Kỷ niệm 200 năm Ngày mất đại thi hào Nguyễn Du (1820-2020): Nhớ Nguyễn Du...…

Thứ hai - 14/09/2020 06:58
Ngày 16-9-2020, Nguyễn Du (1765-1820, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên) tạ thế tròn 200 năm. Dự kiến vào ngày 25-9 tới, sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 255 năm Ngày sinh (1765-2020), tưởng niệm 200 năm Ngày mất (1820-2020) Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một trong số ít những tác gia Việt Nam có tầm vóc nhân loại. Bây giờ, khi nói về Nguyễn Du, đọc Nguyễn Du, học Nguyễn Du, hẳn chúng ta có nhiều điều đáng suy nghĩ.
T2020091402
Du khách tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Du tại Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Hẳn chúng ta luôn học ở Tố Như lòng yêu thương con người. Lòng nhân ái của đại thi hào bao trùm trong toàn bộ sáng tác của ông. Chúng ta sẽ mãi nhắc đến lòng nhân ái trong Văn tế thập loại chúng sinh với lòng bao dung, độ lượng sâu sắc của tác giả: “Còn chi ai quý ai hèn, /Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?”; chúng ta cũng xót xa với tình cảnh người mẹ với các con trong Sở kiến hành:

“Một mẹ cùng ba con, /Lê la bên đường nọ/ Đứa bé ôm trong lòng/ Đứa lớn tay mang giỏ. Trong giỏ đựng những gì?/ Mớ rau lẫn tấm cám/ Nửa ngày bụng vẫn không/ Áo quần thật lam lũ…” (bản dịch của Nguyễn Hữu Bông); chúng ta đầy trắc ẩn khi đọc những câu: “Mình gầy võ mày thưa duyên nhạt/ Ai biết nàng oanh liệt xưa kia/ Khúc đâu lệ chảy đầm đìa/ Khiến người nghe những đê mê xót thầm…” (bản dịch Học Canh) trong Long Thành cầm giả ca… Và dĩ nhiên, chúng ta không thể nào quên nàng Kiều trong Truyện Kiều, một tuyệt tác thấm đẫm lòng vị tha và yêu thương con người bị chà đạp dưới chế độ phong kiến: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Người phụ nữ dưới chế độ xưa bị xem rẻ, bị mua bán, bị biến thành món đồ chơi của những kẻ có thế lực, có nhiều tiền thì dưới ngòi bút của nhà thơ trở thành người đáng được yêu thương, được chăm chút, được bảo vệ… Bởi thế mà Tố Hữu đã viết: “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”, ngàn đời sau, nói về Nguyễn Du thì vẫn phải nói đến tình thương dạt dào trong tất cả các tác phẩm của ông.

Hẳn lòng yêu thương con người của Nguyễn Du không tự nhiên mà có. Suốt cuộc đời, Nguyễn Du phải sống qua những năm tháng chiến tranh, loạn lạc, phân ly. Ông sinh ra và lớn lên vào cuối thời Lê Trung hưng, Trịnh - Nguyễn phân tranh đã đi đến hồi kết thúc, khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, đất nước ta vẫn còn chia cắt, cát cứ nhưng phải chống hai cuộc xâm lăng lớn của quân Xiêm ở phía Nam và quân Thanh ở phía Bắc. Tình thế lúc đó của nhân dân ta thật lầm than. Nguyễn Du ra làm quan dưới thời Gia Long, được cử làm sứ đi Trung Quốc nhưng bấy giờ vết thương chiến tranh vẫn chưa lành, lòng người còn ly tán, bản thân ông cứ đau đáu với tình cảnh của xã hội, của đất nước, của người dân lúc bấy giờ. Sự trăn trở, ray rứt của ông bộc lộ qua nhiều tác phẩm, trong đó có những bài thơ của các tập Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.

Chúng ta cũng không thể nào quên Nguyễn Du ở việc giữ gìn và phát huy vốn tiếng Việt. Nói về đóng góp của Nguyễn Du vào sự phát triển của tiếng nói dân tộc không thể không nhắc đến câu nói nổi tiếng của nhà báo Phạm Quỳnh (1892 - 1945): “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Các tác phẩm viết bằng chữ Nôm của đại thi hào đã góp phần làm giàu và đẹp tiếng Việt nói chung và các thể thơ của người Việt nói riêng, trong đó có thể lục bát và song thất lục bát. Đặc biệt, với Truyện Kiều, tiếng Việt được tô vẽ đẹp hơn, sang trọng hơn, lung linh hơn. Đâu phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã lẩy Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” trước khi có những lời phát biểu trang trọng; cũng đâu phải vô cớ mà trong chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2015), Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lẩy hai câu: “Trời còn có buổi hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” để nói về quan hệ Việt - Mỹ hiện nay. Còn đọc hết Truyện Kiều, ta có thể tìm ra vô số câu hay, về từ, về ý, về cảnh, về tình!

Học Nguyễn Du, chúng ta không được thoát ly hiện thực, mà phải có trách nhiệm với cuộc sống, với đất nước, với dân tộc. Chúng ta không được quay lưng với cuộc sống, cũng không tô vẽ cuộc sống một cách đầy màu sắc, cũng không đi ngược lại dòng chảy của cuộc sống. Chúng ta sống trọn vẹn trong cuộc sống đang có và góp chút tâm, tài, trí của mình để cuộc sống thêm tốt đẹp hơn, hay ít cũng kêu được tiếng đau thương của nhân thế để lay động lòng người, chứ không phải thờ ơ hay càng chà xát vào nỗi đau đó. Chúng ta đọc và học lại Nguyễn Du nhiều hơn để lòng nhân ái lại chảy đầy trong huyết quản, để chúng ta thấy rằng hạnh phúc là yêu thương, chia sẻ với người khác chứ không phải chỉ yêu cái tôi của bản thân mình.

Hơn 200 năm trước, Nguyễn Du từng tự hỏi: liệu 300 năm nữa thiên hạ có ai khóc Tố Như không (Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như - Độc Tiểu Thanh ký), thì hậu thế, chẳng cần đến 300 năm, nhiều người vẫn nhớ đến ông, biết ơn ông vì ông đã để lại cho dân tộc Việt những tác phẩm quý báu, phản ánh sâu sắc trí tuệ và tình cảm của dân tộc. Bây giờ, nhiều người vẫn đọc và học ở ông, không chỉ qua những tác phẩm mang tầm thời đại của ông, mà còn ở tấm lòng và tình cảm của ông dành cho nhân thế. Chắc rồi 300 hay nhiều năm sau hơn nữa, người đời vẫn nhớ đến ông, nghĩ đến ông bằng thái độ đó, một sự trân trọng rất mực, bởi những gì ông đóng góp cho dân tộc, bởi những gì ông trăn trở, bởi những gì ông để lại cho đời. Chợt nhớ câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Sống trong đời sống, cần lắm một tấm lòng…, thì đây, tấm lòng của Nguyễn Du đáng cho chúng ta học suốt đời, học muôn đời!
Nguyễn Minh Hải

Theo Báo Đồng Nai

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây