Mộ Tổng Bí thư Trần Phú tại núi Quần Hội, phía trước khắc câu nói nổi tiếng của ông: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Chí khí Trần Phú bất tử với non sông
Một cá nhân kiệt xuất bao giờ cũng là sự kết tinh của các yếu tố: quê hương – gia đình – thời đại. Trần Phú sinh ra trong một gia đình có truyền thống thi thư, cha là cụ Giải nguyên Trần Văn Phổ, đã tuẫn tiết để phản đối chính sách hà khắc của thực dân. Đức Thọ nói chung, xã Tùng Ảnh nói riêng, là đất địa linh nhân kiệt, đã sinh ra bao danh nhân, anh hùng hào kiệt làm rạng rỡ quê hương dân rộc.
Từ xa xưa, mỗi khi có giặc xâm lăng, người dân Đức Thọ đứng lên theo các lãnh tụ khởi nghĩa đánh đuổi giặc. Đức Thọ cũng là đất phát tích và đứng chân của nhiều cuộc khởi nghĩa lớn. Có những con người yêu nước đã đi vào lịch sử dân tộc như Lê Bôi, Nguyễn Biểu, Lê Ninh, Lê Văn Huân, Phan Đình Phùng, Trần Phú. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có 3.954 người con của nhân dân Đức Thọ hi sinh trên các chiến trường. Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Đức Thọ cùng 14 xã, đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 68 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Truyền thống hiếu học tạo ra một đất Đức Thọ khoa bảng, danh nhân, với nhiều sỹ phu, học giả nổi tiếng như Bùi Dương Lịch, Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Ngọc Phách, Lê Thước, Lê Văn Thiêm, Võ Quý... Sau 1945, Đức Thọ luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích trong giáo dục.
Hai truyền thống hiếu học và cách mạng kết tinh rực rỡ trong con người Trần Phú. Từ thuở ấu thơ, trong hoàn cảnh mồ côi cha mẹ hết sức ngặt nghèo, Trần Phú vẫn luôn cố gắng đạt thành tích học tập xuất sắc. Ông sớm giác ngộ cách mạng, trở thành một trong những người sáng lập đảng Tân Việt. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dìu dắt và được học tập ở trường đại học quốc tế Phương Đông (Moskva), Trần Phú đã nhanh chóng lĩnh hội đường lối cách mạng của chủ nghĩa Mác Lê nin, trở về Việt Nam viết Luận cương chính trị 10/1930 và được bầu Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng lúc mới 26 tuổi!
Bến Tam Soa, Tùng Ảnh, quê hương Tổng Bí thư Trần Phú
Bị giặc bắt, tra tấn vô cùng dã man, Trần Phú vẫn giữ trọn khí tiết trung kiên, trước lúc hi sinh đã để lại câu nói nổi tiếng, nay được khắc trang trọng bằng chữ vàng trước mộ ông ở Tùng Ảnh: “Hãy giữ vừng chí khí chiến đấu!”.
Đức Thọ phát huy chí khí chiến đấu của Tổng Bí thư Trần Phú
Đức Thọ có 28 xã, thị trấn với diện tích tự nhiên 20.300 ha, dân số trên 105.000 người. Đức Thọ là địa phương sản xuất nông nghiệp, huyện đã lãnh đạo nhân dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, sản xuất phát triển khá toàn diện. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 903 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng giá trị chăn nuôi đạt 54,4% trong giá trị sản xuất nông nghiệp; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 70 triệu đồng/ha/năm.
Đức Thọ là địa phương dẫn đầu tỉnh trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Riêng năm 2013 đã huy động được gần 185 tỷ, trong đó vốn lồng ghép, vốn đóng góp của nhân dân và con em xa quê lên đến trên 118 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 3.645 hộ gia đình hiến tặng 323.382 m2 đất xây dựng các công trình.
Đến nay, toàn huyện đã đạt được 243/498 tiêu chí, đạt 47,8%, trong đó, xã Tùng Ảnh - quê hương của đồng chí Trần Phú là một trong bảy xã của cả tỉnh đã hoàn thành 19 tiêu chí.
Trên địa bàn huyện hiện có 97 HTX; 141 doanh nghiệp, 47 tổ hợp tác, 89 mô hình trồng trọt, 470 mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả. Xây dựng được trên 250 km đường GTNT, giao thông nội đồng, 55 km kênh mương, 10 NVH xã, 51 NVH thôn, xóm, 15 trạm y tế đạt chuẩn; phong trào hiến đất phục vụ xây dựng NTM được nhân dân đồng tình cao. Công nghiệp – TTCN - xây dựng tăng trưởng nhanh, nâng tổng giá trị từ 537,97 tỷ năm 2011 lên 1.141 tỷ năm 2013.
Đến nay, trong 31 chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXVIII đề ra, đã có 7 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; thu ngân sách về đích trước 3 năm (năm 2012 đạt trên 106 tỷ đồng); 10 chỉ tiêu đạt từ 80 đến 99% kế hoạch, 9 chỉ tiêu đạt từ 50 đến dưới 80%.
Đức Thọ hôm nay
Hiện 51/70 trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia, hàng năm có từ 600 đến 700 học sinh đậu vào các trường Đại học. Giáo dục, nhân tố con người là nền tảng và động lực, mục tiêu để Đức Thọ phát triển kinh tế - xã hội- ANQP.
Năm 2013, Đảng bộ huyện Đức Thọ là 1 trong 2 đơn vị được BTV Tỉnh ủy công nhận đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được tăng cường đầu tư cả về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất, trang thiết bị; công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân được thực hiện tốt. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Xoá đói giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,5%; hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 620 nhà ở cho hộ nghèo, người có công và các đối tượng khác.
Ông Võ Công Hàm, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy-Chủ tịch HĐND huyện Đức Thọ nói: “Năm 2014 là năm Đức Thọ cùng Hà Tĩnh và cả nước kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của quê hương Đức Thọ - Hà Tĩnh, cũng là năm có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, năm bản lề quyết định thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII. Trong thời gian tới Đảng bộ và nhân dân huyện Đức Thọ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, xây dựng Đức Thọ ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú”.
Nguồn
Quang Đại – Hà Vy