Cuộc sống sau chấn động: Nỗi đau gia đình 3 người cùng bị tạt axit

Thứ bảy - 10/06/2017 07:30
Ba năm qua đi, ký ức kinh hoàng trong vụ thảm kịch “gia đình axit” vẫn còn nguyên vẹn, khuôn mặt biến dạng, ngờ nghệch chằng chịt vết sẹo của hai mẹ con chị Xuân như một nhân chứng sống của thời gian.
Ám ảnh về ký ức kinh hoàng

Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt lồi lõm của chị Xuân khi nói về Bảo - đứa con trai duy nhất của chị sau buổi tái khám từ bệnh viện trở về. “Tối qua thằng Bảo lại gặp ác mộng, nó la lên: mẹ ơi cứu con, mẹ ơi cứu con… Chẳng thể may vá tiếp, tôi lao lên gác ôm chặt thằng bé vào lòng, không thể ngủ tiếp được. Con gái đầu Thanh Ngọc cũng thức giấc, ba mẹ con chỉ còn biết nhòa đi trong nước mắt”, “Gia đình axit” vẫn sống với nỗi ám ảnh kinh hoàng ấy, dù đã 3 năm trôi qua.




Ánh mắt dịu hiền của chị Xuân dành cho cậu con trai bé bỏng
.

Con hẻm sâu ở quận Gò Vấp (TP.HCM) vẫn luôn nhộn nhịp với cảnh trao đổi mua bán, tiếng cười đùa rộn rã của những đứa trẻ tranh giành nhau quả bóng, viên bi... Thế nhưng, tách biệt với cuộc sống bên ngoài, chị Xuân vẫn cặm cụi bên chiếc máy may. Phía sau là đứa bé với khuôn mặt biến dạng, lặng lẽ cười nói một mình.

Không thể nhận ra cảm xúc của chị Xuân khi ngồi tiếp chuyện, bởi khuôn mặt chằng chịt vết sẹo tạo ra bởi thảm kịch axit. Lặng đi vài giây chị mới có thể nói tiếp, “gia đình tôi có ở ác với ai đâu…vậy mà”.




Chị Xuân cặm cụi nấu ăn cho con.


Một buổi sáng của ba năm về trước, anh Nguyễn Quốc Tuấn (chồng chị Xuân - PV) đang dọn đồ mở quán tạp hóa trước nhà, còn chị ngồi bên chiếc máy may thì bất ngờ có người trùm áo mưa, bịt khẩu trang, đeo kính lao tới, tay cầm ca axit tạt ngay giữa mặt anh Tuấn. Nghe tiếng kêu la của chồng, chị Xuân chưa kịp đứng dậy thì hắn đã bước vào trút axit vào người chị. Con trai Nguyễn Quốc Huy Bảo đang chơi phía sau cũng bị dội một gáo vào mặt. Chị Xuân nhắm nghiền mắt, đau đớn như vẫn còn nguyên vẹn khi nhớ lại giây phút từng thớ thịt trên người chị, chồng và con trai như bị dứt khỏi cơ thể.




Niềm an ủi lớn nhất của chị hiện tại là 2 đứa con nhỏ.


Bị mù cả hai mắt, mất 96% sức lao động, anh Tuấn - người đàn ông vạn vỡ, trụ cột của gia đình giờ đây phải bấu víu mẹ già ở quê nhà Long An. 3 năm qua đi nhưng nỗi ám ảnh kinh hoàng ấy vẫn luôn hiện về trong ký ức của chị và con trai: “Con không đi học nữa đâu, lên lớp không ai chơi với con, tụi nó nói con là thằng mặt quỷ. Về đến nhà, mỗi lần có người lạ hỏi thăm, Bảo không giám nhìn mặt, vội vàng chạy lên gác tìm kiếm một nơi an toàn” - chị Xuân không thể cầm nước mắt khi nói về đứa con trai mình.



Hai mẹ con cùng học bài.


Không thể tưởng tượng khuôn mặt sần sùi, lồi lõm, nhăn nheo biến dạng của người phụ nữ đang ngồi đối diện từng là người con gái có nước da trắng hồng, đôi mắt tròn long lanh với tấm ảnh lưu lại trước thảm kịch được cất giấu trong tủ. Mặc cảm với cuộc sống, mỗi lần có chuyện phải ra ngoài, chị Xuân phải bịt kín khuôn mặt mới đủ can đảm để bước tiếp.

Nghĩ đến con mà sống

Chị Xuân đã sống với một tuổi thơ đầy bi kịch, bị mẹ bỏ rơi khi vừa lọt lòng, cha vội vã tìm hạnh phúc bên người đàn khác, chị sống nhờ sự cưu mang của người bác ruột.




Huy Bảo rất chăm học.



3 năm sau vụ tạt axit, Huy Bảo lao động và học tập vẫn rất khó khăn.

Tuổi thơ ấy khiến chị Xuân luôn dặn lòng phải sống, phải nghĩ đến hai đứa con mà sống. “Cha của chúng đã trở thành người tàn phế. Còn tôi, không được lành lặn nhưng vẫn phải sống để nuôi con thành người” - chị Xuân giải bày. Đau đớn uất hận, nhiều lúc hoảng loạn, chị chỉ biết nghiến răng khi nghĩ đến Dũng - hàng xóm sát vách nhưng cũng là kẻ gây ra thảm họa cho gia đình chị.




Món quà cũng là động lực để chị Xuân sống và làm việc là phần thưởng học sinh giỏi của con trai Huy Bảo.




Người phụ nữ can đảm ngày ngày chăm chỉ làm công việc may vá kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ.

Không muốn nghĩ về quá khứ, thế nhưng mỗi lần chị Xuân đưa con đến trường, nhìn những ánh mắt thơ ngây, khuôn mặt bầu bĩnh, đầy đặn của tụi nhỏ, chị chỉ biết gạt nước mắt khi hình ảnh “biến dạng” trên khuôn mặt con trai mình hiện ra.

Sau tiếng thở dài ngao ngán, chị Xuân nói: “Kêu trời thì trời cao, gọi đất thì đất dày, người ta đã giám định cho hắn bằng căn bệnh điên, không kiểm soát được hành vi của mình, thì nói sao được nữa. Giờ đây, ba mẹ con chỉ dựa vào chiếc máy may cũ, thu nhập bấp bênh”. Nỗi đau về thể xác vẫn hành hạ chị Xuân suốt 3 năm qua, nhưng nghĩ đến tương lại của con sau này, chị chỉ biết gạt đi nước mắt để cặm cụi sáng tối bên chiếc máy may.
Theo kênh 14

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây