Nghĩa tình sâu đậm
Hương Đô là xã miền núi của huyện Hương Khê, có địa hình hiểm trở, người dân có truyền thống yêu nước nồng nàn. Sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559 và Đoàn 500 đặt ở thôn 7 từ năm 1968-1970. Người dân Hương Đô nói đây là sự kiện ngàn năm có một, bởi trong thời gian đó họ phục vụ 4 Trung tuớng của quân đội nhân dân Việt Nam gồm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Trung tướng Vũ Xuân Chiêm, Trung tướng Nguyễn Đôn, Trung tướng Lê Quang Đạo.
Hơn 20 căn nhà của làng được hiến cho bộ đội Trường Sơn. Trong đó, căn nhà 3 gian của cụ Nguyễn Văn Khánh dùng làm nơi hội họp của các tướng lĩnh. Căn nhà của bà Đinh Thị Khánh là nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở và làm việc. Bà Khánh năm nay 90 tuổi, đang sống ở thị trấn Hương Khê kể: “Thấy bộ đội vào, tui tình nguyện hiến nhà, có củ khoai, củ sắn, hay cái chi ngon là dành cho bộ đội”. Không chỉ nhà bà Khánh, mà cả thôn 7, cả xã Hương Đô đều dành món ngon địa phương cho Sở chỉ huy tiền phương.
Những kỷ vật còn lưu lại
Ngày Hương Đô hoàn thành sứ mệnh lịch sử, những căn nhà được bàn giao lại cho dân. Bao nhiêu dấu tích, bao nhiêu kỷ niệm không thể kể xiết. “Chính vì thế mà sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền địa phương đã gom góp hơn 200 kỷ vật của Đoàn 559 đóng quân tại đây làm phòng trưng bày, như một bảo tàng nhỏ nhằm tri ân những người con bộ đội Trường Sơn từng dọc ngang chiến đấu giữ vững hồn thiêng sông núi. Đó là tình cảm keo sơn thắm thiết trong mưa bom bão đạn. Rất nhiều hiện vật là mảnh bom, mảnh đạn, mảnh xác máy bay Mỹ. Các dụng cụ mà bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong, nhân dân ta sử dụng trong thời chiến, gắn bó với những trận đánh ác liệt nơi tọa độ lửa Long Đại như: ăng gô, bi đông, túi cứu thương, ruột tượng, cuốc xẻng, phích nước… của bộ đội tặng cho nhân dân được cất giữ cẩn thận. Đây cũng là nơi từng lưu dấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Lê Đức Thọ... đến làm việc và chỉ đạo bảo đảm giao thông vận tải thông suốt cho toàn hệ thống đường Hồ Chí Minh”, ông Lê Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh, kể lại.
Người dân Hương Đô lập trang thờ, trưng bày hình ảnh sưu tầm về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại nơi ông ở năm xưa
Đọng mãi trong lòng dân.
Ông Đinh Xuân Thủy, cán bộ xã Hương Đô, dẫn chúng tôi tham quan hệ thống di tích Đoàn 559, Đoàn 500 ở thôn 7. Tại đây, hầm họp của các vị tướng, căn nhà Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên điều hành, hội trường lớn dưới hầm… đều được Binh đoàn 12 (tiền thân là Đoàn 559) phục dựng. Ông Thủy kể: “Hệ thống giao thông hào cũng được tái hiện tỉ mỉ, đầy đủ để nhắc nhở các thế hệ không quên một thời bom đạn, một thời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã điều hành chiến đấu, đặt trụ sở Đoàn 559 ở đây”.
10 năm trước, tôi có dịp đến Hương Đô, lúc ấy kinh tế rất khó khăn, còn nay thì... Ông Thủy nói: “Hộ nghèo chỉ còn trên đầu ngón tay, hệ thống hạ tầng được bê tông hóa toàn bộ, cuối năm nay xã sẽ cán đích nông thôn mới. Đặc biệt, bác Đồng Sỹ Nguyên đã trở lại thăm Hương Đô 2 lần. Bác có nhiều tác động để làm đường cho xã. Có một cây cầu bác Nguyên đã kêu gọi trung ương đưa vốn về làm, người ta gọi là cầu bác Nguyên. Cầu nối Khe Mây với Yên Sơn, giải quyết đi lại, làm ăn cho cả ngàn hộ dân. Từ đó mà dân đã thoát nghèo và khấm khá lên. Để có ngày hôm nay, không người dân nào quên công lao bác Nguyên đã kêu gọi tài trợ trạm điện cho dân lúc chưa có điện, thiếu đường bác kêu gọi mở đường, thiếu trường bác đã bàn bạc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tìm cách và có trường mầm non Hương Đô”.
Ông Lê Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh, cho biết: “Tại địa bàn có điểm chiến đấu oanh liệt phà Long Đại đã được Báo SGGP đầu tư xây dựng đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn. Khi nghe tin này, bác Nguyên đã rất vui mừng.