Và khi chuyển đến nơi mới thì còn... thê thảm hơn! Hàng trăm hộ dân đang khóc ròng, không biết bám vào ai để kêu cứu…
Bài 1: Bơ vơ tại nơi ở cũ
Hàng trăm hộ dân thuộc hai xã Hương Quang, Hương Điền (huyện Vũ Quang) đang sống trong cảnh không điện, không “chính quyền” quản lý, không cán bộ chỉ đạo sản xuất, hàng chục đứa trẻ không có trường để theo học... Họ cư trú vật vờ ngay trên mảnh đất quê cha đất tổ, nơi mà không lâu nữa sẽ trở thành vùng ngập lòng hồ công trình thủy lợi Ngàn Trươi.
Chưa đền bù vẫn giải tỏa
Tới ngày 14.11.2013, mới có 189 hộ dân thuộc hai xã Hương Quang, Hương Điền thuộc huyện Vũ Quang di chuyển tới khu vực tái định cư Hói Trung (xã Hương Thọ) và khu vực Khe Ná - Khe Gỗ, xã Sơn Thọ. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vùng ngập lòng hồ vẫn chưa được UBND huyện Vũ Quang thực hiện xong.
Hiện vẫn còn 239 hộ dân đang cư trú tại vùng đất bản địa. Người dân cho rằng, chính sách đền bù chưa thỏa đáng, còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do UBND huyện Vũ Quang rốt ráo chuyển toàn bộ trụ sở hành chính, trường học, trạm y tế... hai xã này tới nơi tái định cư cách chỗ ở cũ khoảng 15-30km.
Chính quyền yêu cầu tất cả những hộ đi tái định cư phải chuyển đến Khe Ná - Khe Gỗ (xã Sơn Thọ) và Hói Trung (xã Hương Thọ) trước tháng 9.2013. Nhưng vì sao hàng trăm hộ dân vẫn chưa chịu rời nơi chôn nhau cắt rốn?
Ngôi trường tiểu học Hương Quang bị phá tơi bời (ảnh dưới). Ảnh: Anh Tuấn |
Tìm tới xã Hương Điền khi màn đêm bao phủ, khung cảnh làng mạc ở đây tiêu điều đến ghê rợn. Hàng trăm hộ dân đang sống trong cảnh thắc thỏm chờ mong việc giải quyết đền bù công minh, chi đúng, chi đủ của UBND huyện Vũ Quang.
Ông Đặng Văn Thân - Trưởng thôn Kiều - nói: “Thật lạ kỳ, dự án chưa có tiền vẫn bắt dân đi. Chúng tôi không chống lại chủ trương, đường lối. Nhưng ở đây trách nhiệm của Nhà nước đã hoàn thành mô mà cố tình rút cơ quan hành chính sang khu tái định cư, bỏ mặc bà con sống trong cảnh không có cơ quan chính quyền, đoàn thể thế này”.
Ở xã Hương Quang, toàn bộ trụ sở các cơ quan hành chính cũng đã bị phá dỡ chuyển sang khu tái định cư Hói Trung. Hàng trăm hộ dân bám trụ tại nơi ở cũ sống trong cảnh bơ vơ thế này”.
Chúng tôi mang những thắc mắc về sự ngược đời nói trên của người dân lên gặp ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang kiêm Trưởng ban chuyên trách bồi thường hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang và được trả lời: “Thắc mắc của người dân có lý, thực tế người dân không thể làm kịp.
Bởi có nhiều nhà họ sang bỏ móng rồi để đó chờ chọn ngày mới làm. Mỗi gia đình có dựng xong nhà cũng phải mất 3-4 tháng trời. Hơn thế, thời điểm di dời đúng vào mùa mưa bão nên nhân dân gặp rất nhiều khó khăn...”.
Rõ ràng là ông Phó Chủ tịch huyện Vũ Quang cũng thấu hiểu tình cảnh của bà con hai xã Hương Quang, Hương Điền, vậy nhưng sau đó ông vẫn lý giải nguyên nhân một cách rất vô cảm rằng: “Song ở đây, chúng tôi thực hiện theo kế hoạch tỉnh giao. Đúng ra đến hết tháng 8, người dân phải làm nhà tạm để di dời sang khu tái định cư. Nhưng quá trình kiểm kê mất cả năm trời nên hiện vẫn còn hàng trăm hộ đang trong giai đoạn lập biên bản áp giá, chưa chi trả tiền”.
Triệt đường mưu sinh
Tại nơi ở cũ, đập vào mắt chúng tôi là cảnh làng mạc tiêu điều với những ngôi nhà bị phá nham nhở, xen kẽ có nhiều căn hộ khác với hàng trăm con người đang sống trong hoang mang.
Gia đình ông Lê Văn Thảo (trú thôn Kim Thọ, xã Hương Quang) có cả thảy khoảng 7.500m2 đất nông nghiệp, bình quân mỗi năm mang lại nguồn thu nhập 3,2 tấn lạc, ngô, đậu xanh; ngoài ra ông Thảo còn trồng 100 gốc bưởi Phúc Trạch đang kỳ thu hoạch đạt năng suất 40-70 quả/cây, mang về nguồn thu nhập 50 triệu đồng/năm.
Trường học, trạm y tế di dời về nơi tái định cư khiến việc học tập, chăm sóc sức khỏe cho người dân Hương Điền, Hương Quang bị ngừng trệ. |
Nhưng giờ thì vợ chồng ông đang bỏ mặc đồng ruộng để đầu tư thời gian tìm hiểu các văn bản, bộ luật để tự kiểm chứng xem rồi đây họ có được nhận đầy đủ các khoản đền bù chính đáng không! Tại thôn Tân Điền (xã Hương Điền), người dân có khoảng 22ha đất trồng cây nông nghiệp và các loại hoa màu. Song, việc sản xuất của nông dân cũng bị UBND xã Hương Điền dùng mọi biện pháp ngăn cản.
Anh Trần Quốc Toản (trú thôn Tân Điền) bức xúc: “Suốt hơn một năm qua, 18 hộ dân thôn Tân Điền đang tái diễn cuộc sống của thời kỳ “đồ đá” bởi “nhà đèn” đã cúp điện lưới. Chưa dừng lại, có lần toàn dân thôn Tân Điền xuống đồng sản xuất đã bị lực lượng chức năng do ông Lê Quang Toại và Phan Văn Giáp làm trưởng, phó đoàn đến ngăn cản quyết liệt, giằng xé với người dân đang cày bừa, trồng trỉa lạc trên diện tích đất do bà con canh tác từ nhiều năm qua khi chưa có quyết định thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng. Hành động của họ chẳng khác nào triệt đường mưu sinh của bà con!”.
Nhiều trẻ thất học
Chính quyền hai xã Hương Quang, Hương Điền gấp rút chuyển tới nơi ở mới, cùng với đó là toàn bộ cơ sở trường học, trạm y tế cũng bị tháo dỡ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp dạy dỗ các cháu; đội ngũ cán bộ y tế xã, thôn đều phải nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh chuyển sang nơi tái định cư làm việc trong những căn phòng, những ngôi trường mới nhưng có rất ít người đến khám - chữa bệnh, rất ít học sinh tới trường mỗi ngày. Ngược lại, người dân phải gửi con em của mình về quê, hoặc nương nhờ gia đình bạn hữu dưới xuôi để các cháu được tiếp tục chặng đường đèn sách.
Bà con phản ánh với PV Lao Động rằng: Chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang còn nhiều bất cập nên họ chưa di dời. Ảnh: Anh Tuấn |
Song, thực tế không phải gia đình nào cũng làm được việc đó. Tại hai địa phương nêu trên vẫn còn hàng chục trẻ nhỏ đến tuổi vào mẫu giáo, lớp một thay vì đến trường đang phải ra đồng, lên đồi cùng cha mẹ để bươi đất, bắt dế... Vợ chồng anh Phan Tiến Đạt (người Lào, trú xóm Kim Quang, xã Hương Quang) sinh được 3 con.
Do gia đình thuộc đối tượng ưu tiên nên cháu đầu tên Phan Thanh Đô năm nay bước sang tuổi 11 được Trường dân tộc nội trú Hương Khê nhận về dạy dỗ. Nhưng đứa con thứ hai tên Phan Hải Đăng nay vừa tròn 5 tuổi, đáng nhẽ cháu phải theo học lớp mẫu giáo lớn, song do trường mầm non, cô giáo đã chuyển qua bên tái định cư cách nơi ở cũ tới 30km, nên vợ chồng anh Đạt đành để con ở nhà chơi lêu lổng cùng nhiều trẻ khác trong thôn.
Gia cảnh chị Trần Thị Duyên (ở xóm Kim Thọ, xã Hương Quang) không biết gửi hai con đi đâu nên vợ chồng chị đành cho sắp nhỏ nghỉ học giữa chừng.
Chị Duyên oán thán: “Trong khi con em hai xã phải ly tán khỏi bàn tay chăm sóc của cha mẹ đi tứ xứ để cái đầu khỏi bị “mù” thì những ngôi trường khang trang bên khu tái định cư lại trống rỗng ở nhiều lớp học. Nhìn hai đứa con - đứa lớn Phan Thế Hùng năm ni lên lớp 4, đứa nhỏ Phan Khánh Huyền lên lớp 2 - phải nghỉ học do bất khả kháng, tui đau lòng lắm”.
Ngoài chuyện con em bị thất học, chị Đinh Thị Thích (trú xóm Kim Quang) còn bức xúc cho rằng, họ đã bị “cướp” đi quyền được chăm sóc sức khỏe đối với trẻ nhỏ. “Hai đứa con tôi - Bùi Kim Oanh, năm nay học lớp 4 và cháu Bùi Trọng Tấn học lớp 2 - đang phải tạm thời nghỉ học ở nhà. Chúng không có điều kiện khám - chữa bệnh” - chị Thích nói.
Nghịch cảnh là tại nơi ở mới, những ngôi trường khang trang cùng với đội ngũ giáo viên lên tới hàng chục thầy, cô lại đang hằng ngày “ngồi chơi xơi nước”.
Cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Hương Điền - thừa nhận: Trường thì khang trang thật, so với trước đây nó quá đẹp, có 8 phòng chức năng, 5 phòng học. Song cả tập thể với 2 cán bộ, 5 giáo viên và 1 nhân viên nhưng ở thời điểm chúng tôi tới chỉ có... 8 cháu, trong đó có 4 cháu con cán bộ, 4 trẻ là con em người dân xã Hương Điền theo học, quả thật đáng buồn.
Về việc học tập của con trẻ hai xã Hương Quang, Hương Điền, Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Đình Đức nói: “Kế hoạch đã triển khai, ngày 5.9 khai giảng năm học 2013-2014 tại khu tái định cư. Bà con phải đưa con đến đây nhập học. Việc không cho con tới trường của bậc cha mẹ là vi phạm Luật Giáo dục đấy”.
Qua những lời nói trên cho thấy quan điểm của ông Trưởng Ban chuyên trách bồi thường di dân rất mâu thuẫn. Chính ông thừa nhận người dân không thể làm nhà xong trong vòng hai tháng, giữa mùa mưa bão. Nhưng ông lại đặt ra yêu cầu bà con phải xách ba lô sang khu tái định cư dựng lều để đảm bảo cho con cái họ được đến trường quả là nghịch lý.Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn