Những ngày vừa qua, trong vụ việc Công ty Nicotex Thanh Thái chôn hàng chục phuy thuốc BVTV dưới lòng đất, người dân đã phải mất ăn, mất ngủ, dựng lều để bảo vệ hiện trường vụ việc từ đầu đến cuối thì liệu rằng họ có được chấm công? Hay đó chỉ là “trách nhiệm” của công dân trong việc “chung tay bảo vệ môi trường”!
Nhìn lại cuộc truy tìm dấu vết từ những phuy sắt chứa thuốc BVTV đến việc “khai quật” hàng loạt các phuy sắt hoen rỉ nằm sâu dưới lòng đất, không ai nghĩ rằng sức dân lại lớn, lại đoàn kết và … “điều tra” nhanh và giỏi như thế!
Từ chiếc xe tải 36C-03958…
Từ những ngày 18, 19/8, sau khi biết thông tin về công ty Nicotex Thanh Thái có chôn thuốc BVTV dưới lòng đất và đang “âm thầm” chở số thuốc còn lại đi “tẩu tán” thì người dân ở xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thuỷ đã đệ đơn gửi các cơ quan chức năng. Một đơn, hai đơn rồi nhiều đơn nữa của dân gửi lên chính quyền sở tại.
Sự thật dần dần hé lộ
Đơn đã gửi nhưng “tiến trình đào tẩu” của số thuốc BVTV ngày càng nhanh hơn, dồn dập hơn. Thế rồi, rạng sáng ngày 25/8, hàng trăm người dân thuộc các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thuỷ) và xã Yên Lâm (huyện Yên Định) đã hô hào chạy ra đường chặn chiếc xe tải mang BKS 36C-03958 chở thuốc BVTV của công ty Nicotex Thanh Thái không cho đi qua.
Tiếp theo đó, những người dân gọi chính quyền địa phương, lực lượng công an huyện ra cùng nhau kiểm tra số thuốc trên có phải là thuốc đã “hết date” đang đi tiêu thụ không? Mặc dù vẫn đang chờ kết luận của cơ quan chức năng nhưng người dân ở đây không hề “buông lỏng” mà theo sát vụ việc. Và bằng cách thể hiện quan điểm dân nói đúng thì, họ bắt đầu dựng lều, nấu cháo thay nhau bảo vệ “tang chứng, vật chứng”.
Cuộc truy tìm dấu vết có 1 không 2 Việc dựng lều cứ ngày qua ngày. Đến chiều tối 29/8 rồi sáng ngày 30/8, sự bức xúc của những người dân nơi đây đến đỉnh điểm căng thẳng. Cuối cùng cái gì đến nó cũng đến, như giọt nước tràn li, hàng trăm người dân đã ùa vào phía trong của khuôn viên công ty Nicotex Thanh Thái “khai quật” lên hàng chục phuy sắt đựng hóa chất đang nằm sâu dưới lòng đất.
Từng gốc cây, khoảnh đất, không thiếu một chỗ nào mà người dân không nghi ngờ. Bởi theo họ “trong công ty này chỗ nào cũng chôn”. Cứ như thế, nào là xè beng, cuốc, xẻng cứ phầm phập xuống nền đất ẩm, xi măng… nghe như một “giai điệu khai hoang”.
Họ cứ thế mà đào, không có gì cản được họ ngay lúc đó, họ cố gắng đào để để tìm kiếm một cái gì đó mà họ xem hơn cả ngọc ngà. Đó là những phuy sắt – “thủ phạm” mà khiến bao nhiêu người dân nơi đây căm phẫn đến tột cùng.
Và kết quả là hàng chục chiếc phuy sắt đang ẩn mình dưới đất cuối cùng cũng đã “lộ thiên”. Có những phuy sắt bị hoen rỉ do lúc đào va chạm vào bị thủng nên nước từ phía trong cứ tuôn ra kèm theo đó là mùi hôi khó chịu nồng nặc không ai ngửi được.
Đây không phải là cuộc “khai hoang”, nó giống như cuộc “săn tìm khó báu dưới lòng đất” thì đúng hơn, mà những người dân ở đây như những “nhà khảo cổ không chuyên” đang loay hoay chia nhau “lùng” mọi ngóc ngách, từng bụi cây.
Hễ cây nào chết hoặc không phát triển được thì bị đào lên. Theo kinh nghiệm của họ cho rằng cây không sống được vì ở dưới đó “có vấn đề”. Cứ như thế, như thế… từng gói thuốc, phuy sắt đến vỏ chai, gang tay dần dần moi lên khỏi mặt đất.
Đến tối ngày 29/8, họ đào nhiều điểm trong khu vực của công ty Nicotex Thanh Thái thì phát hiện được được một số thùng phuy đựng hoá chất có mùi nồng nặc và kèm theo đó là nhiều gói thuốc BVTV cùng găng tay của công nhân chôn hoá chất đang vùi dưới lòng đất.
Như thế đã rõ. Họ đã đúng, hàng trăm người dân ở đây đã đúng khi khẳng định rằng công ty Nicotex Thanh Thái có chôn một số lượng lớn thuốc BVTV dưới lòng đất mà các cơ quan chức năng qua bao nhiêu lần kiểm tra cũng không hề biết đến!
Chiều tối ngày 29/8, sau khi đào 5 điểm trong khu vực của công ty Nicotex Thanh Thái họ còn phát hiện được 2 điểm có chôn thùng phuy; một điểm chứa nhiều gói thuốc bảo vệ thực vật nhãn hiệu Nitrin 100EC; một điểm phát hiện nhiều vỏ chai nhựa, lắp chai, vòng sắt rỉ; một điểm có nhiều mảnh bê tông vỡ.
Đến ngày 30 và 31/8 họ vẫn kiên trì “khai quật” và tìm thêm nhiều điểm chôn hoá chất nữa. Tại hiện trường, những phuy sắt ước khoảng 200lit bị hoen rỉ vỏ ngoài, nước từ bên trong có màu đen, trắng, vàng và kèm theo đó là mùi thuốc nồng nặc phát tán ra ngoài.
Vậy là không ít thì nhiều, hàng trăm người dân ở đây đã minh chứng được một điều với chính quyền địa phương là các lực lượng chuyên môn những gì họ nói là đúng sự thật. Một lần nữa họ đã đúng!
“Thanh kiểm tra dựa trên…báo cáo công ty” Suốt ròng rã 15 ngày trôi qua, họ không màng tới việc đồng áng, buôn bán mà cứ tụ tập để “minh chứng” một điều gì đó mà họ cho là có thật. Và khi có thật thì họ cần biết tiến trình xử lý như thế nào. Và khi chưa có câu trả lời thoả đáng thì họ lại nghi ngờ. Đó cũng chỉ là những suy nghĩ xuất phát từ sự chất phác của những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Ông Lưu Trọng Quang – PGĐ Sở TN&MT: “Năm nào sở cũng kiểm tra”
Nhìn từ chuỗi dài sự việc xảy ra trong suốt những ngày qua quả là một quá trình gian nan, vất vả. Nhưng đổi lại những gì mất mát họ đã chỉ cho chúng ta thấy một sự thật mà không ai chối cãi được nữa – những phuy hoá chất chôn dưới lòng đất.
Vậy điều gì đã xảy ra trong suốt thời gian qua? Cơ quan chức năng nào kiểm tra, đánh giá tác động môi trường? Nếu họ cứ tin vào vị lãnh đạo của công ty Nicotex thừa nhận chỉ chôn mấy trăm kg thuốc đã được bê tông kiên cố “không làm ảnh hưởng tới môi trường” thì liệu bây giờ vụ việc có “chìm xuồng” và khi công tác đánh giá môi trường của ngành chức năng chỉ là dựa theo văn bản? Thế nhưng, những người sống ở đây họ biết, họ nghe và họ đã làm cho những ai chưa tin thấy đó là sự thật.
Những “nhức nhối” này Sở TN&MT có biết? Có kiểm tra, đánh giá tác động môi trường theo đúng nghĩa của nó?
“Năm nào chúng tôi cũng kiểm tra, nhưng chỉ kiểm tra dựa trên báo cáo tác động môi trường của công ty đưa ra. Bởi họ có thuê đội ngũ cán bộ chuyên môn ngoài cục để phân tích mẫu đất, mẫu nước. Có chỉ số rõ ràng về tác động môi trường” – đó là những gì mà ông Lưu Trọng Quang, PGĐ Sở TN&MT tỉnh Thanh Hoá khẳng định với báo chí.
Được biết, công ty Nicotex Thanh Thái đã đi vào hoạt động vào năm 1999 (trước đây là của Bộ Quốc Phòng, sau này thành lập công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái) hoạt động trong lĩnh vực sang chai, đóng gói thuốc BVTV. Thế nhưng như những gì vị PGĐ Sở TN&MT tỉnh Thanh Hoá “năm nào cũng kiểm tra”, nhưng tại sao không phát hiện được những dấu hiệu bất thường này?
Hay đến “năm 2009 công ty này bị phạt 21 triệu đồng” rồi đến “lần thứ hai phạt được thêm 12,5 triệu đồng nữa về việc không chấp hành đầy đủ cam kết bảo vệ môi trường”? Nếu đã có tiền lệ vi phạm (từ năm 2009 –PV) tại sao các ngành chức năng tỉnh Thanh Hoá không lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích, đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật mà lại căn cứ vào “chuyên môn của công ty thuê”, liệu có đáng tin hay không!
Từ vụ việc này, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi trong công tác quản lý cũng như kiểm tra các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, điển hình là công ty Nicotex Thanh Thái có hay không sự thờ ơ trong việc đánh giá tác động môi trường.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra là của cơ quan chức năng nhưng từ khi xảy ra vụ việc thì người dân lại đóng một vai trò chủ đạo. Từ sớm, họ đã nhanh chóng vào cuộc “điều tra”, lật tẩy số thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường mà công ty Nicotex Thanh Thái đang giấu kín …dưới lòng đất trong suốt thời gian dài mà các cơ quan chức năng không hề hay biết.?!
Ngày 6/9, nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết đã có báo cáo ban đầu về vụ việc chôn thuốc BVTV tại công ty Nicotex Thanh Thái. Theo đó, đến thời điểm này thì lực lượng chức năng và người dân đã phát hiện 10 điểm chôn lấp hóa chất, chất thải, vỏ bao bì độc hại của công ty Nicotex Thanh Thái . Trước đó, ngày 4/9, lực lượng chức năng đã lấy các mẫu đất, hóa chất... bị chôn lấp gửi đi giám định tại Trung tâm kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía bắc thuộc Cục Bảo vệ thực vật. Cơ quan Công an Thanh Hóa ban đầu kết luận: Công ty Nicotex Thanh Thái đã thực hiện không đầy đủ tần suất giám sát môi trường; xây lắp không đúng công trình xử lý môi trường (hệ thống xử lý nước thải) theo quy định pháp luật; làm phát tán mùi hôi nồng khó chịu của thuốc trừ sâu ra ngoài môi trường; chưa có biện pháp xử lý bảo đảm phòng ngừa sự cố trong việc lưu giữ thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn