Trẻ con, chúng có quyền gì!

Thứ bảy - 10/06/2017 10:56
Chúng làm gì có quyền gì chứ! Từ những đứa trẻ đang được ra sức nhồi nhét thức ăn và chữ nghĩa cho đến những đứa trẻ lọt lòng đã biết kiếm tiền.
Chỉ còn vài tuần nữa là tết. Như mọi năm, nhà nào có nhiều thiếu nhi thì được nhiều lì xì; nếu nhờ tu tập kiếp trước mà thiếu nhi được sinh ra trong gia đình chức sắc thì quyền được lì xì của chúng càng có nhiều người lớn cương quyết và tình nguyện thực hiện bằng được.

Thiếu nhi còn có ngày 1/6 để được các ban ngành đoàn thể cả nước hùng hồn khẳng định các quyền của chúng đồng thời hứa bảo vệ.

Ngoài hai ngày đó và ngoài thiếu nhi có lý lịch tốt ra thì các thiếu nhi loại "phổ thông, bình dân", xin đừng ảo tưởng.

Với không ít bậc cha mẹ đáng kính ở Việt Nam, thiếu nhi không phải là kết quả mong ước mà chỉ là hệ quả của bất cẩn, "những con người do sơ ý sinh ra".

Ngay từ sơ sinh, thiếu nhi trẻ em đã bị lợi dụng để làm công cụ kiếm tiền.

Ngay từ sơ sinh, thiếu nhi, nhiều trẻ em đã có thể kiếm ra tiền. Không ít những đứa trẻ lọt lòng ra đã là một món hàng: kẻ đẻ ra chúng có thể cho người khác thuê, người ấy sẽ cho chúng uống thuốc ngủ để chúng thiêm thiếp cả ngày rồi vác lên vai đi ăn xin.

Lên bốn năm tuổi, đứa bé gái miệng còn hơi sữa sẽ len vào quán nhậu lay vai từng thực khách nam giới đã la đà hơi men để bán sing-gum. Không nghe lời sẽ bị bỏ đói và đánh đập.

Trong mấy năm vừa rồi, đã có bao nhiêu đứa trẻ bị cha mẹ đâm dùi vào người, dí đầu thuốc cháy, đánh đến chết, xô xuống sông?

Và những cha mẹ thiếu kiến thức đến nỗi đặt tivi lên chiếc bàn nhỏ có bánh xe, để đứa con chập chững bước níu lấy tủ thì nó trượt ào đi và chiếc tivi rớt xuống đập vô đầu.

Cột võng vô tủ hay giá đỡ tivi, giá đỡ loa trên tường, và cái giá đỡ sút ra, vật nặng kê trên đó đè bẹp đứa trẻ.

Đặt ca nước sôi trên bàn rồi quay đi lấy sữa, đứa trẻ với ca nước sôi dốc tuột vô miệng.

Hạ cửa cuốn không nhìn, con bị kẹp chết.

Ra ban công phơi áo quần xong không khóa cửa, trẻ mò ra rơi xuống từ vài tầng lầu.

Chạy xe máy cầm lái một tay, một tay ôm hờ đứa nhỏ ngồi phía trước, đột ngột xe vấp đá hay tránh người, đứa nhỏ văng ra, rơi gọn trong nồi nước lèo đang sôi trên lề đường.

Để con chơi gần sông suối, hồ nước, bồn tắm không nhìn ngó, con ngã xuống... chết..

Cách đây hơn hai năm, báo Lao động chạy cái tít rùng mình: "Báo động đỏ về hiếp dâm trẻ em". Và cách đây mấy tháng, báo An ninh thủ đô lại tiếp tục mở hẳn chuyên mục "Hiếp dâm trẻ em-SOS".

Cuối năm 2013, Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố một kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ lứa tuổi mầm non và tiểu học tại Hà Nội, Hà Nam, Huế, Quảng Bình, TP.HCM, Bến Tre.

Kết quả cho thấy, hơn 50% trẻ thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, B1, C, D và sắt trong chế độ ăn hàng ngày.

Gần 87% thiếu kẽm và gần 52% thiếu mangan. 26,7% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi, 34% thiếu máu do thiếu sắt; 14,2% thiếu Vitamin A trong huyết thanh, đe dọa đến sự phát triển và có thể gây mù mắt, tương đương khoảng 1.500 trẻ tử vong/năm do nguyên nhân có liên quan đến thiếu vi chất này.

Sự sáng tạo của trẻ em bị giết chết bởi sự bảo thủ của người lớn

Bên cạnh đó là những trẻ béo phì do cha mẹ ráng sức nhồi nhét.

Vấn nạn nhồi nhét trẻ thơ không dừng ở thức ăn. Chúng còn bị nhồi học bất chấp khả năng, sở thích, trình độ, một chương trình tẻ nhạt, lạc hậu, xa vô cùng với đời sống.

Làm bài phải y chang sách giáo khoa, thầy muốn khuyến khích trò sáng tạo cũng đành chịu vì chương trình Bộ giáo dục áp xuống, chi li đến từng 0,25 điểm. Sự sáng tạo bị bóp nghẹt. Tính cá biệt bị giết chết.

Cả thầy, cả trò, đều bị buộc trở thành mẻ đồ hộp sản xuất hàng loạt. Và giống như những mẻ đồ hộp được sản xuất cẩu thả, chúng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ.

Việt Nam có khá nhiều văn bản luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Điều 20 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: "Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm".

Nhưng hãy xem chúng được bày tỏ nguyện vọng như thế nào! Không thể phản đối giáo án vì giáo án là pháp lệnh.

Do vậy, ví dụ khi không muốn học môn Sử theo kiểu một chiều và áp đặt, chúng chỉ có thể "bày tỏ nguyện vọng" bằng cách quay clip nói với thế giới internet.

Nhà nhà Việt Nam ra sức cày cuốc kiếm tiền cho con đi "tị nạn giáo dục", hoặc cũng phải học trường quốc tế, trường song ngữ, nhưng băng rôn và khẩu hiệu vẫn được treo khắp mọi nơi. Các quan chức vẫn lên tivi xúc động phát biểu về việc chúng ta đã đạt những thành quả lớn như thế nào trong bảo vệ quyền của trẻ em!

Hoan hô!

Theo Hoàng Xuân Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây