Lẫn lộn công tư và ngõ cụt của nền y tế

Thứ bảy - 10/06/2017 15:22
Sự mập mờ công tư của hệ thống bệnh viện đang khiến cả người giàu và người nghèo trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ của nền y tế.
Một số bệnh viên công lớn, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đang có chính sách công khai - thể hiện trên các tấm bảng thông báo về việc bệnh nhân được chọn trả tiền cao hơn để được khám bởi Giáo sư và Phó giáo sư.

Nếu những thông báo này được niêm yết ở một bệnh viện tư thì không có điều gì đáng phải nói. Người bệnh có nhu cầu, có tiền, muốn được hưởng điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn, bởi các thầy thuốc có thương hiệu, cơ sở y tế đáp ứng nhu cầu đó. Chuyện hoàn toàn bình thường! Nhưng đây là bệnh viện công, nên câu chuyện rất khác.

Phòng khám giáo sư của Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh minh họa)

Bệnh viện công, là đơn vị y tế do Nhà nước quản lý, có sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân bằng dịch vụ công. Về nguyên tắc, đặc tính cơ bản của dịch vụ công là không loại trừ, và không cạnh tranh. Không loại trừ có nghĩa là tất cả mọi công dân đều có quyền sử dụng dịch vụ y tế ở bệnh viện công, không loại trừ bất cứ ai, bất kể họ có tiền để sử dụng hay không. Không cạnh tranh có nghĩa là việc sử dụng dịch vụ y tế của người này không ảnh hưởng tới người khác.

Các bệnh viện công ở Việt Nam, ban đầu, dĩ nhiên đúng như tính chất của nó, là bệnh viện của Nhà nước, được xây dựng và vận hành bằng tiền thuế của nhân dân, và phục vụ nhân dân miễn phí. Tuy nhiên, khi ngân sách không chịu đựng được gánh nặng chi phí, khi chất lượng của các bệnh viện công không còn đảm bảo, bài toán tự chủ một phần tài chính được thí điểm ở nhiều bệnh viện công. Và các loại hình dịch vụ trả tiền, khám chữa bệnh theo nhu cầu được ra đời ở các bệnh viện công. Khi người giàu có quyền yêu cầu các giáo sư phục vụ cho mình bằng cách trả tiền, đặc tính không loại trừ và không cạnh tranh đã bị xóa bỏ, ranh giới giữa bệnh viện công và bệnh viện tư bị xóa mờ, không còn minh bạch.

Điều gì sẽ xảy ra khi ranh giới công tư không còn minh bạch?

Nạn nhân là người nghèo, khi nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho ngành y tế sẽ ưu tiên phục vụ cho các dịch vụ theo nhu cầu của người giàu. Đó là ngân sách để đào tạo, để nghiên cứu, và để trả lương cho đội ngũ nhân viên y tế công.

Nạn nhân cũng sẽ là các y bác sĩ, nhân viên y tế ở bệnh viện tuyến dưới, ở những vùng quê nghèo khó khi mà người bệnh của họ không đủ tiền để chi trả dịch vụ để tạo ra thu nhập như đồng nghiệp của họ ở những miền giàu có.

Nạn nhân cũng sẽ là các bệnh viện tư, khi mà các nhà đầu tư phải cạnh tranh dịch vụ cho người giàu với các bệnh viện công, vốn được Nhà nước bao cấp về nhiều khoản đầu tư, từ công nghệ, hạ tầng, và cả các giáo sư làm dịch vụ ở các bệnh viện công.

Cuối cùng, nạn nhân cũng là những người giàu, nhưng chưa đủ giàu để ra nước ngoài điều trị với rất nhiều chi phí ngoài y tế. Bởi, không nhiều bệnh viện tư trong nước có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các thể loại bệnh viện công nhưng được làm dịch vụ theo nhu cầu.

Sự mập mờ công tư của hệ thống bệnh viện đang biến tất cả chúng ta trở thành nạn nhân của một nền y tế mà Bộ trưởng quanh năm phải đối phó với khủng hoảng truyền thông.

Một nền y tế mà công tư mập mờ sẽ không thể mang đến sự hài lòng cho dân chúng ngay cả khi chỉ cung cấp những dịch vụ y tế cơ bản, bởi ngân sách Nhà nước vốn đã eo hẹp lại phải đầu tư hạ tầng và đội ngũ để các bệnh viện công cung cấp những dịch vụ kiếm tiền.

Khi ranh giới công tư minh bạch, khi nhân lực và hạ tầng của bệnh viện công thực sự là dịch vụ công, với đặc tính không loại trừ, không cạnh tranh, khi các bác sĩ của bệnh viện công tuyệt đối không dành tâm sức cho các phòng khám tư, hoặc kiếm tiền từ dịch vụ dành cho người giàu, thì khẩu hiệu công bằng cho người bệnh mới được đảm bảo. Khi đó, mới không còn câu chuyện các bác sĩ nhận đồng lương chết đói mà mang tiếng là đại gia.

Công tư minh bạch, đó là khi các bác sĩ muốn làm việc trong khối tư nhân cần buộc phải thôi việc trong bệnh viện công. Đó là khi người nghèo có thể vào bệnh viện công điều trị không cần phải lo chuyện phong bì, hoặc gọi điện cho người thân để được phục vụ, và người giàu có thể dùng đồng tiền của mình để được phục vụ như thượng đế tại bệnh viện tư.

Theo Phạm Trung Tuyến Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây