Những "quả bom gài sẵn" trong khu dân cư

Thứ bảy - 10/06/2017 15:22
Chứng kiến nhiều vụ tai nạn do nổ ga trong các nhà hàng, quán ăn, thậm chí có vụ sập nhà dẫn đến những cái chết thương tâm khiến người dân không khỏi lo lắng trước những “quả bom ngầm” luôn được “gài” sẵn trong các gia đình hiện nay.
Ga giả, ga lậu hoành hành

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ nổ ga, nhưng phần lớn là do hiện tượng sang chiết, nạp gas của các cơ sở kinh doanh trái phép, các cửa hàng phân phối nhỏ lẻ. Do một số thương hiệu gas hiện nay có giá cao hơn mặt bằng chung khoảng 30% dẫn đến việc nhiều cửa hàng sang chiết gas loại thường vào vỏ bình chính hãng để nâng cao lợi nhuận. Một hình thức khác, nhiều cơ sở, chủ cửa hàng ăn bớt khối lượng, chiết một phần gas từ các bình đầy sang các bình trống và bình gas mini. Thậm chí tận dụng lượng gas dư thừa trong các bình đã sử dụng để sang chiết vào bình trống.

Đó là chưa kể đến các vụ sang chiết từ bình ga lớn sang các bình ga mini (du lịch). Theo tiêu chuẩn an toàn, bình gas mini chỉ được dùng một lần, không được tái sử dụng lại bất kỳ hình thức nào. Bình gas loại 12kg có tỉ lệ hỗn hợp khí gas (propane và butane) khác nhau, cho nên áp suất tác động lên vỏ bình mini sẽ lớn hơn. Trong quá trình sử dụng, bình gas bị sự hao mòn và tác động gas, dẫn đến hở, xì gas chứa nguy cơ cháy nổ rất cao. Bởi vậy, việc tự ý làm trái kỹ thuật trong một môi trường không đảm bảo sẽ cực kỳ nguy hiểm. Chỉ một sơ suất nhỏ như thay đổi áp suất, những bình gas này sẽ nổ bất cứ lúc nào. Những kẻ sang chiết gas trái phép đã chọn cách hạn chế tai nạn bằng cách bơm lượng gas rất nhỏ vào bình, vừa tránh tai nạn vừa trục lợi trong kinh doanh. Theo ước tính, mỗi bình gas sang chiết trái phép từ vỏ bình của đơn vị khác, đối tượng chiết gas “lậu” thu lợi từ 120.000 đồng - 150.000 đồng. Tất cả bình gas mini cũ, mới được các cơ sở gas thu mua ở khắp nơi, sau đó, họ dùng một loại sơn trắng phết lên vỏ bình để “hô biến” thành bình hoàn toàn mới rồi mang giao cho những cửa hàng tạp hóa, các quán lẩu tiêu thụ. Vì lợi nhuận cao nên vô hình chung họ trở thành những kẻ “chế bom nổ chậm”.

Chế tài còn lỏng lẻo

Theo các doanh nghiệp kinh doanh gas, nạn gian lận gas hoành hành dữ dội như hiện nay một phần là do cơ quan chức năng chưa vào cuộc quyết liệt. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt trong việc gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) vẫn còn quá nhẹ. Một cán bộ trong đội quản lý thị trường cho hay: Đối với những cơ sở sang chiết có quy mô lớn thì việc phạt tiền vài chục triệu đồng chẳng thấm gì so với lợi nhuận họ đã thu được. Thậm chí việc xử phạt đã thành “nhờn thuốc”, khi nhiều cơ sở tái vi phạm nhiều lần. Còn đối với cơ sở nhỏ lẻ, cơ quan chức năng cũng hết sức bối rối trong việc xử phạt đối với đối tượng lao động ngoại tỉnh, bởi lẽ nhiều đối tượng vì miếng cơm manh áo, phải đi làm thuê cho nên nếu có xử phạt tiền theo quy định thì cũng không được, xử lý hình sự cũng không xong vì hành lang pháp lý.

Không những thế, điều quan trọng còn nằm ở việc quản lý, giám sát đối với mặt hàng này gần như bị bỏ ngỏ, cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng trong việc giải quyết, chế tài xử lý còn nhiều hạn chế dẫn đến nạn gian lận gas, “những quả bom nổ chậm” vẫn ngang nhiên hoành hành. Một cán bộ PC46 chia sẻ: “Cuộc chiến chống gian lận gas cũng giống như dùng tay bóp quả bóng có nước, năm nào cũng bắt, năm nào cũng cháy nổ và năm nào cũng kêu. Chính quyền sở tại ở những nơi bắt giữ các vụ vi phạm liệu có buông lỏng trong công tác quản lý. Cần một sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, gia tăng mức xử phạt mang tính răn đe mạnh hơn nữa. Việc ngăn chặn và tuyên truyền chỉ dừng ở lực lượng công an và tuyên truyền của báo chí là chưa đủ”.

Cần mạnh tay xử lý

Theo giới kinh doanh gas, nếu Nhà nước không can thiệp, không có những biện pháp mạnh thì trong tương lai, những tai nạn đáng buồn sẽ tiếp tục xảy ra. Luật sư Nguyễn Nguyên Thy – Đoàn Luật sư TP cho biết: Những hành vi sang chiết ga trái phép được quy định cụ thể với tội danh “Sản xuất hàng giả” và “Sử dụng trái phép tài sản” theo Bộ Luật Hình sự cùng với việc vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, chất lượng hàng hóa… Hiện nay, hoạt động kinh doanh gas được quy định bởi Nghị định số 107 của Chính Phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, trong đó cũng quy định mức xử lý đối với các cơ sở vi phạm.

Ngoài ra, việc người tiêu dùng không nắm được quy tắc sử dụng bình gas một cách an toàn là một lỗ hổng rất lớn trong khâu quản lý. Do đó, ngoài việc xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền trong đông đảo người dân về tác hại khi sử dụng nguồn ga không an toàn, cách xử trí khi xảy ra sự cố để hạn chế tối đa những nguy hiểm do “bom gas” gây ra.

-----------------------------------

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Theo Thanh Hà Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây