Ý nghĩa của ông ‘Tiến sĩ giấy’ trong Tết Trung thu là gì?

Thứ hai - 16/10/2017 05:43
Đêm trung thu không thể thiếu những đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ,… đặc biệt ông Tiến sĩ giấy và hai ông đánh gậy đứng bên cạnh, đó là biểu tượng cho sự ham học của trẻ.

Mỗi dịp Tết Trung thu, trên khắp các con phố ở Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân… lại nhộn nhịp bày bán những món đồ chơi truyền thống. Với những chất liệu sẵn có, tự nhiên đã rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam, qua đôi bàn tài hoa của các nghệ nhân làng nghề truyền thống đã tạo nên những món đồ chơi đa dạng, nhiều hình thù, màu sắc khác nhau.

Để hiểu hơn về ý nghĩa của những món đồ chơi Trung thu truyền thống, chúng tôi tìm về làng Hậu Ái, xã Vân Canh (Hoài Đức - Hà Nội), cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 10 km,. Nơi đây xưa kia vốn nổi tiếng với nghề làm đồ chơi truyền thống phục vụ cho dịp Tết Trung thu. Qua tìm hiểu, được biết làng nghề cho tới nay đã dần bị mai một theo thời gian, hiện trong làng chỉ còn duy nhất một nghệ nhân còn bám trụ với nghề mà ông cha đã để lại, đó là nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (54 tuổi).

Nguyễn Thị Tuyến - Nghệ nhân duy nhất của làng Hậu Ái, xã Vân Canh (Hoài Đức - Hà Nội) còn duy trì làm đồ chơi trung thu truyền thống. Ảnh Phi Hùng

Chia sẻ với chúng tôi, bà Tuyến cho biết: Từ năm 9 tuổi bà đã biết điểm các màu, làm khung, dán giấy… dần dần học hết các kỹ năng từ ông bà, cha mẹ mà thành nghề, giữ nghề cho đến bây giờ khi bà đã sống quá nửa đời người.

“Tôi đã được tiếp xúc với nghề từ khi còn nhỏ, trước kia làng tôi nhiều gia đình làm nghề này lắm, nhưng từ khi các mặt hàng đồ chơi hiện đại du nhập vào Việt Nam với nhiều mẫu mã bắt mắt, cạnh tranh với đồ chơi truyền thống, nên người làm nghề mỗi lúc một ít đi, hiện chỉ còn mỗi gia đình tôi còn duy trì được với nghề”, bà Tuyến nói.

Theo bà Tuyến, Tết Trung thu thời xa xưa là Tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Tuy nhiên, dần dần trung thu trở thành Tết trẻ em, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó. Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ bày cho.

Theo bà Tuyến, ông Tiến sĩ giấy trong Tết Trung thu biểu tượng cho sự ham học của trẻ. Ảnh Phi Hùng
Hai ông đánh gậy đi bên cạnh là biểu tượng khi con cháu mình thành đạt sẽ có người bảo vệ, che chở . Ảnh Phi Hùng

Đêm trung thu không thể thiếu những đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân… và đặc biệt không thể thiếu ông Tiến sĩ giấy và hai ông đánh gậy đứng bên cạnh, đó là biểu tượng cho sự ham học của trẻ. Tết Trung thu cũng là lúc trẻ bắt đầu cắp sách tới trường, phụ huynh đã gửi gắm vào các món đồ chơi dân gian này với mong muốn con em mình học hành giỏi giang, sau này lớn lên sẽ thành đạt, làm những việc có ích cho xã hội.

Do đó, ý nghĩa của ông Tiến sĩ là biểu tượng của sự giỏi giang, công danh thành đạt. Còn hai ông đánh gậy đi bên cạnh là biểu tượng khi con cháu mình thành đạt sẽ có người bảo vệ, che chở bên cạnh.

Đêm trung thu tiến sĩ giấy và hai ông đánh gậy được đặt bên mâm ngũ quả cúng trăng. Ảnh Phi Hùng

Nghệ nhân Tuyến giải thích thêm: “Trong đêm trăng rằm, tiến sĩ giấy và hai ông đánh gậy được đặt bên mâm ngũ quả cúng trăng. Sau đó ông Tiến sĩ sẽ được phụ huynh trịnh trọng đưa đến trước bàn học để cầu mong cho con học hành thành đạt. Hai ông đánh gậy được treo ở gần cửa sổ hoặc nơi có gió để các ông múa, trước kia thời chiến tranh hai ông múa gươm, nhưng thời bình chúng tôi thay bằng gậy cho các ông múa, thể hiện tinh thần rèn luyện sức khỏe.

Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa của người dân Việt Nam, đó là sự đoàn tụ, sum vầy gia đình, đây cũng là dịp cha mẹ quan tâm chăm sóc con cái, và ngược lại con cái cũng có cơ hội báo hiếu, biết ơn tới những người đã sinh thành ra mình…”.


Theo Vietnammoi.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây