Tìm về “Làng huyền thoại K130” vào một chiều muộn, người dân nơi đây xây cổng làng khang trang với dòng chữ đầy tự hào: “Làng văn hoá - Chiến tích K130”.
Những người dân ở đây đã tham gia vào đêm lịch sử làm đường qua xã làng Tân Tiến và Minh Tiến nay chỉ còn vài người còn sống. Theo người dân ở đây, minh mẫn và khoẻ mạnh chỉ còn ông Trần Đình Trọng (Nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc ngày ấy).
Tìm đến nhà, ông Trọng đang bó củi sau vườn. Năm nay, ông Trọng bước sang tuổi 87. Kể về chiến tích làng K130 ông nhớ in từng chi tiết. Làng K130 vốn là làng Tân Tiến và Minh Tiến (xã Tiến Lộc, Can Lộc).
Trước làng còn có tên gọi làng Hạ Lội (vì làng nằm giữa ba bề ruộng nước, đường vào làng lầy lội). Trong những năm chống Mỹ, Ngã Ba Đồng Lộc, Cầu Nghèn, cầu Già, cầu Nhe trên tuyến đường quốc lộ số 1A và đường 15A là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Tiến Lộc trở thành “chảo lửa, túi bom”.
Tuyến đường quốc lộ 1A đi qua Thiên Lộc, quãng từ cầu Thượng Gia đến cầu Già bị bom Mỹ đánh đúng tim đường, đứt hai đoạn khoảng 1300m. Hàng ngàn chiếc xe chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm vào miền Nam buộc phải di tản nép vào bìa rừng, làng xóm từ Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Can Lộc chờ đêm đến lần lượt đi qua đường 15A. Trước tình hình đó, lệnh từ trên bằng mọi giá phải mở đường máu, cho xe thông tuyến.
Năm 1968, ông trọng giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, với nhiệm vụ đảm bảo huyết mạch giao thông qua địa bàn xã. 9 giờ ngày 12/8/1968, ông Trọng nhận công văn khẩn cấp họp tại ban chỉ đạo an toàn giao thông huyện.
“Họp xong, không kịp ăn trưa, tôi vác xe đạp chạy bộ qua đồng để về xã, triệu tập ban an toàn giao thông xã, loa cho bà con xóm Hạ Lội phổ biến chủ trương xẻ xóm, mở huyết mạch giao thông cho xe thông vào chi viện chiến trường. Tôi nói chưa dứt lời thì hàng chục cánh tay giơ lên.
Ông Lê Bá Kiên lúc đó phát biểu đầu tiên: “Tui có ba nhà, chỉ để cái lều quán còn nhà ngang, nhà dọc tôi sẵn sàng hiến dâng để làm đường, lát đường cho xe qua. Còn nước, còn nhà nếu nước mất thì nhà cũng tan””, ông Trọng nhớ lại.
Theo ông Trọng, cả xóm lúc đấy cảm động nhất là tinh thần của bà Đinh Thị Trí, 73 tuổi. Trước hàng trăm hộ dân, bà phát biểu: “Tui không có nhà, chỉ có túp lều, hạ xuống không mần được chi. Tui có cỗ ván hậu sự dành để lo về sau, xin được góp sức”.
Sau đó, cả xóm 100% đồng thanh nhất trí dỡ nhà, chặt tre, chặt cây làm đường với khẩu hiệu “Xe chưa qua - nhà không tiếc”, “ Tất cả cho miền Nam ruột thịt”. Cuộc họp chớp nhoáng trong vài chục phút, sau đó thanh niên trai tráng trong nhà sơ tán những người già, trẻ nhỏ đi gửi nhờ sang làng khác.
Tắt mặt trời, bà con trong xã cùng xắn tay, dỡ nhà, đốn cây, đốn tre để làm đường bí mật, bất ngờ, thần tốc. “Đường mở đến đâu là chúng tôi chặt tre, dỡ nhà lát đường đến đó. Hồi đó, tre dày đặc, tre bao vây quanh làng.
Chúng tôi sáng kiến vắt tre xuống để ngụy trang. Được TNXP giúp sức, chỉ trong một đêm chúng tôi đã biến làng thành đường cho xe thông tuyến. Trong đêm đầu tiên, chúng tôi thông được 130 xe qua xã vào chiến trường miền Nam”. Ông Trọng nhớ lại.
Mở con đường thành công, làng K130 đã thông hàng vạn chuyến xe tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam.
“Để giữ bí mật, ban đêm xe chạy qua xong dân trong làng và TNXP lại lấy bèo tây ngoài đồng về phủ kín các vết bánh xe để tránh máy bay địch phát hiện. Con đường làm tạm thời trong đêm nhưng vẫn thông tuyến và bí mật cho đến ngày giải phóng miền Nam”, ông Trọng tự hào khoe.
Làng nông thôn mới
Còn về bà Đinh Thị Trí dành cỗ hậu sự của mình để lót đường cho xe ra mặt trận, năm 1985 bà mất đã được hợp tác xã lo cho cỗ ván làm hậu sự đàng hoàng. Mộ bà nghĩa địa cách làng khoảng 1km.
Những hố bom ứa máu ngày trước, giờ đã được người dân cải tạo trở thành hồ thả cá. Bến phà dã chiến cuối làng K130 bên sông Già góp phần chuyển tải an toàn cho phương tiện vận chuyển, thực phẩm, vũ khí của quân ta vào chiến trường miền Nam vào năm 1968.
Sau ngày đất nước thống nhất, ngay tại chân bến, người dân làng K130 đã xây dựng lên một ngôi miếu đặt tên gọi miếu Mướp. Ngoài các ngày lễ lớn, hàng năm cứ đúng ngày 13/8, đông đảo người dân lại ra đây làm lễ dâng hương.
Anh Lê Bá Bảo (cháu ruột của ông Lê Bá Kiên) cho biết: Ông Kiên là người đầu tiên ở làng K130 dỡ nhà ra làm đường, còn lại mảnh vườn ông hiến để làm bãi đậu xe ẩn nấp lúc đường bị tắc.
Ngày 23/8/1968, ông Kiên cùng con trai là Lê Bá Tuỳn đang thông đường cho xe qua trong vườn nhà thì trúng bom, cả hai cha con tử nạn. “Ông Kiên, bác Tuỳn là những người đại diện cho hàng triệu nông dân yêu nước ngày đấy đóng góp và hy sinh cho cách mạng không tính toán, không vụ lợi.
Chúng tôi, thế hệ con cháu luôn tự hào về truyền thống gia đình cố gắng đóng góp sức mình xây dựng quê hương và giáo dục truyền thống cho thế hệ sau”, ông Bảo nói.
Còn các con ngõ làng K130, huyết mạch giao thông ngày xưa xẻ giữa tim làng bây giờ nhà cửa đã tường vôi, ngói đỏ. Những con đường vào làng được đổ bê tông theo chuẩn làng nông thôn mới. Những người con, người cháu hôm nay của làng K130 đã đi khắp mọi miền đất nước làm ăn, xây dựng tổ quốc.
Năm 2006, làng K130 được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng di tích lịch sử quốc gia. Nhà văn hóa Làng K130 xã Tiến Lộc (Can Lộc) là công trình xã nhà bứt phá về đích nông thôn mới. Giờ làng K130 lại bình yên như bao làng quê Việt Nam bình dị khác.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn