Thời gian qua, người dân xóm Vĩnh Đình và Vĩnh Tân (nay là thôn Tân Đình xã Thạch Vĩnh, Thạch Hà, Hà Tĩnh) vô cùng hoang mang, lo lắng trước sự việc GCNQSDĐ của họ bị "thất lạc".
Nhận được phản ánh của người dân, ngày 24/7, PV đã có sự tiếp xúc với nhiều hộ dân thôn Tân Đình (xã Thạch Vĩnh) để tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Nhiều người dân băn khoăn, lo lắng bày tỏ, họ phát hiện ra sự “thất lạc” GCNQSDĐ là do trong thời gian qua xã Thạch Vĩnh đang thực hiện chủ trương đổi mới GCNQSDĐ (chỉ những gia đình có GCNQSDĐ cũ mới đổi được cái mới).
Bà Thủy (thôn Tân Đình) lo lắng, bức xúc: “Khi nhận được thông báo xã có chủ trương thu lại sổ đỏ để tiến hành làm thủ tục đổi, cấp sổ mới, gia đình tôi nộp sổ đỏ lại cho xóm trưởng để họ chuyển lên xã. Vì chưa hiểu tầm quan trọng của giấy tờ này nên suốt hơn 10 năm chẳng ai hỏi đến, mặc dù sổ cũ đã nộp rồi mà chẳng thấy sổ mới đâu. Mãi sau này, khi cần đến hỏi thì họ nói tìm mà không thấy. Giờ có sổ đỏ mới họ yêu cầu sổ đỏ cũ để đổi, nhưng sổ đỏ ngày trước nộp rồi giờ biết lấy đâu ra mà đổi...”.
“Ngày đó chỉ có một số hộ không nộp, giữ lại sổ đỏ cũ nên giờ đổi sổ mới rồi. Sổ đỏ của tôi giờ không biết nằm ở đâu. Có khi cấp trên chưa có chính sách thu mà họ tự thu, mà cũng chẳng biết họ thu để làm gì. Tôi chỉ sợ mai mốt họ lấy đất, rồi mình biết lấy gì làm căn cứ chứng minh đất này là của mình…” – Một người dân thôn Tân Đình hoang mang.
Theo ông Nguyễn Thi Sơn (thôn trưởng thôn Tân Đình, xã Thạch Vĩnh): Phản ánh của người dân về việc họ bị thất lạc GCNQSDĐ là có thật. Trước đây, khi chuyển đổi ruộng đất, sau đó thu lại, có người thì nộp lại cho thôn, người thì nộp lại cho xã, giờ thì không biết thất lạc ở đâu. Cán bộ thôn cũng như cán bộ địa chính qua nhiều thời kỳ đã thay đổi nhiều người, giờ có sổ đỏ mới mà dân không có sổ cũ để đổi.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Nghệ (Chủ tịch UBND xã Thạch Vĩnh): “Tôi mới làm chủ tịch sau này nên chưa nắm rõ được, chưa được cụ thể, vì khi bàn giao thì các vấn đề có các phòng chuyên môn, vì cán bộ từ ngày đó đến giờ đã thay đổi nhiều người, lúc đó tôi chưa làm việc, chúng tôi sẽ tìm hiểu”.
Còn bà Nguyễn Thị Nga (cán bộ địa chính xã Thạch Vĩnh) thì nói: “Khi tiếp nhận sổ sách, tôi không được bàn giao về về vấn đề này. Năm 2014 mới tiến hành làm cấp đổi sổ đỏ. Đến thời điểm này, đã có sổ đỏ 2 tháng nhưng cấp chưa xong. Cũng có nhiều người dân nói nộp ở UBND xã nhưng khi tìm lục lại thì hộ nào có sổ cũ ở đây đã được cấp đổi sổ mới. Còn nhiều hộ, họ nói nộp ở thôn trưởng và nộp về xã thì thời gian quá lâu rồi, họ không có giấy biên nhận, danh sách, chữ ký… Vậy lấy gì để chứng minh việc này?”
“Có thể họ dùng sổ đỏ để thế chấp, vay vốn các ngân hàng, rồi lại đổ thừa cho việc thất lạc ở xã... Sự việc này chúng tôi sẽ tìm hiểu lại từ đầu, mất thì sẽ lập danh sách báo cáo và đề nghị lên huyện để có hướng giải quyết” – Bà Nga phân trần.
Thiết nghĩ, cả người dân và chính quyền đều phải có trách nhiệm trong việc tìm lại GCNQSDĐ bị thất lạc hơn 10 năm. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn