Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực phối hợp, hợp tác trong công tác xây dựng và bảo vệ hồ sơ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan, các chuyên gia của Việt Nam, UNESCO và đặc biệt của hai địa phương là Nghệ An và Hà Tĩnh.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành "Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại". |
Việc UNESCO vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc này của Việt Nam, góp phần quảng bá tích cực và hữu hiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt nam trên trường quốc tế. Đồng thời đây là một sự đóng góp quý báu của Việt Nam vào kho tàng di sản của nhân loại.
Danh hiệu di sản mang lại niềm tự hào, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta đặc biệt là cộng đồng và chính quyền địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những cam kết quốc tế về bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản.
Trước đó, Unessco đã 7 lần công nhận “Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại” với các loại hình văn hóa của Việt Nam, bao gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế (2003); Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2005); Dân ca Quan họ (2009); Ca trù (2009); Hội Gióng tại đền Phù Đổng và Đền Sóc Sơn Hà Nội 2010; Hát xoan (2011); Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013).