Cà phê bikini và những mô hình kinh doanh 'gợi cảm' gây tranh cãi
Thứ ba - 16/07/2019 15:32
Không chỉ những quán cà phê bikini ở Mỹ, doanh nghiệp tại nhiều quốc gia thế giới cũng tận dụng yếu tố "gợi cảm" để thu hút khách hàng.
|
Mô hình cà phê bikini tại Mỹ lại tiếp tục gây tranh cãi khi một tòa phúc thẩm liên bang ra phán quyết buộc các nữ pha chế và phục vụ chuyên mặc bikini tại nhiều quán cà phê ở thành phố Everett, bang Washington phải ngừng khoe da thịt. Trên thực tế, việc các doanh nghiệp tận dụng yếu tố "khêu gợi" để thu hút khách hàng không phải là điều hiếm hoi ở nhiều quốc gia. Ảnh: Caters News. |
|
Ở khu du lịch Surfers Paradise thuộc thành phố Gold Coast (Australia), các cô gái trẻ đẹp mặc bikini vàng bỏ thêm đồng xu vào đồng hồ tính giờ để du khách không bị phạt vì đỗ xe quá thời gian cho phép. Không những thế, họ còn giới thiệu cho du khách biết cách mà máy đo giờ hoạt động. Mô hình này được doanh nhân Bernie Elsey đưa ra vào năm 1965, và hiện được Hiệp hội Tiến bộ Surfers Paradise sử dụng và khai thác. Ảnh: Gold Coast Bulletin. |
|
Việc tự ý bỏ thêm tiền vào máy đo giờ là bất hợp pháp tại Surfers Paradise. Tuy nhiên, các cơ quan pháp luật địa phương đã có cái nhìn tích cực hơn khi hành động này từ những cô gái mang bikini vàng đã thu hút sự tò mò, thích thú của du khách. Hội đồng thành phố Gold Coast cũng bỏ qua, không cấm mô hình này vì nó mang lại hiệu quả cho ngành du lịch địa phương. Ảnh: Daily Star. |
|
Ở Nhật Bản có một mô hình kinh doanh quán cà phê được biết đến với tên gọi no-pan kissa (quán cà phê không đồ lót). Tại đó, những nữ nhân viên phục vụ mang váy ngắn nhưng lại không mặc quần lót. Giá đồ uống của những quán cà phê này đắt hơn rất nhiều so với những quán thông thường khác. Nhiều phụ nữ chọn nơi này để làm việc vì được trả lương cao và không đối mặt với nguy cơ bị khách hàng động chạm hay lạm dụng. Ảnh: Wild Russia. |
|
Quán No-pan kissa đầu tiên được mở vào năm 1980 ở thành phố Osaka. Ban đầu, những quán cà phê kiểu này chỉ được đặt ở những vùng xa xôi, tách biệt so với các khu vực giải trí truyền thống. Nhưng trong giai đoạn đỉnh cao của no-pan kissa, mô hình này bắt đầu lan rộng ra các đô thị, đặc biệt là tại những nơi đông đúc như nhà ga xe lửa. Ảnh: Antenna. |
|
Những năm gần đây, số lượng no-pan kissa giảm xuống nhanh chóng. Những đạo luật mới tại Nhật Bản được đưa ra nhằm hạn chế ngành công nghiệp tình dục cũng như bảo vệ các doanh nghiệp truyền thống. Không chỉ quán cà phê, hình thức kinh doanh này cũng được áp dụng tại các quán lẩu và các quán karaoke ở Nhật Bản. Ảnh: Atomix. |
|
"Mỹ nhân trầu cau" hay "Tây Thi trầu cau" là một khái niệm nhằm chỉ những cô gái trẻ đẹp, ăn mặc gợi cảm bán trầu cau và thuốc lá trong những quầy hàng dọc đường tại các thành phố ở Đài Loan. Họ thường thuộc tầng lớp ít học thức và được trả lương cao cho công việc này, nhưng họ không hoạt động mại dâm. Ảnh: Alamy. |
|
Trào lưu này bắt nguồn từ một quầy bán trầu cau có tên là Shuangdong. Vào những năm 1960, Shuangdong thuê những cô gái trẻ đẹp bán hàng. Để tăng thêm sự chú ý, các cô gái này thường xuyên ăn mặc hở hang. Đến những năm 1990, hiện tượng này trở nên thịnh hành và chiếm lĩnh hầu hết quầy cau tại Đài Loan. Ảnh: Alamy. |
|
Việc những "mỹ nhân trầu cau" ăn mặc khêu gợi đã gây tranh cãi trong xã hội Đài Loan vốn mang nặng truyền thống Á Đông. Năm 2002, chính quyền Đài Loan đã ban hành một bộ luật yêu cầu những cô gái này phải mang đồ kín đáo hơn. CNN đưa tin vào năm 2002, chính quyền tại đây tuyên bố việc ăn mặc hở hang để bán hàng làm mất thể diện Đài Loan, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông và lạm dụng tình dục. Ảnh: Alamy. |
|
Các quán cà phê "khoe đùi" từ lâu đã phổ biến tại Chile. Ở đây, những nữ nhân viên phục vụ thường mang váy ngắn và giày cao gót nhằm làm nổi bật đôi chân gợi cảm. Đến giữa những năm 1990, nhiều người chuyển sang mặc bikini hoặc những trang phục tương tự. Ảnh: La Tercera. |
|
Các quán cà phê "khoe đùi" lại ngập tràn thủ đô Santiago của quốc gia Nam Mỹ này. Ảnh: La Tercera. |
(Theo Zing)