Hội nghị tập trung đại biểu là cán bộ tư pháp và các sở ngành liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình tại các tỉnh phía Nam.
Một điểm đột phá khác là luật mới không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng cũng không cấm. Luật mới cũng bổ sung quy định về giải quyết hậu quả của việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn rất rõ ràng, cụ thể để có thể giải quyết các vướng mắc pháp lý có thể xảy ra. Ông Hải nhận định: “Nói chung là các quy định hôn nhân mới có cái nhìn thoáng hơn rất nhiều đối với hôn nhân đồng tính, tình trạng nam nữ sống chung như vợ chồng, mang thai hộ…”.
Quan hệ chi phối lớn nhất trong mối quan hệ hôn nhân là chế độ tài sản của vợ chồng cũng được quy định chi tiết hơn trong luật mới. Ông Hải nói: “Quy định mới có điểm đột phá rất lớn là cho phép vợ chồng chọn lựa chế độ tài sản, hướng tới mục tiêu bảo vệ tối đa lợi ích các thành viên trong gia đình. Việc xác định lỗi trong giải quyết ly hôn cũng được quy định chặt chẽ để xác định quyền lợi của các bên khi ly hôn. Đây là điểm mới tích cực vì trước đây lỗi trong hôn nhân chỉ được xác định để làm căn cứ giải quyết ly hôn, nay nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên khi ly hôn”.
Về quy định cho phép lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng, TS Nguyễn Văn Cừ, Chủ nhiệm khoa Luật dân sự, trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá là “quá mở”. Cụ thể, theo quy định mới, vợ chồng khi cưới nhau có thể lựa chọn chế độ tài sản là chỉ có tài sản chung, không có tài sản riêng; hoặc có tài sản chung lẫn tài sản riêng; hoặc chỉ có tài sản riêng. TS Cừ cho rằng: “Nếu vợ chồng mà chỉ có tài sản riêng, tiền ai nấy xài thì còn gì là vợ chồng? Nó làm mất đi tính ổn định của chế độ tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên, nó lại phù hợp với những đại gia nhiều tài sản nên cần phân định rạch ròi khi bắt đầu quan hệ hôn nhân”.
Tại hội nghị, thạc sĩ Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng vụ Gia đình (Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch) có bài tham luận về các nội dung quản lý nhà nước về công tác gia đình trong luật mới này. Trong tham luận, ông Hoa Hữu Vân đánh giá rất cao các nội dung mới, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong lĩnh vực gia đình. Ông nói: “Luật mới làm rõ khái niệm thành viên gia đình, làm cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình ở địa phương thực hiện việc xác định vụ việc bạo lực gia đình, xử lý đối với người có hành vi bạo lực gia đình; thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực gia đình…”.
Tham gia hội nghị, đại biểu đến từ sở Tư pháp các tỉnh thành phía Nam đặt nhiều câu hỏi làm rõ những quy định mới khi ứng dụng vào đời sống, giải quyết các vướng mắc tư pháp khi tòa án địa phương xử lý các vụ án hôn nhân gia đình. Hầu hết các đại biểu đánh giá luật mới có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với thực tiễn, giải quyết được những bất cập đã làm khó ngành tư pháp trong thời gian qua và bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của các thành viên gia đình trong mối quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, luật mới còn chưa được đông đảo nhân dân biết đến, cần có thời gian để phổ biến sâu rộng hơn trong quảng đại quần chúng.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn