Khóc nghẹn cho cô giáo dũng cảm chết trong lũ bị lãng quên

Thứ bảy - 10/06/2017 09:12
Có ai biết rằng trong ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), khi cả nước đang tôn vinh, chúc tụng những người cống hiến cho nghiệp giáo, thì tại một ngôi nhà nhỏ ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), người thân đang khóc thầm. Họ khóc bởi, bốn năm trước, trong cơn lũ lịch sử một cô giáo trẻ, dạy giỏi vì đi cứu sách vở của trường khỏi bị lũ cuốn mà ra đi mãi mãi nhưng đang bị lãng quên.

Chồng, mẹ già và 2 con dại khóc nghẹn trong ngày Nhà giáo Việt Nam vì cái chế của cô Hoa không được ghi nhận xứng đáng. Ảnh: Trần Tuấn

Uất nghẹn mỗi dịp Nhà giáo được tôn vinh

 

Sáng ngày 20.11, trên các ngã đường hoa tươi bày bán ngập phố. Trên tay các học trò là những bó hoa tươi thắm đi chúc mừng, tri ân thầy cô. Chợt nghĩ đến cái chết 4 năm về trước của cô giáo Trần Thị Hoa (SN 1974, ở Trường Mầm non xã Hương Thủy) vì đi cứu tải sản của trường mà bị lũ cuốn trôi, tôi liền phóng xe máy vượt hơn 60 km để đến với gia đình cô

Khi tôi đến cũng là lúc anh Nguyễn Văn Trung (46 tuổi, xóm 6, xã Hương Thủy, là chồng cô giáo Hoa) vừa đi cày ngoài ruộng về. Người anh lấm lem bùn đất từ chân lên đến cổ. Ngồi bên mẹ già 83 tuổi và 2 cô con gái nhỏ dại, anh Trung nghẹn ngào kể lại buổi sáng định mệnh khiến anh mất vợ, con thơ mất mẹ.

"Sáng hôm đó (3.10.2010), vợ tui dậy nói mấy triệu tiền sách vở, đồ dùng của nhà trường mới mua mà lũ lên to thì ngập hỏng hết mất, phải đi cất dọn cho trường. Nói rồi vợ đi. Thấy nước to sợ vợ gặp nguy hiểm, tôi cũng đi theo sau. Lội nước ngang người gần 4 cây số, khi chỉ cách trường chừng 300m thì nước xiết đẩy vợ ngã rồi cuốn đi luôn. Tui lấy tay chụp cứu nhưng không kịp... Mãi đến 3 ngãy rưỡi sau thì mới tìm vớt được vợ lên..." - anh Trung nghẹn ngào. 

Người chồng bên bàn thờ vợ và tấm Bằng khen mà Thủ tướng truy tặng. Ảnh: Trần Tuấn

Mẹ đẻ của anh là bà Trần Thị Thảo (83 tuổi), tóc bạc trắng cũng không cầm được nước mắt. Bà uất nghẹn nói: "Con dâu tui vì đi bảo vệ tài sản của nhà trường mà không may bị lũ cuốn. Nó chết để lại 2 đứa con dại, đứa út khi đó mới 3 tuổi. Đã 4 năm rồi thằng Trung phải sống cảnh gà trống nuôi con, nuôi thêm mẹ già. Khổ thân hắn lắm...". Ngồi bên cạnh bố, cô con gái đầu tên Nguyễn Thị Hằng (17 tuổi, học lớp 12) cũng nước mắt giàn giụa. Em không nói một lời nào nhưng nước mắt cứ tự nhiên tuôn ra. 

Thắp nén hương trước bàn thờ vợ, nước mắt anh Trung lại rơi khi cầm tấm Bằng khen của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng truy tặng vợ anh với dòng chữ "đã có hành động dũng cảm xã thân vì học sinh thân yêu, bảo vệ tài sản trường học trong đợt mưa lũ tháng 10 năm 2010 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh". Cái chết của cô giáo Hoa, được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng khen vào ngày 9.11.2010. 

Cố nuốt buồn đau, anh nói: "Khổ rứa đó chú. Vợ tui vì trường vì lớp mà lao ra giữa nước lũ rồi không thể trở về. Cái chết đó được người đứng đầu Chính phủ công nhận, khen thưởng. Rứa mà 4 năm qua, vợ tôi vẫn không được công nhận là liệt sỹ. Huyện nói vợ tui không được chế độ liệt sỹ vì khi đi không xác định được là có phải đi cứu tài sản nhà trường hay không. Họ nói rứa mà nói được chứ không lẽ vợ tui tự nhiên lội nước lũ ngang người mấy cây số để đi tìm cái chết đúng không chú? Trong khi người khác thì tìm nơi ẩn náu, bảo vệ tính mạng". 

Tấm Bằng khen do Thủ tướng truy tặng vì cô Hoa dũng cảm cứu tài sản rồi ra đi mãi mãi. Ảnh: Trần Tuấn

Rời ngôi nhà nhỏ khi giọt nước mắt vẫn còn đọng lại trên khóe mắt của người thân, tôi tìm đến Trường Mầm non xã Hương Thủy - nơi mà 17 năm qua, cô giáo Hoa cống hiến rồi mất cũng vì nó. Tại đây, tiếng loa máy rộn ràng, băng rôn với dòng chữ "Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam" tung bay trong gió. Các cô giáo ai nấy mặc áo dài thướt tha đang bận rộn cho bữa tiệc kỷ niệm ngày được xã hội tôn vinh cái nghiệp sư phạm của mình. 

Thấy có khách lạ, cô Hiệu trưởng tên Nguyễn Thị Chiên đến chào hỏi. Khi tôi xin nắm thông tin liên quan đến cái chết của cô Hoa thì cô Chiên cho biết mình không rõ vì mới được điều từ nơi khác về làm Hiệu trưởng được ít tháng. Tuy nhiên, qua đồng nghiệp kể lại, cô cũng thương cảm và bày tỏ rất mong muốn cơ quan ban ngành xem xét, sớm công nhận cô Hoa là liệt sỹ.

Không có lệnh điều động đi cứu lũ?

Đi tìm câu trả lời cho những vướng mắc khiến cái chết của cô giáo Hoa chưa được xem xét đúng mực, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy nói: Cũng đã có nhiều cuộc làm việc liên quan để xem xét chế độ liệt sỹ cho cô Hoa. Tuy nhiên, các cơ quan ban ngành cho rằng cô Hoa đi cứu tài sản của trường (theo lời khai của người nhà) không có lệnh điều động của nhà trường, của địa phương nên không đủ cơ sở. 

Nhớ lại cơn lũ lịch sử năm đó, ông Thọ kể, nước lũ về rất nhanh, nhiều nhà dân bị ngập gần đến nóc, hoa màu hư hỏng rất lớn. Một số tài liệu, dụng cụ ở Trường Mầm non cũng bị hư hỏng do bị ngập lụt. Thiệt hại về người thì chỉ duy nhất là cô giáo Hoa.

Ông Bùi Ngọc Du - Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện Hương Khê - cho biết, sau khi Báo Lao Động số ra ngày 20.11.2013 có bài viết phản ánh cái chết của cô Trần Thị Hoa nhưng chưa được xem xét chế độ liệt sỹ, chỉ 8 ngày sau huyện đã tổ chức một cuộc làm việc có nhiều phòng ban liên quan để xem xét. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể công nhận liệt sỹ vì hồ sơ đang bị vướng, thiếu cơ sở.

Ngôi trường mà 17 năm cô Hoa công hiến rồi chết cũng vì nó nhưng không được xem xét thấu đáo. Ảnh: Trần Tuấn

Cái thiếu cơ sở mà ông Du chỉ ra là từ biên bản của lãnh đạo Trường Mầm non xã Hương Thủy không điều động cô giáo Hoa đi chống lũ, cứu tài sản của Trường. "Biên bản của Trường cũng khẳng định nhà trường đã quán triệt các giáo viên không đến trường khi mưa lũ, như vậy cô Hoa mà tự đến là trái quy định" - ông Du phân tích. 

Về vấn đề cô giáo Hoa đã được Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng khen dũng cảm, ông Du cho biết, cái này vẫn chưa đủ cơ sở. Bởi, thời điểm đó không có hồ sơ từ huyện trình lên đề nghị khen thưởng. Do đó, Bằng khen của Thủ tướng cũng chưa xác định được hành động dũng cảm. 

Mấu chốt của vấn đề, ông Du thông tin, cần phải có biên bản sự việc khi cô Hoa bị lũ cuốn. Mà thời điểm đó không có cơ quan nào làm biên bản. "Chúng tôi cũng đặt ra vấn đề bây giờ làm biên bản nêu lại sự việc khi cô Hoa bị nạn có được không nhưng không cơ quan nào dám làm biên bản này. Mà nếu có làm thì cũng phải tiếp tục gửi lên cấp trên xem xét" - ông Du nói. Ông Hoàng Công Lý - Phó Chủ tịch huyện Hương Khê- cũng cho rằng vì cô Hoa đi cứu tài sản Nhà trường nhưng không có lệnh điều động nên không đủ cơ sở công nhận liệt sỹ. 

Rời huyện miền núi Hương Khê mà lòng tôi nặng trĩu, tiếng khóc nghẹn và những đôi mắt đẫm lệ của người thân cô Hoa vẫn ám ảnh tôi mãi. Tôi tự hỏi bản thân, chẳng lẽ khi đi đường gặp một người đang nguy kịch kêu cứu cũng phải xem mình có lệnh điều động hay không rồi mới cứu? Lẽ ra không có lệnh điều động mà tự đi thì còn đáng quý, đáng tôn vinh hơn nữa mới đúng chứ?

Clip tiếng khóc nghẹn của người thân vì uất ức cho cái chết của cô Hoa:






Theo Trần Tuấn Lao động

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây