hào biểu tình. Hình ảnh như là Trung thu rước đèn hay là Hội khỏe Phù Đổng vậy: 2 Đội viên Thiếu niên tiền phong khiêng cái đòn treo trống cái, 1 Đội viên cầm dùi gõ nhịp, và tất cả những Đội viên còn lại thì hô to: “Trả đất cho dân”.

Bọn trẻ không biết sợ, mà cũng chẳng ai làm gì để chúng phải sợ, cứ thế trống dong cờ mở, tràn vào sân ủy ban, nghênh ngang quát vào mặt những người làm công tác an ninh trật tự đáng tuổi bác, tuổi ông của mình.

- Trả đất cho dân! (Thùng thình thùng thình) Đẩy cổng đi, đẩy đi!... Xông vào đi chúng mày…

Những âm thanh nghe được từ đoạn clip do chính các bậc phụ huynh ghi lại, cho thấy một sự càn rỡ được khuyến khích và thậm chí được cố tình kích thích cho bạo phát. Chuyện đúng sai trong giải quyết mâu thuẫn lợi ích của người lớn chưa cần nói đến ở đây. Sự nguy hiểm là, để đạt mục đích của mình, người lớn sẵn sàng lôi trẻ con vào cuộc. Hơn thế, họ dúi vào tay chúng những công cụ, đặt vào miệng chúng những ngôn từ kích động, và thổi vào não chúng tư duy hành xử hùa theo đám đông, coi thường pháp luật. Những đứa trẻ, những Đội viên bỏ học đi biểu tình, vừa đẹp lòng bố mẹ, vừa xả hết năng lượng tuổi trẻ vốn luôn dư thừa mà lại thiếu nơi phát tiết.

Chuyện này qua đi, mai các cháu đi học bình thường, sẽ lại nơm nớp sợ mấy bạn sao đỏ ghi tên đi học muộn, sợ cô chủ nhiệm trừ điểm thi đua, sợ bị mời phụ huynh...

Nhưng từ nay chắc là các cháu sẽ không biết sợ, không biết tôn trọng một thứ quan trọng của bất kỳ xã hội nào: Pháp luật.

Nếu chúng ta để một thế hệ lớn lên với một sự tự tin có thể lấy thịt đè người, thì tương lai là một thứ kinh sợ. Bởi khi sự thượng tôn pháp luật không còn là nền tảng, thì mọi diễn biến xã hội sẽ ngả theo những hướng phi lý và phi nghĩa.

Thực tế, những biểu hiện coi thường pháp luật như ở Ninh Hiệp ngày một nhiều. Vài hôm trước, một trang web chuyên đưa các clip do người dân quay về các sự việc xảy ra trên đường phố, đã đăng tải một đoạn hình được hàng trăm lượt chia sẻ.  Đoạn hình được ghi tại Hà Nội, giữa ban ngày, một nhóm người đi trên ô tô thùng, đội mũ bảo hộ, giáp chống đạn, dùi cui, giày ghệt cao cổ... chuyên nghiệp như cảnh sát chống bạo động. Họ quây kín nhà con nợ, xông vào lấy dùi cui áp chế, và sẵn sàng đánh đập khi bị chống cự.

Sự việc chỉ chấm dứt khi lực lượng công an phường nhận tin báo đến nơi. Hóa ra, đó là 1 nhóm đòi nợ thuê. Ở câu chuyện này, những kẻ đòi nợ thuê đại diện tiêu biểu của một khuynh hướng coi thường pháp luật một cách có tổ chức và thậm chí là đầy hiểu biết.

Dù khác biệt về mục đích, cách thức và đối tượng, nhưng vụ việc học sinh bỏ học đi biểu tình ở Ninh Hiệp và vụ đóng giả cảnh sát chống bạo động để đi đòi nợ thuê, có liên quan mật thiết đến nhau về tính chất. Những đứa trẻ được dạy dỗ coi thường pháp luật hôm nay, sẽ trở thành những kẻ hoặc chà đạp, hoặc luồn lách giữa các khe hở của pháp luật vào ngày mai.

Vì thế, nếu để nói điều gì ám ảnh tôi hơn giữa 2 hình ảnh, thì tôi rùng mình trước những chiếc khăn quàng đỏ.

Theo Phạm Gia Hiền Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây