Mấy hôm nay, mạng xã hội xôn xao về một hiện tượng có thể nói là hiếm gặp, đó là câu chuyện về một cậu bé ở Hà Tĩnh, mới 10 tuổi nhưng đã "cày" hết cả giá sách "khủng" của gia đình, còn theo bố lên thư viện đọc hàng trăm cuốn sách lịch sử và hiện đang "ôm" bộ Lênin toàn tập. Hiện tượng "lạ" đó khiến người thì ngưỡng mộ, tấm tắc, kẻ lại hoài nghi, giễu cợt… Mặc dư luận xôn xao, tâm hồn trong trẻo ấy vẫn cứ bình yên chăm chú vào những trang sách để tận hưởng tri thức, những điều thú vị mà riêng mình cậu cảm nhận được từ "kho tàng tri thức" mang lại.
Có thể nói, lâu nay chúng ta có xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và thực sự “phai nhạt” thói quen đọc sách trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện thông tin đại chúng và những tiện ích như báo điện tử, truyền hình, mạng xã hội… Điều đó khiến cho sách mất dần chỗ đứng, công chúng không còn hứng thú với sự đọc, nhất là những người trẻ. Hình ảnh những “con mọt sách” cắm cúi trong thư viện, trên giảng đường, trên những góc lan can phố nhỏ, nơi ghế đá công viên đến giờ đã gần như vắng bóng, thay vào đó là nam phụ lão ấu ai cũng khư khư trên tay chiếc điện thoại thông minh. Chỉ với một ngón tay thao tác thì cả thế giới thông tin, từ thượng vàng hạ cám đến tốt lỏi lẫn lộn… đã bày ra ngồn ngộn trước mắt.
Chính vì vậy, chưa xét đến cậu bé đọc những sách có phù hợp hay không, nhưng chỉ riêng việc cháu đam mê lật giở từng trang sách thơm mùi giấy mực, thậm chí còn đọc đi đọc lại những cuốn sách yêu thích, đó quả là tấm gương đáng khâm phục, không những cho các bạn nhỏ đồng trang lứa tham chiếu, học tập, mà người lớn chúng ta cũng nên nhìn vào đó để điều chỉnh lại thói quen của chính mình.
Văn hóa đọc đang báo động, và cứ đà này thì có lẽ đến một lúc nào đó nhiều người sẽ phải cảm thán lên rằng: Thói quen đọc sách đã đến hồi cáo chung? Bởi theo thống kê, có những người trẻ suốt cả năm trời không động vào một trang sách, còn số người thỉnh thoảng mới ngó đến sách đã gần như phủ sóng toàn bộ đời sống xã hội. Những con số biết nói khiến chúng ta phải suy nghĩ. Người lớn trong nhà không đọc sách, thay vào đó là lướt điện thoại, lên mạng "chém gió" thì đương nhiên con trẻ trong nhà cũng không thể tạo được thói quen đọc sách, yêu sách, tìm đến sách như tìm đến “chân trời tri thức”, vốn dĩ là sứ mệnh mà sách mang lại cho xã hội loài người.
Quay lại với cậu bé Khôi Nguyên 10 tuổi ở Hà Tĩnh, hẳn là em chưa hề bận tâm đến những “tiếng bấc tiếng chì” mà người lớn ở khắp nơi đang “phán xét” về mình, em cứ hồn nhiên, trong sáng để tìm niềm vui trong những trang sách cũng như hứng thú với đồ chơi và bánh kẹo. Hẳn là em cũng không biết hình ảnh của mình tay ôm cuốn sách sử dày cộp đang ngập tràn mạng xã hội với vô vàn phản hồi tích cực lẫn tiêu cực, nhưng với người viết, thì đó là một hình ảnh đẹp, tạo cảm hứng và hy vọng rằng nó sẽ tạo ra một “trend” mới trong giới trẻ - đọc và “khoe” mình đã “cày” hết bao nhiêu cuốn sách trong năm nay.
Tích lũy kiến thức sẽ không bao giờ là quá sớm cũng như quá muộn!
ĐỖ CAO HUYỀN
Theo baovanhoa.vn
Link gốc: http://baovanhoa.vn/van-hoa/%C4%91oi-song-van-hoa/artmid/570/articleid/45740/nen-khen-ngoi-dung-phan-xet