Theo địa chỉ ghi trên lá đơn kêu cứu, chúng tôi đến xã Yên Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Vừa đến đầu thôn Thận Trại, thì được anh Đào Văn Hoàng phó chủ tịch UBND xã đón và dẫn đường. Qua câu chuyện với anh Hoàng, tôi được biết “Hoàn cảnh gia đình anh Vũ Văn Huế là trường hợp đặc biệt khó khăn, và hết sức bi đát ở địa phương. Anh Huế liên tiếp bị tai nạn lao động, rồi mắc bệnh ung thư, giờ họ kiệt quệ lắm rồi, chẳng còn khả năng chữa trị tiếp nữa, đến 2 đứa con đang đi học, cũng đang đứng trước nguy cơ phải bỏ dở…”
Ngôi nhà cấp 4 trống hoác của anh Vũ Văn Huế (42 tuổi) nằm lặng lẽ, tận cuối thôn Thận Trại. Nhìn quanh tài sản trong nhà chẳng có gì đáng giá, ngoài chiếc giường ọp ẹp anh đang nằm dưỡng bệnh, và cái bàn gỗ đã cũ mục dùng để tiếp khách được kê ngay dưới bàn thờ tổ tiên. Thật khó có thể hình dung cái hình hài tiều tụy với cái đầu trọc lốc, những vết mổ lớn ở bụng và 2 túi chất thải đeo hai bên sườn kia, vốn là người đàn ông, vạm vỡ, khỏe mạnh, là chỗ dựa cho cả gia đình.
Cố gắng nén hơi thở khó nhọc, đưa ánh mắt buồn thảm chào khách, rồi lại nhăn mặt, nhắm nghiền mắt lại, có lẽ cơn đau lại hành hạ anh… Lớn lên ở miền quê nghèo, rồi lập gia đình với “tài sản” chỉ có hơn 2 sào ruộng. Để lo cho 2 đứa con ăn học, vợ chồng anh Huế- chị Hồng phải làm mọi thứ có thể. Anh thì đi xách vữa phụ hồ, chị thì làm thuê một ngày 12 tiếng cho một cơ sở sản xuất ở khu công nghiệp Đồng văn.
Thương đứa con gái Vũ Thùy Trang ( 15 tuổi) bị chàm đến hết nửa khuôn mặt, nên năm 2012 vợ chồng anh Huế bòn mót, vét bán mọi đi thứ gọi là có giá trị trong nhà, và vay mượn thêm anh em họ hàng, để đưa con lên Hà Nội chữa trị. Sau nhiều lần điều trị, khuôn mặt bé Trang dần trở lại bình thường, vết chàm chỉ còn 1 chút nơi con mắt trái. Vui mừng xen lẫn lo âu, chàm trên mặt con gái đã mờ đi, nhưng khoản nợ hơn 20 triệu thì không biết lấy gì để trả. Nên anh chị càng phải gắng sức làm việc để mong có tiền trả nợ và tiếp tục chữa bệnh cho con.
Tháng tư năm ngoái, hôm đó, dù trong người đã thấy mệt nhưng anh Huế vẫn cố đi làm, khi đang xách xô vữa trèo lên giàn giáo thì anh bị hoa mắt ngã nhào xuống gãy chân trái. Hơn hai tháng nằm viện, vì không có bảo hiểm y tế nên chi phí điều trị rất tốn kém, nợ lại chồng lên nợ. Đến việc lên viện rút đinh đóng nẹp chân, cũng chẳng có tiền nên anh cứ để “Mặc kệ nó”.
Thật là “Họa vô đơn chí”, thời gian gãy chân nằm ở nhà, anh Huế thấy bụng mình nổi lên một cục lại thấy đi tiểu thường xuyên ra máu, cơ thể mệt mỏi. Vì không có tiền lại không muốn gia đình thêm lo lắng, anh giấu biệt mọi người…Đến khi chị Hồng tình cờ phát hiện trên bụng chồng mình có một khối u, thì nó đã rất to chuyển màu và cứng ngắc như viên đá. Hoảng hốt, chị lại tức tốc chạy vay khắp làng trên, xóm dưới để có tiền đưa anh lên Hà Nội.
Anh Huế được chỉ định lập tức nhập viện và ca phẫu thuật được thực hiện ngay sau đó, bác sĩ bảo chậm thêm vài ngày nữa nếu khối u vỡ sẽ không thể cứu được. Qua 2 lần phẫu thuật anh Huế phải được xạ trị đều đặn hàng tháng. Vậy là để có tiền níu kéo sự sống cho chồng, chị Hồng không còn cách nào khác là lại đi vay nợ, từ vay ngân hàng, vay bà con hàng xóm, vay lãi ngày…Nợ cứ chồng chất nợ, các khoản nợ đã lên tới gần 200 triệu. Vừa xạ trị được đợt đầu tiên, thì số tiền vay mượn đem theo cũng hết. Bĩ cực chẳng còn cách nào khác, anh Huế nằng nặc xin về nhà phó mặc mọi sự cho số phận.
Nghe tiếng kêu khóc thảm thiết của đứa cháu gái, tưởng chuyện chẳng lành đã xảy đến với con, bác Vũ Văn Cự (bố anh Huế), lập cập từ nhà bên chạy sang. Nhìn con trai quằn qoại trong cơn đau xé ruột, rồi kiệt sức lịm đi. Ngồi thừ bên con, từ trong khóe mắt sâu thẳm của người cha già chắt ra hai giọt nước lăn nhanh qua 2 gò má nhăn nheo... Còn gì đau đớn hơn khi “Lá vàng khóc lá xanh…”. Thương con vô cùng nhưng giờ bác cũng chẳng biết phải làm sao.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn