Sự việc xảy ra vào khoảng 8h sáng ngày 27/11, khi đoàn cán bộ xã Tùng Lộc gồm Chủ tịch xã, Bí thư, Công an... các ban ngành đoàn thể xã đi ra cánh đồng Nhà Hường để dùng cào phá mạ của hộ nông dân Nguyễn Chỉ Nhụ (64 tuổi, trú xóm 2 Bắc Tân Dân).
Nhiều nông dân xã Tùng Lộc bức xúc trước hành động của đoàn cán bộ xã đi phá mạ của dân. |
Ngay lúc đó, chủ ruộng mạ và một số nông dân đang có mặt trên cánh đồng đã bức xúc chạy đến ngăn cản, có người quá bức xúc đã bốc bùn dưới ruộng ném và dùng thau múc nước hắt vào đoàn cán bộ.
Ông Nhụ cho biết, nguyên nhân ruộng mạ bị cán bộ phá là vì ông bắc giống lúa 1820, loại giống lúa này xã đã cấm không cho nông dân đưa vào sản xuất.
Trong khi đó, ông Nhụ cho biết, loại giống 1820 mà ông đã bắc mạ vẫn cho năng suất cao, bình quân 3,5 tạ/sào.
Còn một số giống lúa khác, trong đó có giống mới Ấn Độ mà xã đang vận động làm thì mùa vụ trước năng suất thấp, bình quân chỉ 1,8 tạ/sào.
Ngoài ra, để làm giống Ấn Độ, người dân phải mua từ nguồn giống của xã với giá 91.000đ/1 gói 0,8 kg là quá cao.
Ruộng mạ mới bắc được 2 ngày đã bị đoàn cán bộ xã đi phá nham nhở. |
Nhiều nông dân có mặt đều khẳng định sẽ tiếp tục bắc mạ để cấy giống lúa 1820 vào vụ mùa này, vì năng suất rất cao, gạo lại bán được giá.
"Ai đời cán bộ lại tập trung lực lượng đi phá mạ của dân. Có luật nào cho phép như thế không?" - một nông dân bức xúc.
"Không cho phép phá mạ của dân"
Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy xã Tùng Lộc, ông Đặng Thọ Liễu thừa nhận có sự việc đoàn cán bộ xã đi phá mạ dân vào sáng 27/11, sau đó có bị người dân hắt nước, ném bùn.
"Chúng tôi phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phải dùng biện pháp mạnh chứ đã tuyên truyền, vận động nhiều rồi mà một bộ phận nông dân vẫn không chấp hành", ông Liễu nói.
Lực lượng cán bộ xã đi có công cụ hỗ trợ để đi phá mạ của dân. Ảnh: Người dân cung cấp. |
Ông Liễu cũng cho biết, bản thân ông cũng bị người dân bốc bùn ném lấm lem khi dẫn đoàn ra phá mạ.
Ông Liễu thừa nhận không có quyết định văn bản nào điều lực lượng đi cưỡng chế, phá mạ của dân, nhưng thực tế lực lượng cán bộ xã có đi phá mạ.
Dù biết không có quyết định nào cho phép triển khai lực lượng đi phá mạ dân, nhưng không Liễu vẫn không thừa nhận đó là hành động sai trái, và kiên quyết sẽ không đền bù thiệt hại cho hộ dân bị phá mạ!
Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc, ông Phan Văn Cường thông tin, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, giống lúa 1820 sẽ không cơ cấu sản xuất nữa, vì là giống dài ngày, năng suất thấp.
Trong khi chủ trương chỉ cơ cấu sản xuất giống mới ngắn ngày, gọi là trà xuân muộn.
Thực hiện chủ trương đó, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân không triển khai gieo, cấy giống dài ngày 1820 nữa.
“Tuy nhiên, chỉ được tuyên truyền, vận động chứ không có quyết định nào cho phép triển khai lực lượng để cưỡng chế, phá bỏ ruộng mạ của người dân”, ông Cường nói.
Được biết, đây không phải lần đầu ở huyện Can Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung xảy ra tình trạng xã đi cưỡng chế phá mạ của dân vì gieo giống lúa “không cơ cấu”.
Theo Trần Văn vietnamnet.vn