1. Lễ Vu lan
Ngày Rằm tháng 7 (Âm lịch) được gọi là ngày “Báo hiếu cha mẹ” tức lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan gắn với tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật, là một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông, được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật.
Lễ Vu Lan gắn với tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật cứu mẹ (Ảnh: Sohu) |
Chuyện xưa kể rằng, sinh thời, mẹ của bồ tát Mục Kiền Liên làm nhiều điều ác, xúc phạm chư Tăng nên khi chết bị đày xuống địa ngục làm con ma đói. Bồ tát Mục Kiền Liên tìm cách cứu mẹ không được. Ông được Đức Phật chỉ cách phải cúng chư Tăng vào dịp Rằm tháng bảy và nhờ phước lực của đông đảo mười phương chư Tăng chúng mới cứu được mẹ mình thoát khỏi đau khổ, hành hạ ở địa ngục.
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Theo đó, vào dịp tháng bảy hằng năm, tín đồ Phật giáo tổ chức cúng, dâng phẩm vật lên Tam Bảo để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát. Đó là một hình thức để báo hiếu cho những người thân đã mất trong gia đình.
Đến ngày hôm nay, lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử đó mà là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình. Ngoài ra, đây còn là dịp mọi người tìm về cội nguồn.
Theo giáo lý Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành của mỗi người có nhiều cách khác nhau. Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng...
Ngày lễ Vu Lan, ai còn cha mẹ thì cài hoa đỏ, người nào cha mẹ đã mất thì cài hoa trắng (Ảnh: Đời sống pháp luật) |
Dịp lễ Vu Lan, mỗi người thường được cài lên áo một bông hoa hồng: Màu đỏ cho người còn (cha) mẹ và màu trắng cho ai đã mất (cha) mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nề nếp gia phong anh em hòa thuận.
Phong tục cài hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng vào dịp lễ Vu Lan là do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào thập niên 60 của thế kỉ trước để tăng thêm ý nghĩa văn hóa cho lễ hội này, nhất là để con cái nhớ về cha mẹ dù con hay mất.
2. Ngày xá tội vong nhân và lễ cúng Cô hồn
Theo dân gian và nhiều nguồn tin, tháng cô hồn này bắt nguồn từ một câu chuyện giữa đại đệ tử của Đức Phật là Tôn giả A Nan Ðà, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên).
Có một buổi tối, Đức A Nan Đà đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa như nó. Quỷ đói nói: “Nếu muốn tránh thì ngày mai ông phải thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên và ông cũng được tăng thọ”.
Theo dân gian, tháng cô hồn này bắt nguồn từ một câu chuyện giữa đại đệ tử của Đức Phật là Tôn giả A Nan Ðà, với một con quỷ miệng lửa (Ảnh: Sina) |
Nghe vậy Tôn giả A Nan Đà đem chuyện bạch với Ðức Phật và được Đức Phật truyền cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Y theo lời báo của quỷ miệng lửa, A Nan Đà sau đó làm theo, cúng quỷ đói và đọc bài chú Đức Phật truyền cho nên mới thoát được kiếp nạn.
Theo tục lệ dân gian, cúng lễ tháng cô hồn là một nghi thức nhân văn, thể hiện ở chỗ bên cạnh việc thắp hương thờ cúng tổ tiên, rất nhiều gia đình còn cầu nguyện cho những linh hồn sa cơ, những vong linh ẩn dật cô độc, không nơi nương tựa tìm được chốn đầu thai, thoát khỏi cảnh không chốn dung thân ở nhân gian.
Tục cúng tháng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu, với nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”. Về sau, lại được hiểu rộng thành các nghĩa khác như: Tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân) hoặc cúng thí cho những vong hồn vật vờ (cô hồn).
Nguồn tin: Vietnamoi.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn