Chuốc vạ vì những cuộc tình online
Gần một năm trôi qua, nữ sinh tên Q. (15 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) vẫn chưa hết bàng hoàng về mối tình qua Facebook và trở thành “nô lệ” cho gã trai miền Tây khi bị dụ dỗ đưa từ TPHCM xuống An Giang buộc làm việc cực khổ nhưng không nhận được đồng tiền công. Nhắc lại sự việc, Q. không khỏi rùng mình. Lúc đó, em đang học lớp 9 ở địa phương và quen một thanh niên tên Tính qua mạng. Hai người thường hẹn nhau lên mạng “chat” sau giờ học. Dần dần, hai bên nảy sinh tình cảm. Từ đó, Tính rủ Q. về quê mình chơi. Sau khi Q. đồng ý, ngay lập tức Tính đến đón Q. đi An Giang.
Khi vừa đặt chân đến nhà Tính, Q. bị ép phải lao động cực khổ. Không chịu được cảnh bị tra tấn, uy hiếp, nhiều lần Q. tìm cách bỏ trốn, nhưng bị bắt lại và chịu những trận đòn dã man. Trong những ngày Q. bị lưu lạc ở An Giang, gia đình hoảng loạn đi tìm khắp nơi. Bà Nguyễn Thị Mai Trinh (mẹ Q.) kể lại: Sau khi đồng ý cho con gái đi hồ bơi chơi, đến chiều bà đến đón thì không thấy. Hỏi mọi người xung quanh, được biết con bà đi với một thanh niên từ lâu.
Nhiều ngày trôi qua, bố Q. làm xe ôm đành nghỉ việc cầm tấm ảnh chân dung đi tìm con gái khắp nơi nhưng vẫn biệt tăm. Sau đó, mới biết con đang ở An Giang, bị ép làm việc như nô lệ. Ngay sau khi đón con về, gia đình bà Trinh đã làm đơn tố cáo Tính đến công an địa phương và công an An Giang.
Cách đây không lâu, qua mạng xã hội, một nữ sinh tại TPHCM lâm vào “lưới tình online” của một tên họ “sở” rồi bị chính tên này khống chế, uy hiếp gia đình đòi số tiền chuộc lên đến 400 triệu đồng nếu không muốn nhận… xác con. Sau hai ngày đêm phải sống trong hoảng loạn, nạn nhân được cứu khi lực lượng trinh sát ập vào căn phòng khách sạn. Ngay lập tức, hung thủ bị tóm và phải lãnh án 12 năm tù. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh bởi “cuộc tình online” sẽ còn dai dẳng trong cuộc sống cô gái ngoài 20 tuổi.
Gần hai năm trôi qua, nạn nhân hay “hung thủ” cuộc đánh ghen giữa hai mẹ con với người phụ nữ hàng xóm ở Bình Dương gây “bão” trên mạng xã hội đã và vẫn phải chịu những sự mất mát từ cuộc sống. Họ cũng là những nạn nhân của thế giới ảo, khi mà cuộc đánh ghen, xé quần áo khiến nạn nhân “trần như nhộng” giữa đường bị quay clip rồi phát tán lên mạng. Người đánh ghen bị xử tù treo, còn nạn nhân phải bỏ việc vì xấu hổ không chỉ với xã hội mà chính gia đình mình.
Gia đình bà L.T.T (43 tuổi ở phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) và bà P.T.B (41 tuổi) là hàng xóm với nhau. Hai bên gia đình sinh sống hoà thuận cho đến khi bà T. biết chồng mình đang có quan hệ tình cảm với bà B. Từ đây, giữa hai người phụ nữ này xảy ra mâu thuẫn. Nhiều lần bà T. gửi đơn lên cơ quan chức năng và Tổ hòa giải của khu phố yêu cầu chồng bà T. và bà B. phải cắt đứt mối quan hệ bất chính. Thế nhưng, hai người vẫn lén lút qua lại.“Nếu cô ấy vẫn còn say với thế giới ảo, tôi không thể sống chung được, cho đến khi cô ấy từ bỏ nó”
Anh Nguyễn Văn Lâm
Cuộc tình ngoài luồng khiến cuộc sống ở hai gia đình không ngày nào yên ổn. Bức bối, bà T. cùng con trai 15 tuổi chặn đầu xe bà B. đánh ghen, xé áo, quần nạn nhân rồi lấy điện thoại chụp hình. Cuộc đánh ghen kinh hoàng ở giữa đường bị quay clip từ đầu đến cuối rồi phát tán lên mạng. Hai mẹ con bà T. bị công an triệu tập và toà phạt bà T. 6 tháng tù treo; còn nạn nhân thì quá xấu hổ phải xin nghỉ việc. “Chuyện bị đánh ghen và tung clip lên mạng khiến tôi như bị dìm xuống địa ngục, tôi xấu hổ vô cùng. Dặn mấy đứa nhỏ không được để đứa con đầu đang học đại học biết chuyện. Nếu biết mẹ nó bị đánh ghen đến nỗi không còn mảnh vải che thân lại bị quay clip đưa lên mạng tôi sợ nó không còn mặt mũi nào đến lớp nữa”, bà B. nói.
Không đánh ghen, không bị đăng clip lên mạng nhưng anh Nguyễn Văn Lâm (34 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) phải quyết định sống ly thân vợ khi tình cảm vợ chồng rạn nứt đến nỗi khó cứu chữa do vợ anh quá “say” với mạng xã hội. Anh Lâm kể, vợ chồng anh cưới nhau được ba năm, thời gian mới cưới hai vợ chồng sống hạnh phúc cho đến khi vợ anh chuyển việc về làm nội trợ và buôn bán nhỏ tại nhà. Từ đó, càng ngày, vợ anh càng nghiện Facebook, đến nỗi có ngày quên cả việc nấu cơm, dọn nhà mà chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại.
Mọi chuyện từ vui buồn đến giận hờn, cãi vã đều được chị tung lên mạng xã hội, mọi bức ảnh, mọi vấn đề đều được chị đăng tải. Đi đâu anh cũng phải làm “phó nháy” bất đắc dĩ để chị chụp hình đăng lên mạng xã hội, càng ngày anh càng nản với kiểu thích “khoe hàng” của vợ. Anh Lâm nói: “Công việc tôi bộn bề cả ngày, khó khăn lắm hai vợ chồng mới có buổi đi chơi, đi ăn thì cô ấy chỉ chăm chăm vào cái điện thoại”.
Trong một lần về quê chúc thọ ông nội, khi mà cả dòng họ đang tất bật lo cho công việc, vợ anh lại chỉ chăm chăm chụp hình. Cho đến khi ra khán đài làm lễ mừng thọ chung cho các cụ trong làng, vợ anh vẫn vô tư lấy sân khấu mừng thọ làm nền chụp ảnh và liền bị cụ dẫn chương trình mắng thẳng vào mặt trước bàn dân thiên hạ vì “dám chổng mông vào các cụ đang ngồi trên để chụp ảnh. Lúc đó tôi chỉ trông có cái lỗ nào để chui xuống”. Sau buổi mừng thọ, vợ chồng anh bị cả dòng họ gọi về răn dạy.
Cứ tưởng sau hôm ấy, vợ anh Lâm sẽ hạn chế sử dụng mạng xã hội nhưng không, từ khi về nhà, chị vẫn khư khư chiếc điện thoại mà không cần quan tâm chồng đang làm gì. Không còn cách khuyên bảo vợ, anh quyết định sống ly thân. “Nếu cô ấy vẫn còn say với thế giới ảo, tôi không thể sống chung được, cho đến khi cô ấy từ bỏ nó”, anh Lâm nói.