Trong hai ngày 14 và 15-4, TAND huyện Nghi Xuân mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bốn bị cáo phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Cao Viết Đức (nguyên chủ tịch UBND xã Xuân Viên), Trần Xuân Ngân (nguyên công chức địa chính xã), Phan Mạnh Quyền (nguyên bí thư Đảng ủy xã) và Phan Thị Sáu (nguyên kế toán xã). Có 45 bị hại, 16 cán bộ xã và huyện là người có liên quan.
Phiên tòa được người dân địa phương cho là “rúng động”, hàng trăm người dân chen chân ngoài hành lang hội trường xét xử để nghe.
Bà Trần Thị Lệ (64 tuổi) là bị hại đầu tiên được tòa hỏi. Bà Lệ nói: “Ông Quyền đến nhà tôi nói rằng tôi không có tiền mua đất thì xin tôi đứng tên trong hồ sơ để ông mua cho người anh trai ở Thái Nguyên. Sau đó ông Quyền đưa cho tôi ba tờ giấy nhờ tôi ký mà không nói đây là hồ sơ xin mua đất. Ký xong, ông Quyền đưa cho tôi 5 triệu đồng nhưng tôi chỉ lấy 4 triệu vì nghĩ ông là bí thư Đảng ủy xã chỉ nhờ tôi ký một chữ”. Ngừng một lát, bà Lệ bức xúc nói tiếp: “Tôi thuộc diện chính sách và là hộ nghèo. Lẽ ra ông Quyền phải cho tôi biết rằng tôi có tiêu chuẩn cấp đất rồi hỏi ý kiến của tôi có mua hay không. Sao lại đưa ba tờ giấy nói tôi ký mà không cho biết đó là hồ sơ xin cấp đất mang tên tôi. Mua lô đất xong, ông Quyền đem bán chứ không phải mua cho anh trai. Là cán bộ nhưng lương tâm mờ ám như vậy là không tốt”.
Ông Đặng Quốc Phố là người mua lại lô đất trên từ ông Quyền với giá 650 triệu đồng (giá Nhà nước quy định lô đất này là 170 triệu đồng, cộng thêm 60 triệu đồng xây dựng quê hương). Đến khi làm thủ tục sang tên không được, ông Phố mới biết mình bị lừa vì quá tin vào ông bí thư Đảng ủy xã. “Vậy là tôi bị treo 650 triệu đồng từ năm 2011 đến nay, còn ông Quyền hưởng lợi hơn 400 triệu đồng” - ông Phố bức xúc nói.
Tòa yêu cầu chị Cao Thị Hợi (33 tuổi) trình bày vì sao biết mình bị “đứng tên” khi đang làm ôsin bên Thái Lan? Chị Hợi thưa rằng được người thân ở quê điện thoại sang báo chị được cấp một lô đất. Lần hỏi chị mới biết có người xin mua lô đất mà chị đứng tên được cấp, ông Cao Viết Đức kêu người này đến nhờ em gái của chị Hợi ký tên thay.
Ngày 2-5-2012, chị Hợi viết lá đơn khiếu nại gửi thanh tra huyện Nghi Xuân. “Giờ tòa đã đưa vụ án ra xét xử, nếu có chết tôi cũng thỏa mãn” - chị Hợi nói. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Bùi Quang Năng hỏi lại: “Có đúng chị là người tố cáo giúp cơ quan công an vào cuộc làm rõ vụ án này không?”. Chị Hợi thưa tòa: “Dạ đúng”.
Sau phần đại diện viện kiểm sát và luật sư tranh luận, tòa hỏi lần lượt 42 bị hại có ai đề nghị gì về mức án đối với các bị cáo không. Người xin giảm án, người cương quyết không, trong đó có bà Lệ và chị Hợi một mực “mong tòa xét xử đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật”. Cả hai người đều nói: “Lẽ ra cán bộ xã phải hiểu và giúp người dân xã mình vượt nghèo, chứ ai lại lợi dụng sự nghèo khó của dân để trục lợi cá nhân”.
Nguồn VŨ TOÀN (TT)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn