TS. Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) cho biết, theo đề xuất, “ngoại lệ” chỉ được áp dụng cho những trường hợp rất đặc biệt, có thể dưới 18 nhưng trên 16 hoặc 17 tuổi.
Chỉ cho phép nữ giới hay cả hai?
Theo TS. Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp), hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất này.
Một số ý kiến cho rằng, quy định "ngoại lệ" chỉ áp dụng cho nữ giới ở một số dân tộc thiểu số có tập quán tảo hôn. Một bộ phận lại đề xuất, phải áp dụng với cả nam lẫn nữ chứ không thể chỉ một giới.
“Nhưng ý kiến khác nêu vấn đề, thực tế ở dân tộc Kinh, có người 16 tuổi đã có con. Tại sao lại chỉ áp dụng ngoại lệ cho dân tộc thiểu số?” – Ông Huệ nói.
Ông Huệ lấy ví dụ về trường hợp đặc biệt của người Kinh: Một cô gái 17 tuổi có thai, buộc phải cưới. Theo luật, cô gái này phải đủ 18 tuổi mới được kết hôn. Nhưng nếu cả 2 bên gia đình đồng ý, cô gái này sẽ được kết hôn.
Một bà mẹ trẻ có con nhỏ (Ảnh minh họa: QĐND)
Từ đó có 2 phương án gây tranh cãi. Một là chỉ cho phép "ngoại lệ" với nữ ở dân tộc thiểu số. Hai là áp dụng cho nam lẫn nữ ở mọi dân tộc. Tuy nhiên, theo ông Huệ, đây mới chỉ là một trong các phương án đề xuất. Hiện chưa có quyết định cuối cùng phương án nào sẽ được đưa vào luật.
TS. Huệ cũng cho hay, phong tục tập quán nào (trong đó có "ngoại lệ" tuổi kết hôn) được chấp nhận áp dụng trong hôn nhân gia đình sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
16 tuổi đã đủ năng lực hành vi?
Trao đổi với PV, luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh, Hà Nội) cho rằng, cho phép ngoại lệ với một số trường hợp vẫn cần phải rà soát, đối chiếu lại rất nhiều luật liên quan. Trong đó, có luật bảo vệ quyền lợi trẻ em, các quy định về tuổi vị thành niên,...
Luật sư Dũng phân tích: Theo luật hình sự, dưới 18 tuổi được coi là vị thành niên, nếu phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự ít hơn so với người trên 18 tuổi. Vì sao người dưới 18 tuổi chỉ chịu mức án thấp hơn? Vì luật pháp coi người vị thành niên là người có năng lực hành vi chưa đầy đủ.
"Chưa đủ năng lực hành vi thì đã đủ điều kiện để lấy vợ, lấy chồng hay không?" - Luật sư Dũng đặt câu hỏi.
Ông Dũng nếu một ví dụ khác là hành vi mua dâm. Mua dâm người trên 18 tuổi là không phạm tội nhưng dưới 18 tuổi lại là phạm tội. Lý do điều này cũng là phụ nữ dưới 18 tuổi chưa đủ nhận thức. Vậy dưới 18 tuổi đã đủ nhận thức để kết hôn, quan hệ tình dục, sinh con đẻ cái?
Theo vị luật sư cho, nếu các nhà làm làm luật nhận thấy quy định về độ tuổi hiện nay đã lỗi thời, sẽ phải điều chỉnh rất nhiều văn bản luật liên quan khác, không chỉ mỗi độ tuổi hôn nhân.
“Có thể cho phép "ngoại lệ" trong hôn nhân, nhưng vẫn phải xem xét toàn diện những vướng mắc trong luật và cả những góc độ xã hội, tâm sinh lý,...” – Luật sư Trịnh Anh Dũng kết luận.
Trong dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), Bộ Tư pháp đề xuất hạ độ tuổi được phép kết hôn của nam giới từ 20 xuống 18, bằng với nữ giới. Mặt khác, Bộ Tư pháp cũng đề xuất "cho phép áp dụng tập quán trong hôn nhân". Điều này có nghĩa là các vùng dân tộc thiểu số được áp dụng tập quán kể cả khi "pháp luật có quy định nhưng các bên tự nguyện thực hiện". Tất nhiên việc kết hôn vẫn phải tuân thủ đúng nguyên tắc một vợ một chồng. Phương án này được các đại biểu Quốc hội tán thành.
Mặc dù vậy, vướng mắc lớn nhất hiện nay là tảo hôn ở một số vùng dân tộc thiểu số. Ở Việt Nam, kết hôn sớm theo tập quán từ xưa đến nay vẫn khá phổ biến ở một số vùng, miền.
Nếu cho phép áp dụng tập quán kể cả khi "pháp luật có quy định nhưng các bên tự nguyện thực hiện", sẽ phải cho phép tảo hôn. Tảo hôn lại là hành vi bị cấm trong Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn