"Liệt sỹ" trở về: Hành trình vượt cửa tử

Thứ sáu - 09/06/2017 10:21
Sau 40 năm là “liệt sỹ”, ông Phan Hữu Được trở về làng mình, với một cơ thể đầy bệnh tật và ký ức gần như trống không. Tôi không ngờ, sau khi trở về, ông Được phải trải qua những ngày dài để chuyển từ “liệt sỹ” thành công dân bình thường và lại đang phải đối diện với một căn bệnh nan y.
3 tháng trở về vẫn là “liệt sỹ”

“Liệt sỹ” ngồi nhìn ra cánh đồng vừa gặt, khói lam chiều vương trên rơm rạ, mắt ngấn nước. Ngày đi, đang tuổi thanh xuân phơi phới, ngày về bước chân đã xiêu vẹo trên đường làng. Tôi chưa từng thấy một đôi chân nào như chân ông Được, đen đủi, đầy sẹo nổi sẹo chìm. Khi đi, một chân nghiêng chéo hẳn so với chân còn lại. Xương đầu gối đã bị gãy. Mỗi bước đều khiến người ông lệch như compa trong cơn đau nhói đã đeo bám mấy chục năm nay. Có phải vì đôi chân thương tật ấy mà mãi 40 sau hòa bình ông Được mới về đến quê nhà? Nhưng 40 năm qua người lính này lại “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” vì bệnh mất trí nhớ nên đôi chân thương tật cũng không biết đích đến để mà đi.

Nhưng trí nhớ suy tàn cũng đã lóe lên như một tia chớp chọc thủng bóng tối của quên lãng để ông có thể trở về và kể lại hành trình kỳ lạ đã trở nên nổi tiếng sau khi truyền thông vào cuộc:

“Năm 1973, tôi làm thuyền trưởng trên tàu mang số hiệu 047 vận chuyển vũ khí từ Campuchia theo sông Mekong cung cấp cho chiến trường miền Nam. Trong một lần vận chuyển bị địch phát hiện và bắn phá. Tàu chìm, tôi bị thương dạt vào bờ. Tôi được một Việt kiều tên Hiệu cứu vớt chữa trị và nhận làm em nuôi. Nhưng tôi mất hết giấy tờ tùy thân và mất cả trí nhớ, quên cả tên mình. Năm 1976 anh Hiệu nhờ đoàn Việt kiều dẫn tôi về Việt Nam để tìm lại quê hương nhưng tôi không thể nhớ quê quán ở đâu. Từ đó tôi cứ làm thuê kiếm sống nay đây mai đó, lúc cạo mủ cao su ở Tây Ninh, lúc quét chợ. Nhiều đêm ngủ mơ, tôi gọi tên cha mẹ, quê hương trong vô thức. Một lần như thế, một người tốt bụng tên là Nguyễn Văn Tài nghe được tôi ú ớ nói mình là con ông Cầu ở Hải Phòng. Trời xui đất khiến, anh Tài lại quen anh Phạm Xuân Biên- sỹ quan Hải quân, cùng quê với tôi. Anh Biên gọi điện cho bố đẻ mình là Phan Văn Cứ thì được ông Cứ khẳng định tôi chính là người cùng làng. Ông Cứ gọi điện cho cháu ruột của tôi- Phan Hữu Lợi bảo: “Chú mày còn sống”.

 Sau 40 năm, “liệt sỹ trở về” Phan Hữu Được mới có thể rít thuốc lào Tiên Lãng quê nhà

Anh Phan Hữu Lợi – người cháu ruột của ông Được – ngồi trong căn nhà tồi tàn, kể: “Tôi biết tin chú còn sống, mừng quá đã nịnh vợ bán đôi hoa tai vàng để có tiền lộ phí đón chú về. Tôi định xin cả nhẫn cưới con gái thêm tiền vào miền Nam nhưng rồi lại thôi.

 Ngày chú về nhà, đen như nõ điếu, ngồi trong góc nhà không ai thấy. Lúc về chỉ có 46 kg, bây giờ chú đã 51 kg, da dẻ tươi tắn trở lại. Cứ nghĩ chú sẽ sống vui khỏe những ngày cuối đời, nào ngờ...

Anh Phan Hữu Lợi

Anh Lợi đạp xe lên UBND xã để trình báo chỉ đơn giản “công an khỏi bắt chú khi phát hiện ra người lạ”. “Người lạ” Phan Hữu Được từng khai thêm tuổi để đi bộ đội từ xã Tiên Minh này, nhưng giờ đây đang nằm trong danh sách liệt sỹ của địa phương, khi trở về không giấy tùy thân, không hộ khẩu và một ký ức hầu như trống rỗng. Anh Lợi không bao giờ dám hy vọng chú ruột của mình sẽ được hưởng chế độ chính sách bởi vì nghĩ: “Không lấy đâu ra tiền mà chạy”.

Anh chỉ mong người chú “liệt sỹ” được làm chứng minh thư và sổ hộ khẩu. Cũng chỉ với một mục đích mà anh nông dân này trình bày với Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Minh, ông Đoàn Xuân Thi: “Lỡ mai này chú mất đi, không tên, không họ, không quê quán thì làm sao viết điếu văn và xin đất để yên nghỉ”.

Ông Thi tận tình hướng dẫn Lợi, phải làm đơn đề nghị xóa tên người đã chết, cắt danh sách liệt sỹ thì mới làm được chứng minh thư. Rồi từ đó mới nhập hộ khẩu. Lợi khấp khởi mừng...

Nhưng gần 3 tháng trôi qua kể từ ngày ông Phan Hữu Được trở về nhưng vẫn chưa được xóa tên khỏi danh sách liệt sỹ của xã. Lợi đã gỡ tấm ảnh thờ của chú xuống, cất đi, nhưng chẳng hiểu sao ông Được bảo: “Cháu cứ để trên bàn thờ cũng không sao”.

Ông Được ra nghĩa trang liệt sỹ của xã, ngồi trầm tư trước bia mộ mang tên mình. Trên ngôi mộ gió này, tên ông vẫn được đọc lên trong những ngày 27/7 hàng năm... Ông biết để gỡ cái bia mộ mang tên mình này, sẽ còn nhiều thủ tục mà đôi chân của ông đã quá mệt mỏi rồi...

Những ngày tha phương cầu thực ở đất khách quê người, ông Được như kẻ vô gia cư, người ta quen gọi là “Năm khùng” “Năm cô đơn”. Những lúc trí nhớ lóe sáng, ông đấm vào ngực, nói: “Này, tôi cũng từng là lính đây”. Nhưng không một ai tin...

Sống trên quê hương mình gần 3 tháng kể từ ngày trở về , ông vẫn là liệt sỹ.

“Hãy gọi tôi là người lính”

Ông Đỗ Văn Đông - chuyên viên phòng Lao động - Thương binh xã hội huyện Tiên Lãng đi cùng tôi xuống nhà ông Được- lý giải: “Khi ông Được nằm trong danh sách liệt sỹ thì thuộc diện quản lý của Phòng LĐTB&XH nhưng khi “liệt sỹ” trở về lại thuộc diện quản lý của quân đội”.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Tùng - nhậm chức chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng chưa lâu - thường xuyên đi thực tế xuống xã, nhưng không nghe xã Tiên Minh báo cáo về trường hợp ông Được. Ông Tùng tâm sự: “Tôi đã phê bình xã báo cáo quá chậm. Ngay sau khi biết câu chuyện ông Được, tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc ngay để trả lại quyền lợi chính đáng cho ông. Tôi ở xa nhà, mỗi ngày cũng chỉ nhắn tin cho vợ được một lần, nhưng ngày nào cũng hai cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe ông Được. Ông Được có công với nước, trở về trong hoàn cảnh éo le nên cần phải đặc biệt quan tâm, không thể chậm trễ”.

Ông Phan Hữu Được và người cháu ruột Phan Hữu Lợi (phải) đã bán cả nhẫn vàng của vợ để lấy tiền đi đón chú

Ngồi một lúc mà thấy ông Tùng đã mấy lần gọi điện trực tiếp điều xe và phân công người ngày mai đưa ông Được lên bệnh viện Việt Đức - Hà Nội.

Chỉ trong vài ngày, công an huyện Tiên Lãng đã cấp thẻ chứng minh nhân dân cho ông Được – chính thức trở thành công dân sau 40 năm nằm trong danh sách liệt sỹ. Sau đó ông có hộ khẩu.

Khao khát được gọi là người lính của ông Được cũng sắp toại nguyện khi Lữ đoàn 384, binh đoàn 12 (tiền thân của đoàn 559, đơn vị cũ của ông Được) đã tìm được tên ông trong danh sách những người lính từng tham gia chiến đấu của đơn vị.

Giám đốc Bảo hiểm y tế huyện đến tận nhà trao thẻ bảo hiểm y tế cho ông. Ông cũng được làm thủ tục cấp tốc để nhận chế độ trợ cấp dành cho người già cô đơn, mỗi tháng 260 nghìn đồng.

Trong một thời gian ngắn, “liệt sỹ” đã được làm các thủ tục cần thiết để làm người sống. Nhưng trớ trêu thay, khi đủ thủ tục làm người sống thì ông được lại phải đối diện với cái chết.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc bệnh viện Việt Đức, đích thân khám cho ông Được, ái ngại bảo: “Ông bị ung thư gan, nếu phẫu thuật thành công, ông có thể sống được 2 năm, còn cứ để vậy thì không thể khẳng định trước điều gì. Khi phẫu thuật vẫn có nguy cơ chết trên bàn mổ. Gia đình cần họp lại để thống nhất phương án”.

Giọng anh Lợi buồn: “Ngày chú về nhà, đen như nõ điếu, ngồi trong góc nhà không ai thấy. Lúc về chỉ có 46 kg, bây giờ chú đã 51 kg, da dẻ tươi trở lại. Cứ nghĩ chú sẽ sống vui khỏe những ngày cuối đời, nào ngờ...”

Chi phí chữa chạy bệnh nan y, rồi cuộc sống xế chiều sẽ ra sao khi mà cả hai người cháu nông dân đều nghèo? Nhưng những câu hỏi liên quan đến cơm áo gạo tiền ấy nhanh chóng được trả lời. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trích 10 triệu từ tiền lương của mình gửi tặng ông Được. Đồng đội bạn bè và nhiều người không quen biết từ khắp nơi đến thăm ông. Nhiều người biếu tiền. Nhưng ông Được không thích tiền. Hình như ông vẫn quen với lối sống của những năm chiến tranh khi đồng tiền gần như vô nghĩa với người lính quen ở rừng và vận tải hàng trên biển. Kể cả vào thời bình, tha phương cầu thực làm thuê ở Campuchia hay quét chợ, bẻ nhánh cao su đất Tây Ninh, ông Được cũng chỉ xin ăn cho qua ngày đoạn tháng chứ ít khi nhận tiền. Ông chỉ thích được gặp lại những đồng đội và bạn cũ ngày xưa”.

Ngày lên bàn mổ để phẫu thuật gan, ông Được nói như trăng trối: “Tôi không cần ăn ngon mặc đẹp, không cần tiền. Chỉ cần mọi người đừng gọi tôi là khùng mà hãy gọi tôi là người lính. Một người lính đã hoàn thành nhiệm vụ. Cần vậy thôi, tôi chết cũng an lòng”.

PGS- TS Nguyễn Tiến Quyết- Giám đốc bệnh viện Việt Đức trực tiếp chỉ đạo ca mổ. Sau hai giờ, ca mổ gan và cắt túi mật đã thành công.

Gần 2 tháng sau cuộc phẫu thuật, ông Được bị rò nước nơi vết mổ, rồi tràn dịch màng phổi. Ông phải lên viện 108 để điều trị. Tính mạng liệt sỹ trở về lại như ngọn nến trước gió...

Bà Hoàng Thị Thúy, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tiên Lãng báo tin cho tôi: “Ông Được vừa được công nhận là thương binh 1/4, và được huyện cấp 200 mét đất ở quê để làm nhà”...

Tôi đến thăm ông sau khi trở về từ bệnh viện, ông đang mệt nhưng vẫn rít thuốc lào rất kêu và mắt nhìn xa xăm ra cánh đồng vương khói lam chiều. Mắt “liệt sỹ” trở về lúc nào cũng xa xăm như thể ông không thuộc về cuộc sống hôm nay.

Theo Phùng Nguyên (Tiền Phong)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây