Cảm động chuyện “liệt sĩ” trở về đúng ngày giỗ mình sau hơn 50 năm báo tử

Thứ bảy - 10/06/2017 12:50
Đùng một cái, nửa thế kỷ trôi qua, liệt sĩ năm xưa đột ngột trở về. Cuộc trùng phùng khó tin nhưng có thật diễn ra trong thật nhiều xúc cảm lẫn lộn.
Năm 1964, người thân nhận được giấy báo tử, công nhận liệt sĩ của ông Hương. Thời gian trôi qua, ngày nhận giấy báo tử được xem như ngày giỗ kỵ, cả gia đình tề tựu khói hương cho “người đã khuất”. Thế rồi đùng một cái, nửa thế kỷ trôi qua, liệt sĩ năm xưa đột ngột trở về. Cuộc trùng phùng khó tin nhưng có thật diễn ra trong thật nhiều xúc cảm lẫn lộn. Trong bữa tiệc tổ chức đúng… ngày giỗ của mình, ông Hương đã kể lại hành trình chết đi sống lại và khoảng thời gian phiêu bạt nơi đất khách.

Người thân gia đình ông Hương kể lại cuộc trùng phùng hiếm có sau thời gian dài xa cách.

Sống sót kỳ diệu sau 72h lênh đênh trên biển

Ông Hồ Xuân Hương đoàn tụ gia đình sau hơn 50 năm.

Được biết, sau khi ông Hồ Xuân Hương bỗng dưng trở về sau hơn 50 năm không hề liên lạc với gia đình, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ở Quảng Bình cũng đã đến thăm hỏi, động viên, chia vui cùng gia đình đồng thời cũng đang xác minh, tìm hiểu sự thực việc ông mất tích từ ngày bị địch bắt như lời kể của ông cho đến nay. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ làm các giấy tờ thủ tục pháp lý cho ông theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 16/4/2015, như thường lệ, người thân gia đình lại làm mâm cơm, thành tâm tưởng nhớ ông Hồ Xuân Hương. Hơn nửa thế kỷ qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng xúc cảm nhớ thương với người anh liệt sĩ trong ông Hồ Văn Khanh (thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình-PV) vẫn còn nguyên vẹn. Thế nhưng đúng vào lúc khấn vái xong xuôi, cả gia đình đang chuẩn bị dọn mâm cơm xuống ăn uống thì từ ngoài ngõ, một tiếng gọi lớn vọng vào. Như có linh tính mách bảo, ông Khanh buông rơi đũa, chạy vội ra ngoài. Nhìn thấy người đàn ông đứng trước mắt, dù qua bao dâu bể thời gian, ông vẫn nhận ra đó là người anh liệt sĩ…

Buổi tối hôm đó, nhà ông Khanh sáng đèn ra đến tận ngõ. Những dãy bàn ghế được kê ra để phục vụ bà con, đồng đội cũ của ông Hương đến trà nước chúc mừng. Ngày này 50 năm trước, cả gia đình ông Khanh ngập trong đau thương khi nhận giấy báo tử của anh trai. Còn hôm nay, nỗi đau ấy hóa thành niềm vui trùng phùng, khi ông Hương “từ cõi chết trở về”. Nhìn người thanh niên năm xưa nay tóc sương điểm bạc, da dẻ đồi mồi, nhiều người phải dụi mắt, nắm thật chặt tay hỏi lại chuyện xưa mới dám tin. Còn đối với gia đình ông Khanh, chưa bao giờ họ được cảm nhận niềm vui tột cùng đến vậy. Nhớ lại ngày đoàn tụ đó, ông Khanh nghẹn ngào: “Sau khi nhập ngũ, mỗi tháng anh Hương đều biên thư về nhà. Nhưng đến đầu năm 1964 thì gia đình đứt hẳn liên lạc. Tháng 4 năm đó thì nhận được giấy báo tử. Thấm thoát hơn 50 năm trôi qua, tôi chẳng còn hy vọng nào nữa. Giờ gặp lại, anh chị em chị biết ôm nhau nức nở như thuở còn con nít”.

Ông Hương vốn là con đầu trong một gia đình đông anh chị em. Năm 16 tuổi, ông Hương làm công nhân vườn ươm rồi chuyển về đóng tàu ở Phà Gianh. Sau đó, ông  được tuyển chọn vào Đại đội vận tải đường biển số 27. Trải qua những đợt huấn luyện cấp tốc, ông Hương được tuyển vào lực lượng xung kích vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường. Giữa năm 1964, trong một chuyến chở vũ khí ra đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), tàu vận tải của đơn vị ông Hương bị địch tập kích bắn chìm trên biển. Đồng đội trên tàu hy sinh hết, chỉ còn mình ông bị thương nặng bám vào được mảng thuyền bị vỡ và lênh đênh trên biển suốt 3 ngày đêm. Mấy ngày sau đó, tàu địch phát hiện và ông bị bắt giam tại Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Sau đó, ông bị đưa vào đồn Mang Cá (TP. Huế), vào Đà Nẵng rồi bị đày ra đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Trải qua một loạt nhà tù, bị giam cầm, tra tấn dã man nhưng ý chí kiên định và khát vọng sống mãnh liệt đã không làm ông Hương gục ngã. Tuy nhiên, người chiến sĩ cách mạng đã bị những đòn tra tấn của quân địch cướp mất trí nhớ sau hàng chục lần chết đi sống lại ở nhà tù Phú Quốc.

Nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng trong nhà tù, ông cho hay: “Khi bị địch bắt giam, bọn chúng đánh đập dã man, nhốt trong xà lim sắt, mỗi ngày chỉ cho một bát cơm nhỏ để cầm hơi. Kinh hoàng nhất là chúng dùng dây xỏ vào lỗ tai tôi rồi chích điện. Ngất lên ngất xuống tưởng chừng không sống nổi. Đến ngày được thả tự do thì tôi không còn nhớ gì về mình nữa ngoài cái tên giả Nguyễn Thanh sống ở Vĩnh Linh làm ngư dân đánh cá, cứ khai đi khai lại suốt 10 năm với địch”. Vì vậy khi ra khỏi tù, ông mang tên Nguyễn Thanh hoàn toàn xa lạ. Nhiều lần ông cũng tìm cách để liên lạc với đơn vị, gia đình nhưng đều không thành công.

Sau đó, bước đường lưu lạc đưa ông đến khu vực Hố Nai (nay là Phường Hố Nai, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) mưu sinh. Tại đây, ông được một người phụ nữ lớn tuổi quê miền Bắc thuê làm mấy việc vặt trong nhà. Thấy ông hiền lành, bà chủ nhà mai mối cho ông Hương lấy bà Hà Thị Đỏ (năm đó mới 18 tuổi-PV) làm vợ. Từ đó, vợ chồng ông Hương dắt nhau về làm rẫy ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom, tình Đồng Nai) cho đến tận bây giờ mà không hề nhớ gì đến quê hương.

Lại nói về người thân ở quê nhà, sau khi nhận giấy báo tử của ông Hương, họ đành chấp nhận sự thật người thân đã không còn trên cõi đời này. Cũng kể từ đó, gia đình lấy ngày nhận giấy báo tử làm ngày cúng giỗ cho ông Hương. “Khi mạ (mẹ) tui còn sống, còn có tiền chế độ liệt sĩ của anh Hương để làm giỗ, khi mạ  tui mất thì tháng chỉ còn được mấy chục ngàn đồng mua hương khói. Vì vậy mỗi lần giỗ anh, chúng tôi lại góp tiền làm, ai cũng nghĩ anh đã thiệt thòi mất ở chiến trường nên không khỏi xót thương. Vì vậy, ngày giỗ của anh bao giờ cũng được làm hết sức tươm tất”, bà Lê Thị Chanh, em dâu ông Hương kể chuyện.

Ông Hương trở về cố hương khi tờ giấy công nhận liệt sĩ đã úa màu theo thời gian

Tìm lại ký ức sau một trận ốm

Suốt mấy chục năm trời, ông Hương sống cùng vợ và 4 người con ở nơi đất khách quê người, không một chút hồi ức về quê hương, tuổi thơ. Giữa năm 2013, ông Hương bất ngờ bị một trận sốt kéo dài. Trong lúc mê man, ông Hương chợt nhớ lại một vài ký ức hồi bé. Rồi những kỷ niệm về tuổi thơ, quê hương ở thôn Lý Nhân Bắc trong ông cứ thế nối nhau hiện về như thước phim quay chậm. Lúc này, ông chỉ ao ước được trở về quê hương, tìm lại người thân mấy chục năm xa cách. Cơ hội hồi hương của người đàn ông này được chắp nối khi cô con gái út có một đồng nghiệp người Quảng Bình. Những hôm được nghỉ làm, cô gái này thường đến nhà ông Hương chơi và kể về quê quán.

Những câu chuyện của cô gái đó đã gợi lại dần dần cho ông Hương nhớ về các anh chị em. Lúc này, trí nhớ của ông đã tốt đến mức có thể miêu tả lại toàn bộ căn nhà mình sinh ra và lớn lên. Chỉ có điều, ông lại nghĩ người thân qua nhiều năm có thể đã qua đời trong bom đạn chiến tranh. Hiểu rõ tâm nguyện của ông, cô gái kia đã gọi điện về cho bố mình là ông Nguyễn Đình Chiến (ở thôn 6, xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch) nhờ vào thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch tìm cô Hồ Thị Ngùy (chị gái ông Hương, người mà ông hay nhắc tên - PV). Sau khi biết chắc người thân của mình vẫn còn sống, ông Hương âm thầm lên kế hoạch sẽ về quê.

Ngày 16/4, ông đáp chuyến bay từ TP. HCM ra Đồng Hới. Cùng thời điểm ấy tại nhà ông Khanh, mấy chục người thân, họ hàng đang làm mâm cơm tưởng nhớ ông, như bao năm qua vẫn vậy. Bước chân đến cổng làng, ông Hương dừng lại, bốc một nắm đất lên. Mùi vị quê hương qua chiến tranh, qua bao thăng trầm cuộc sống vẫn gần gũi, thân thương quá. Ông xúc động đến rơi nước mắt. Khát vọng trùng phùng khiến ông bước đi như quên cả tuổi già, quên cả nỗi mệt nhọc theo con đường làng về nhà mình. Chuyện anh em ông đoàn tụ sau đó thì không cần phải tả nữa.

Hay tin ông Hương trở về quê hương bằng xương, bằng thịt, rất đông bà con lối xóm kéo đến chia vui cùng gia đình. Tối hôm đó, anh chị em ông Hồ Văn Khanh lại gom góp mổ con heo 120kg để làm cỗ mừng người “hy sinh” hơn 50 năm trở về. Chị Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1978) con gái thứ 2 của ông Hương, người đưa ông về quê chia sẻ: “Ba tôi thường nói mình quê ở Quảng Trị. Thực ra không biết do trong tù, ông bị đánh đập hay sao mà trí nhớ kém lắm. Khi biết được thông tin về anh chị em của ba tôi ở xã Đại Trạch chúng tôi đã họp gia đình lại và bàn nhau mua vé máy bay đưa ba ra Quảng Bình. Nếu không tìm được thì cũng coi như đưa ba đi một chuyến du lịch vậy, bởi mấy năm gần đây, thấy ba tôi cứ buồn buồn, đặc biệt là các dịp lễ Tết. Giờ trùng phùng rồi, chúng tôi cũng hạnh phúc như ba, khi biết mình còn có một quê hương”.    

Theo Kim Long - Hoà Nguyễn (Báo Gia đình & Xã hội)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây