Nhiều người không khỏi sững sờ vì có cảm giác kinh thành Huế cổ kính đang hiện ra trước mắt
Tái hiện cố đô để bố mẹ đỡ nhớ quê
Mỗi ngày, thấy ba mẹ kể về xứ Huế với nỗi nhớ da diết, anh Nguyễn Thanh Tùng không khỏi chạnh lòng. Cũng từ đó, anh bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử về đất cố đô. “Ba má ngày càng lớn tuổi, không thể mỗi lần nhớ Huế lại về thăm được nên tôi quyết tâm làm một cố đô Huế cổ kính ngay giữa lòng Sài Gòn để mỗi ngày bố mẹ đều được ngắm nhìn” - anh Tùng - chủ nhân của công trình “Huế thu nhỏ” chia sẻ.
Anh Tùng cho biết, ý tưởng phục dựng một kinh thành Huế đã được anh ấp ủ từ thời học sinh. Sau khi học xong đại học và đi làm, anh được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau ở các nước. Tuy nhiên, trong anh chẳng có nơi nào đẹp và cổ kính như Huế.
Năm 2000, anh bắt đầu thực hiện mô hình “Huế thu nhỏ”. Để làm công trình này, anh tìm đến các cụ cao niên sống ở Huế, các chuyên gia kiến trúc và nghệ nhân về Huế để tìm hiểu. Năm 2002 việc thiết kế mô hình kinh thành Huế hoàn thành và anh bắt tay vào xây dựng.
"Tôi quyết tâm làm một cố đô Huế cổ kính ngay giữa lòng Sài Gòn để mỗi ngày bố mẹ đều được ngắm nhìn", anh Tùng chia sẻ
Anh Tùng kể, ban đầu việc xây dựng các mô hình kinh thành Huế làm bằng gỗ và trét xi măng bên ngoài. Nhưng theo thời gian, gỗ không chịu được mưa nắng nên bị co, giãn. Anh tìm đến các nghệ nhân mộc nổi tiếng ở TPHCM, Huế và nhiều nơi khác nhưng không thành. Anh cũng cất công tìm gặp hậu duệ của những nghệ nhân xưa từng xây dựng lăng Khải Định, Hoàng thành Huế nhưng nhưng kết quả cũng không như mong muốn.
Sau thời gian nghiên cứu, anh Tùng cũng tìm ra được chất liệu có tuổi thọ cao và ít bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên. “Kinh thành Huế làm bằng đá tồn tại cả trăm năm, tại sao mình không làm bằng đá xay nhuyễn trộn với xi măng?”, anh Tùng đặt dấu hỏi.
Với chất liệu đó, anh Tùng chú tâm vào nghiên cứu, xây dựng mô hình kinh thành Huế. Sau 7 năm cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, nghệ nhân, gần 20 công nhân đã hoàn thành công trình nghệ thuật Ngự lãm viên với vẻ đẹp cổ kính về kinh thành Huế.
“Khi công trình hoàn thành, bố mẹ tôi rất vui mừng. Đó cũng là niềm an ủi của bố mẹ khi nhớ Huế nhưng không về thăm được. Sau này, nhiều đoàn học sinh, sinh viên cũng tìm đến kinh thành Huế giữa lòng Sài Gòn để tham quan, niềm vui của bố mẹ tôi được nhân đôi”, anh Tùng cho biết.
Những công trình kiến trúc giống y như thật
Cố đô giữa lòng Sài Gòn
Toàn bộ công trình Ngự lãm viên - “Huế thu nhỏ” của anh Tùng có 151 công trình kiến trúc. Nét cổ kính của vùng đất cố đô được tái hiện sinh động qua những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử như: Hoàng thành Huế, lăng các vua triều Nguyễn, chùa Thiên Mụ... Bên ngoài kinh thành Huế, con sông Hương nổi tiếng thơ mộng uốn quanh.
Dưới bàn tay tài hoa của người thợ, những Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hưng Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, phủ Nội Vụ, vườn Cơ Hạ… hiện lên oai nghiêm. Hoàng thành được thiết kế đầy đủ với các cung điện của vua, cung hoàng hậu, các phi tần kết hợp với hồ, vườn, bờ tường, lối đi san sát nhau và rất chắc chắn.
Trong kinh thành Huế ở Ngự lãm viên có điện Cần Chánh – nơi vua làm việc hằng ngày, có cả điện Càn Thành, Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu (nơi vua đọc sách), rồi có cả Duyệt Thị Đường – nhà hát cung đình Huế, cũng là nơi nhã nhạc cung đình Huế phát triển. Anh Tùng còn xây dựng cả cung Trường Sanh – nơi dành cho bà nội của vua ở, điện Phụng Tiên (dành cho công chúa), có cả Hiển Lâm Các, phủ Nội Vụ...
Tuy chỉ là tái tạo nhưng đại công trình này vẫn giữ được nét cổ kính như bản gốc với những đường nét tinh tế khiến nhiều khách tham quan cảm thấy như kinh thành Huế đang hiện ra trước mắt.
(Xem những hình ảnh ấn tượng về cố đô Huế giữa lòng Sài Gòn ở trang sau)
Cận cảnh cố đô Huế giữa lòng Sài Gòn:
Với một tâm nguyện duy nhất là cho ba mẹ mình thấy Huế mỗi ngày để bớt đi phần nào nỗi nhớ quê, anh Nguyễn Thanh Tùng đã tái hiện gần như toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế giữa lòng Sài Gòn.
Cách trung tâm TP HCM khoảng 20km, công trình Ngự lãm viên tọa lạc tại Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9. Đây là địa điểm tham quan hoàn toàn miễn phí dành cho các bạn trẻ yêu thích tìm hiểu lịch sử vương triều Nguyễn và nét đẹp kiến trúc của cố đô Huế
Điều đặc biệt của "Huế thu nhỏ" là tất cả các công trình đều được mô tả chính xác theo phương hướng trong thực tế. Kinh thành Huế thu nhỏ quay mặt về hướng nam, liên lạc với bên ngoài qua tám cửa theo tám hướng. Ngọ Môn là cổng lớn nhất trong bốn cổng chính của Hoàng thành.
Dạo bước trong không gian yên tĩnh của vùng ven ngoại thành, chắc chắn bạn sẽ mãn nhãn với những công trình kiến trúc cổ kính, độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc như Kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, lăng Gia Long...
Những đường nét chạm trổ tinh tế, những đường cong uốn lượn nhẹ nhàng thanh thoát của Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Thái Miếu, Hưng Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, phủ Nội Vụ, vườn Cơ Hạ… trong Ngự lãm viên khiến bạn như có cảm giác một kinh thành Huế cổ kính đang sừng sững ngay trước mặt.
Hoàng thành được thiết kế đầy đủ với các cung điện của vua, cung hoàng hậu, các phi tần kết hợp với hồ, vườn, bờ tường, lối đi san sát nhau và rất chắc chắn. Những cây cảnh nhỏ được trồng ngay trong công trình càng làm cho các khối đá trở nên mềm mại và đẹp mắt hơn.
Vẻ đẹp thơ mộng cổ kính kinh thành Huế
Cầu Trường Tiền trên sông Hương thơ mộng càng tô điểm thêm vẻ đẹp của đất cố đô
Những khẩu đại bác trong kinh thành Huế
Cửa Chương Đức, Hiền Nhơn trong kinh thành Huế
Những công trình kiến trúc tinh xảo giống y như cố đô Huế khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên
Chùa Thiên Mụ, một công trình nổi tiếng ở đất cố đô
Công trình lăng Minh Mạng được tái hiện chi tiết. Công trình Ngự lãm viên khiến nhiều người đến đây đều cảm nhận được sự cổ kính của Huế ngay giữa Sài Gòn.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn