Tôi không nhớ mình đã đọc Truyện Kiều bao nhiêu lần, có khi đọc liền một lúc, có khi đọc từng phần, có khi đọc vì cần mượn kiều để minh họa cho một bài viết nào đấy, lại có khi vì một niềm tin mơ hồ mà “bói Kiều”… dù tiếp cận Truyện Kiều dưới hình thức nào thì tôi vẫn thấy mỗi lần đọc là mỗi lần phát hiện thêm những điều mới mẻ, thích thú. Có lẽ, điều làm chúng ta đọc Truyện Kiều không cảm thấy nhàm chán, thậm chí thích đọc đi, đọc lại chính là ở đó người đọc cảm nhận ngôn ngữ trong "Truyện Kiều" đẫm chất dân gian, gần gũi với đời sống hàng ngày.
Biệt tài vận dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao trong Truyện Kiều của Đại thi hào khéo léo đến nỗi, lắm lúc chúng ta không còn biết được những câu thành ngữ quen thuộc đã nhập vào trong "Truyện Kiều", hay chính "Truyện Kiều" đã tạo ra những thành ngữ, tục ngữ ấy.
Văn học dân gian có một bộ phận rất đặc sắc là thành ngữ, ở đây những chân lý đời sống được hình tượng hóa cao độ và được nén gọn trong ngôn từ rất giàu nhạc tính. Truyện Kiều vận dụng khẩu ngữ, ngoa ngữ, thành ngữ, tục ngữ; trong đó thành ngữ được vận dụng nhiều nhất. Ví như: “Thiên nhai hải giác” thành “Chân trời góc bể”; “Hồng diệp xích thằng” thành “Lá thắm chỉ hồng”; “Bình địa ba đào” trong câu “Gặp cơn bình địa ba đào/ Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em”; “Nói như ru” trong câu “Lặng nghe lời nói như ru/ Chiều thu dễ khiến nét thu ngại ngùng”; “Bạc như vôi” trong câu “Phận sao phận bạc như vôi/ Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”; “Ma đưa lối”, “Quỉ đưa đường” trong câu “Ma đưa lối quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn đường mà đi”; “Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều” trong câu “Dễ dàng là thói hồng nhan/ Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”…
Nguyễn Du đã sử dụng khá nhiều tục ngữ, ca dao để kiến trúc cho tác phẩm của mình; mặt khác, từ khi Truyện Kiều ra đời quần chúng nhân dân cũng lại vay mượn ngôn ngữ và nhân vật Truyện Kiều để xây dựng ca dao và dân ca. Nói về phận làm con, ca dao ta có câu: “Thức khuya, dậy sớm chuyên cần/Quạt nồng ấp lạnh, giữ phần làm con”. Miêu tả tâm trạng nàng Kiều nhớ mẹ và nghĩ đến phận làm con của mình Nguyễn Du đã trau chuốt ngôn ngữ của nhân dân, làm cho mối tình thương của cô gái trong bước phong trần càng thêm tha thiết: Xót người tựa cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ”?
Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã biết lọc lấy những phần ưu tú nhất trong ngôn ngữ của nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ văn học của nhân dân, đã biểu hiện được một chừng mực nhất định những cảm nghĩ của nhân dân đối với giai cấp thống trị đương thời, cũng như đã học tập được của nhân dân ngôn ngữ và nghệ thuật biểu hiện những cảm nghĩ ấy để sáng tạo nên một Truyện Kiều bất hủ.
Đời sống của nhân dân luôn luôn gắn bó với thực tế lao động và sản xuất, nên trong sáng tác nhân dân hay dùng những hình tượng cụ thể và sinh động. Như nhớ thương người xa vắng, ca dao ta có câu: “Ai đi muôn dặm non sông/ Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy”. Về những nỗi nhớ nhung sầu não của Kim Trọng, Nguyễn Du đã miêu tả: “Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dồn lại một ngày dài ghê”. Tâm sự kẻ ở người đi, nỗi chia ly làm người ta day dứt, Truyện Kiều có câu: “Vầng trăng ai sẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” thì trong sáng tác của nhân dân, cũng câu: “Vầng trăng ai sẻ làm đôi/ Đường trần ai vẽ ngược, xuôi hỡi chàng ?”... Ở đây, khó mà biết ai mượn của ai? Nhân dân vay mượn của Kiều, hay Nguyễn Du sử dụng vốn văn học của nhân dân ?.
Nhưng có những câu thì rõ ràng nhân dân đã mượn chữ nghĩa của Kiều, vì đây thật là những "chữ nghĩa" có điển cố mà chỉ những nhà nho mới diễn nôm được một cách rõ ràng, trơn tru:
Kiều có câu: “Chén hà sảnh giọng quỳnh tương/ Giải là hương lộn, bình gương bóng lồng” thì mấy chị hát phường vải đã đổi một vài chữ đi cho dễ hiểu hơn và thêm một câu khác cho hợp với lối "hát mời": “Chén ngà sánh giọng quỳnh tương/ Mời chàng nho sĩ văn chương bước vào”.
Và Kiều có câu : “Xắn tay mở khóa động đào/ Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên thai” thì quần chúng nhân dân cũng đã dùng "chữ nghĩa" của Kiều và đơn giản hóa đi một phần cho hợp với cung cách hát phường vải: “Ra tay mở khóa động đào/ Thực tiên thì được bước vào chơi tiên”.
Chính ngôn ngữ đã làm nên một những giá trị bất hủ của thơ Nguyễn Du, đặc biệt sự độc đáo của ngôn ngữ còn giúp Truyện Kiều vượt ra khỏi biên giới, được bạn bè quốc tế đón nhận. Những chất liệu từ đời sống văn nghệ dân gian như ca dao, tục ngữ, thành ngữ đã được Nguyễn Du khai thác để miêu tả thiên nhiên và tâm trạng nhân vật. Và như vậy, dấu ấn của văn học dân gian với sự phong phú, đa dạng của ngôn ngữ, hình tượng, cách diễn đạt đã góp phần giúp Truyện Kiều trường tồn với thời gian và nhân loại.