Bất chấp quyết định tháo dỡ, cơ sở chế biến chè vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động

Thứ bảy - 10/06/2017 10:16
Trước những sai phạm như: không có vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở chế biến trên đất vườn khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép và mặc cho chính quyền nhiều lần ra quyết định đình chỉ xây dựng, tháo dỡ trước 20/12/2013, nhưng đến nay cơ sở chè của gia đình ông Phạm Đăng Khoa (xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn đang tiếp tục vận hành sản xuất, thách thức các quy định của pháp luật.


Cơ sở chè của gia đình ông Phạm Đăng Khoa (xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn đang tiếp tục vận hành sản xuất, thách thức các quy định của pháp luật

Báo Đời sống & Tiêu dùng số 91 có bài "Cơ sở tư nhân không hợp pháp tranh giành vùng nguyên liệu" phản ánh tình trạng cơ sở chế biến chè tư nhân không hợp pháp được xây dựng trong vùng quy hoạch của Xí nghiệp chè Tây Sơn dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán nguyên liệu.

Theo báo cáo UBND xã Sơn Kim 2 “cơ sở chế biến chè tư nhân của ông Phạm Đăng Khoa xây dựng trên diện tích 780m2 (26m x 30) thuộc thửa đất 195, tờ bản đồ số 2, tổng diện tích 2.600m2 (trong đó 300m2 đất ở, 2.300m2 đất vườn) đã được UBND huyện Hương Sơn cấp giấy chứng nhận V331451 cho ông Phạm Văn Giáp (là bố đẻ ông Khoa) với mục đích sử dụng làm đất ở, đất vườn, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyễn đổi sang mục đích kinh doanh”.

Trong khi đó, giấy phép kinh doanh số 28E8004399 của ông Phạm Đăng Khoa do Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cấp ngày 29/7/2014 ghi rõ các ngành nghề kinh doanh gồm: “Mua bán, sản xuất, bảo quản chế biến hàng nông sản các loại, kinh doanh vật tư nông nghiệp, buôn bán tổng hợp, bia, nước giải khát, điện tử, điện lạnh”. Chiếu theo giấy phép này, việc sản xuất chế biến, kinh doanh, tiêu thụ chè của cơ sở này là không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Trần Công Lệ - Giám đốc Công ty CP chè Hà Tĩnh cho biết, sau khi nhận được thông tin từ Xí nghiệp chè Tây Sơn, công ty này đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở chế biến của hộ gia đình anh Khoa tại thôn Làng Chè xã Sơn Kim 2, các bên đã có sự tranh mua bán nguyên liệu chè búp và có tình trạng một số thanh niên đi mua chè đã ném đá hăm dọa đốt nhà cửa anh Phan Trọng Hải (Đội trưởng Đội 3) và anh Phan Quốc Việt (Đội trưởng Đội sản xuất vùng 4&5) thuộc Xí nghiệp chè Tây Sơn.

Liên quan đến việc này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ rõ những sai phạm của cơ sở chế biến chè tư nhân của hộ gia đình ông Phạm Đăng Khoa tại thôn Làng Chè xã Sơn Kim 2.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc xây dựng cơ sở chế biến chè (khoảng 600m2) trên đất của ông Phạm Văn Giáp (GCNQSD đất số V331451 do UBND huyện Hương Sơn cấp ngày 31/12/2002) nhưng chưa được cấp có thẩm quyền chuyển mục đích đất sử dụng từ đất ở, đất vườn sang đất kinh doanh.


Văn bản của UBND Tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ những sai phạm của cơ sở chè tư nhân nằm ngoài vùng quy hoạch

Hơn nữa, việc xây dựng cơ sở chế biến chè không nằm trong vùng quy hoạch theo Quyết định số 1744/QĐ – UBND ngày 18/6/2012 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch mạng lưới bảo quản chế biến nông lâm thủ sản và ngành nghề nông thôn giao đoạn 2011 – 2015 định hướng 2020.

Vùng nguyên liệu ông Phạm Đăng Khoa có ký hợp đồng với 50 hộ dân với diện tích 2,8 ha nhưng không được UBND xã xác nhận. Vì việc xây dựng cơ sở chế biến chè của ông Khoa không nằm trong vừng quy hoạch, vi phạm chỉ thị số 711/CT-BNN-BVTV ngày 01/3/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặt khác quy mô nguyên liệu 2,8ha không dáp ứng đủ công suất chế biến của cơ sở dang đầu tư xây dựng.

Mặc dù cơ sở này đã được Ban quản lý Khu kinh tế, UBND huyện Hương Sơn, UBND xã Sơn Kim 2 và các cơ quan đơn vị liên quan nhắc nhở, lập biên bản vi phạm nhiều lần và yêu cầu dừng thi công, tự tháo dỡ nhưng ông Phạm Đăng Khoa không chấp hành, vẫn tiếp tục xây dựng nhà xưởng và lắp đặt các thiết bị cơ sở chế biến.

Ngày 5/1, trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Tiêu dùng, ông Võ Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, huyện đã nhận được thông báo của tỉnh về vụ việc tranh mua bán nguyên liệu trên địa bàn xã Sơn Kim 2, đến thời điểm này, huyện Hương Sơn đang tích cực tuyên truyền vận động để hộ gia đình ông Phạm Đăng Khoa hiểu về các điều khoản trong kinh doanh.

"Trong trường hợp ông Khoa mong muốn thành lập cơ sở, UBND huyện Hương Sơn luôn ủng hộ nhưng phải dời ra khỏi vùng nguyên liệu thuộc Xí nghiệp chè Tây Sơn, trường hợp chống đối sẽ thực hiện việc cưỡng chế, tháo dỡ" - Chủ tịch huyện Hương Sơn nói.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc.

Theo Doãn Đạt Đời sống & Tiêu dùng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây