Việc các hộ dân chây ỳ, cố tình không chịu di chuyển trong khi chính quyền vẫn chưa có biện pháp quyết liệt nào để giải quyết triệt để vấn đề đã gây nên nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học...
Theo thông tin từ chính quyền Hà Tĩnh, hiện tại có đến 36 hộ dân đang xâm canh tại khu vực Khe Chè do Vườn Quốc gia Vũ Quang quản lý.
Phần lớn, các hộ đang xâm canh ở đây đã có mặt từ những năm 1974-1995, trước khi Vườn Quốc gia Vũ Quang được thành lập (năm 2002). Các hộ xâm canh ở đây đã làm lán trại ở thường xuyên và mỗi hộ có từ 1-4 ha đất để trồng sắn, ngô, keo và chăn nuôi trâu bò...
Anh Nguyễn Văn Điệp (thôn Thượng Kim, xã Sơn Kim 2) cho biết: Gia đình tôi sinh sống ở đây đã 3 thế hệ rồi, chúng tôi vào đây từ khi Vườn chưa thành lập, giờ chúng tôi đi cũng dở, ở cũng không xong. Ở đây còn có nhà cửa, vườn tược mà sản xuất chứ ra ngoài chúng tôi không biết làm gì để sinh sống...
Không riêng gì gia đình anh Điệp, bà Nguyễn Thị Hợi chia sẻ: “36 hộ dân chúng tôi sống bao đời nay ở Vườn Quốc gia này, giờ chúng tôi chỉ mong muốn là được định cư lâu dài ở trong này để chăn nuôi sản xuất và sinh sống qua ngày, giờ ra ngoài tay trắng lại không có hỗ trợ gì chúng tôi biết sống ra sao?”.
Anh Phạm Đức Hiếu, Trạm Trưởng trạm Kiểm lâm Khe Chè - Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết:
“Mong muốn của hàng chục hộ dân sống trong Vườn Quốc gia Vũ Quang là được ở lại và định cư lâu dài để ổn định phát triển sản xuất. Tuy nhiên điều đó là không thể đáp ứng được.
Trước mắt, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã phối hợp với địa phương và tập trung tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực Khe Chè”.
Đến nay, việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bảo tồn là vấn đề hết sức cấp thiết nhưng cái khó để chưa thể đưa họ ra ngoài khu vực được vì nguồn kinh phí để xây dựng khu tái định cư không phải là nhỏ, ông Hiếu cho biết thêm.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực Khe Chè, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), Vườn Quốc gia Vũ Quang đã xây dựng rào chắn ngay tại lối ra vào rừng. Cách làm này để kiểm soát người ra vào khu vực vườn, nhưng lại không thể quản lý nổi các hộ dân sinh sống ở phía trong.