Chưa đầy một năm đã “chết”

Bến xe khách huyện Can Lộc nằm ngay mặt tiền QL1A thuộc thị trấn Nghèn, khai trương đi vào hoạt động từ tháng 1.2011. Tuy nhiên, không lâu sau đó bến xe rơi vào tình trạng đìu hiu, rồi “chết”. Sau một thời gian bỏ hoang, hiện đang được nhà xe Văn Minh tạm thuê làm văn phòng bán vé. 

Ngày 25.6, ông Nguyễn Thái Dương - Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn - cho biết, bến xe khách Can Lộc do Cty CP đầu tư thương mại dịch vụ tổng hợp Thanh Cường đầu tư, khai thác. “Nó chỉ hoạt động được khoảng 6-7 tháng đầu khi lực lượng chức năng làm quyết liệt không để xe khách đón, trả khách trên đường. Tuy nhiên, sau đó không quyết liệt thường xuyên được nữa thì xe khách ít vào, khiến bến vắng vẻ rồi ngừng hoạt động” - ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, sau khi dự án ngừng hoạt động, đại diện thị trấn Nghèn đã có ý kiến xử lý. Nhiều cuộc họp giữa thị trấn, huyện và tỉnh đã diễn ra. Chủ trương của tỉnh là thu hồi. Ngày 25.6, ông Trần Mạnh Sơn - Trưởng phòng Công Thương huyện Can Lộc, đơn vị chủ trì việc xử lý dự án - cho biết, hiện tỉnh đã có văn bản giao dự án lại cho xăng dầu Can Lộc mở cây xăng.

“Cầm hơi” kiểu “tháng một vài xe vào bến”

Cách bến xe huyện Can Lộc khoảng 10km về phía bắc là bến xe khách thị xã Hồng Lĩnh tọa lạc trên diện tích 15.000m2, mặt tiền QL1A thuộc phường Đậu Liêu. Bến này cũng đi vào hoạt động tháng 1.2011. Tuy nhiên cũng rơi vào tình cảnh đìu hiu, sống dở chết dở từ lâu nay. 

Anh Trần Phúc Sơn (54 tuổi) - nhân viên duy nhất đang trực tại bến - cho biết, tình trạng bến đìu hiu, thưa thớt xe vào đã diễn ra từ lâu nay. Dù vậy, bến vẫn đang duy trì hoạt động. “Có tháng chỉ một vài xe vào bến. Nhiều ngày liền không có xe vào là chuyện thường” - anh Sơn nói. 

Cũng theo nhân viên bến xe này, xe không vào bến là do nhà xe hẹn bắt, trả khách dọc đường. “Nhiều lúc nhà xe hẹn khách chờ ở bến này. Tuy nhiên, khi xe đến thì họ dừng ngay ngoài đường rồi khách chạy ra lên xe. Thế là chúng tôi cũng chỉ biết đứng nhìn” - anh Sơn ngán ngẩm.

Xe không vào bến khiến nhân viên cũng thất thu khoản dịch vụ bán nước, trái cây, bánh kẹo... trong bến. Để vớt vát đồng tiền lẻ khi khách vào bến mua nước, bánh kẹo, bến xe khuyến khích xe khách vào đón trả khách miễn phí vé. Tuy nhiên, vẫn không “kéo” được xe vào. 

“Việc nhà xe đón, trả khách trên đường là vi phạm quy định dừng, đậu, vi phạm an toàn giao thông. Thế nhưng, nhà xe vẫn chấp nhận đón trả trên đường để chiều lòng khách. Nếu như lực lượng chức năng xử lý nghiêm túc, quyết liệt thì buộc xe phải vào bến thôi” - anh Sơn nhìn nhận.

Ông Lê Dũng Tiến - Trưởng BQL các bến xe khách Hà Tĩnh - cho biết, đối với bến xe khách Can Lộc, tỉnh đã rút giấy phép. Còn bến xe thị xã Hồng Lĩnh vẫn đang duy trì hoạt động dù đang trong tình trạng vắng vẻ, đìu hiu. “Bến xe là dịch vụ công phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Ở thành phố, nhu cầu đi lại nhiều thì đơn vị đầu tư tự thu-chi. Còn đối với huyện nghèo, nếu không xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư được thì Nhà nước cũng phải chấp nhận bù ngân sách để mà duy trì hoạt động vì cộng đồng thôi” - ông Tiến nói.