Và bây giờ, cứ ở đâu có vấn nạn “thanh niên côn đồ” là người ta lại gọi chuyện "Làng Nhô” ở tỉnh này, huyện kia.
“Thanh niên côn đồ” là nỗi ám ảnh, lo sợ của bất cứ người dân nào.
Hành xử kiểu côn đồ, gây rối an ninh trật tự xã hội, giết người không run tay đang “nở rộ” ở nhiều địa phương.
Thanh niên làng này cấm cửa yêu gái làng kia, chỉ cần bước chân qua là đánh, là giết.
Mới đây, 8 thanh niên không còn ở tuổi non nớt, mới lớn, “ăn chưa no, lo chưa tới”, chỉ vì ô tô của 2 luật sư đi vào làng gây bụi, mà cả nhóm phục kích tới mấy tiếng đồng hồ chờ khi xe đi ra để đánh hội đồng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Otofun)
Trước đó, dư luận vẫn còn đau đáu với câu chuyện cậu học trò ngoan hiền Nguyễn Quang Hưng, đậu 2 trường đại học, vừa nhận giấy trúng tuyển thì đã bước chân vào trại giam vì trọng tội giết người.
Một buổi liên hoan chỉ là hoa quả, chia tay bạn bè đỗ đại học ở cây cầu đầu làng. Cả ba đang vui vẻ trò chuyện thì một nhóm thanh niên đi qua trêu ghẹo, có biểu hiện sàm sỡ với một nữ sinh.
Cả ba im lặng, đứng lên ra về cũng không thoát được nhóm thanh niên có máu côn đồ. Cả ba bị rượt đuổi, bị đánh, dồn vào ngõ cụt, sẵn con dao đem theo gọt bưởi, Hưng đã khua dao phòng vệ, một thanh niên vẫn như con thiêu thân lao vào đánh Hưng đã trúng mũi dao.
Pháp luật cũng rất công bằng với cậu học sinh. Hưng đã được trở lại trường đại học.
Những lần về quê mới thấy một bộ phận thanh niên ở nông thôn đang “không có lối thoát”.
Việc làm thì bấp bênh, nay có mai không, sinh hoạt tập thể duy nhất là tụ tập. Không nhậu nhẹt thì bài bạc, hoặc đi lang thang để giết thời gian. Vậy, nên mới mới sinh chuyện ngồi buồn quá, lấy đá ném ô tô cho vui.
Nghe những lời thú tội ngây thơ của những trai làng vừa thấy giận, vừa thấy thương.
Thương vì thanh niên nông thôn đang bơ vơ, thiếu điểm tựa tinh thần. Với họ chỉ có văn hóa nhìn mà văn hóa nhìn thì đầy rẫy những chuyện ảnh hưởng nhanh với tuổi mới lớn, thiếu hiểu biết về pháp luật, nên dễ manh động, vi phạm pháp luật mà không hề hay biết.
Các tổ chức đoàn thể ở nông thôn thì sinh hoạt vừa “nghèo nội dung, yếu chất lượng”, không đủ hấp dẫn với thanh niên. Số đông thanh niên sống tại các vùng quê không tham gia các tổ chức này.
Có thể thấy, chúng ta đang hoang phí một lực lượng lao động có sức khỏe ở nông thôn, khi mà thanh niên nông thôn vẫn bấp bênh với việc làm.
Một con số khiến chúng ta không khỏi giật mình khi báo cáo của Thủ tướng đưa ra: 70% dân số tham gia làm nông nghiệp, nhưng chỉ có 18% GDP, trong khi khối công nghiệp và dịch vụ chỉ chiếm 30% dân số, nhưng lượng sản phẩm lại chiếm tới 82% GDP.
Con số đó cho thấy chúng ta đang thừa một lực lượng lao động rất lớn ở khu vực nông thôn. Trách nhiệm cơ cấu lại “cán cân” lao động này thuộc về ai, trong khi các bộ, ngành chức năng vẫn loay hoay với bài toán: "Việc làm cho thanh niên nông thôn" mà vẫn chưa có lời giải vững chắc.
Thanh niên nông thôn đang thực sự chơi vơi. Đừng để những lao động trẻ của đất nước, giết tuổi xuân bằng những tệ nạn xã hội.
Mỗi lần về quê là lại thấy hiển hiện một bức tranh về “đời sống thanh niên” không mấy sáng sủa.
Thanh niên làm giàu từ ruộng đồng vẫn chỉ là con số quá nhỏ nhoi so với lực lượng hùng hậu đang có.
Việc làm cho thanh niên nông thôn ở chính mảnh đất quê hương vẫn là giấc mơ xa vời vợi, vẫn chỉ nằm trên những bản báo cáo là chính.
Có lần nói chuyện với một quan chức ở Bộ LĐTBXH, tôi bày tỏ nỗi lo về việc làm cho thanh niên nông thôn, thì vị quan chức ấy thở dài thườn thượt: "Đến cử nhân còn thiếu việc làm nói chi đến thanh niên nông thôn".
Trách chi, đất nước vẫn chưa thoát được cảnh nghèo khó, khi lực lượng lao động lại dư thừa, phải… xuất khẩu cho các nước.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn